WikiLeaks tuyên bố sẽ 'chiến đấu' giúp ông Assange tự do

12/04/2019 10:23 GMT+7

Tổng biên tập WikiLeaks Kristinn Hrafnsson và luật sư Jennifer Robinson tuyên bố sẽ phản ứng mạnh mẽ sau khi ông Julian Assange, nhà sáng lập tổ chức này, bị bắt sau 7 năm tị nạn trong đại sứ quán Ecuador.

"Đây là tiền lệ cho thấy bất cứ nhà báo hay tổ chức truyền thông nào cũng có thể bị dẫn độ và truy tố vì đăng tải sự thật về nước Mỹ. Về bản chất, đây là hành động sai trái và phải bị phản kháng. Chúng tôi sẽ chống lại nó”, bà Jennifer Robinson, luật sư của nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange, tuyên bố.
[VIDEO] Vì sao Mỹ muốn dẫn độ người sáng lập Wikileaks?
Nhà sáng lập WikiLeaks bị cảnh sát Anh bắt ngày 11.4 khỏi đại sứ quán Ecuador ở London vì cáo buộc trốn nộp tiền bão lãnh và không trình diện trước tòa. Ông đối diện mức án 1 năm tù.
Bên cạnh đó, lệnh bắt giữ cũng được thực hiện theo yêu cầu dẫn độ từ Mỹ. Theo Reuters, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc ông Assange (48 tuổi) cấu kết với cựu phân tích viên tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning để bẻ khóa mật khẩu hệ thống máy tính Bộ Quốc phòng, gây ra vụ rò rỉ thông tin mật rúng động vào năm 2010.
Ông Assange tị nạn trong sứ quán Ecuador từ năm 2012 nhằm tránh bị bắt giữ và dẫn độ về Mỹ, nơi ông đối diện với mức án nhiều năm tù nếu bị kết tội.
[VIDEO] Cảnh sát Anh bắt giữ người sáng lập Wikileaks sau khi Ecuador không còn "chứa chấp"
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Nội vụ Ecuador Maria Paula Romo ngày 11.4 cho biết một trợ lý thân cận của ông Assange đã bị bắt cùng ngày để điều tra nghi án "phá hoại chính quyền". Kênh Teleamazonas đưa tin người này tên Ola Bini, nhân viên phát triển phần mềm về bảo mật, an ninh, bị bắt khi đang tìm cách bỏ trốn sang Nhật Bản.
Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange có nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ Reuters
Tổng biên tập WikiLeaks Kristinn Hrafnsson nói rằng việc ông Assange bị bắt gửi thông điệp đến toàn bộ nhà báo trên thế giới rằng “không nên ngáng đường giới siêu quyền lực”, theo đài RT.
Ông Hrafnsson lo ngại vụ việc này sẽ gây hiệu ứng tiêu cực đến giới truyền thông vì có thể sẽ có thêm người bị truy tố nếu rò rỉ tin mật, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng “sẽ luôn có những người dũng cảm để bước lên và nhìn thấy tầm quan trọng của việc minh bạch thông tin”.
Tổng biên tập Hragnsson nói rằng những lần công bố thông tin mật về chiến tranh tại Iraq, Afghanistan của WikiLeaks đã tạo tiền lệ cho những trường hợp tương tự sau này như vụ lộ mật do cựu nhân viên kỹ thuật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ Edward Snowden thực hiện hay vụ Hồ sơ Panama. WikiLeaks từng công bố 500.000 tài liệu mật của Mỹ về chiến tranh Iraq và Afghanistan, hé lộ chi tiết về số lượng thường dân thiệt mạng, tra tấn tù binh.
Ông Hrafnsson tuyên bố WikiLeaks sẽ tiếp tục con đường của mình, đồng thời sẽ chiến đấu để giúp nhà sáng lập Assange tự do.
Ông Assange phối hợp với các nhà hoạt động chính trị và chuyên gia công nghệ thông tin lập ra website WikiLeaks vào năm 2006 nhằm mở đường cho những người tố giác muốn minh bạch thông tin mật.
Nhiều tài liệu mật đã được WikiLeaks công bố trong khi giới chuyên gia an ninh và chính phủ Mỹ lên án việc làm của ông Assange đe dọa an ninh quốc gia, mạng sống nhiều người vì làm lộ nguồn tin, kỹ thuật tình báo và những cơ sở hạ tầng then chốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.