Khuya 24.5, tờ South China Morning Post dẫn một số nguồn tin trong quân đội Trung Quốc tiết lộ sẽ điều động một nhóm tác chiến tàu sân bay tham gia cuộc tập trận trên Biển Đông. Thời điểm chính xác của cuộc tập trận cũng như việc tàu sân bay Liêu Ninh hay tàu sân bay Sơn Đông tham gia tập trận đều không được tiết lộ. Quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành nhiều nội dung tập trận khác nhau về tập trận tàu sân bay, các loại chiến hạm khác cũng như khả năng chiến đấu của nhiều loại khí tài.
Theo nguồn tin trên, diễn biến tập trận sẽ còn bao gồm cả nội dung nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc đi qua khu vực quần đảo Đông Sa rồi tiến hành tập trận ở khu vực phía đông nam Đài Loan nằm ở khu vực biển Philippines. Trong khi đó, Kyodo News mới đây đưa tin Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc tập trận đổ bộ lên đảo ở gần tỉnh Hải Nam của nước này.
Răn đe nhiều bên ?
Ngày 25.5, trả lời Thanh Niên về thông tin trên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ Châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) nhận định: “Việc Trung Quốc tiếp tục phô diễn sức mạnh thông qua tập trận sắp tới nhằm thể hiện 3 thông điệp”.
Cụ thể, PGS Nagy chỉ ra: Thứ nhất, đại dịch Covid-19 đã gây ra tác hại nghiêm trọng cho kinh tế Trung Quốc. Vì thế, bằng cách thể hiện sức mạnh ở Biển Đông, chính phủ Trung Quốc muốn thể hiện cho người dân nước này về sức mạnh quốc gia vẫn được duy trì.
Thứ hai, không thể phủ nhận việc uy tín của Đài Loan thời gian qua tăng lên, nhất là khi đã chống dịch bệnh hiệu quả. Bên cạnh đó, Đài Bắc gần đây nhận được sự hỗ trợ ngày càng nhiều hơn từ Washington. Vì thế, nội dung tập trận đổ bộ có thể xem là động thái răn đe để Bắc Kinh gửi thông điệp đến Đài Bắc rằng kế hoạch thống nhất Đài Loan bằng vũ lực vẫn là một chọn lựa của Trung Quốc đại lục.
|
Thứ ba, các cuộc tập trận sắp tới còn nhằm gửi thông điệp đến Washington rằng bất chấp việc Mỹ tăng áp lực toàn diện trước các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông, thì Bắc Kinh vẫn không từ bỏ tham vọng đối với vùng biển này.
“Bên cạnh đó, Trung Quốc đang cố khẳng định sức mạnh khi Mỹ cùng các nước châu Âu đang phải vật lộn ứng phó dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cũng như các nước lân cận cần hết sức cảnh giác trước Trung Quốc, bởi Bắc Kinh có thể lợi dụng tình hình bệnh dịch để có thêm nhiều hành động đáng quan ngại trên Biển Đông”, PGS Nagy đặt vấn đề.
Dự báo diễn biến phức tạp
Cùng ngày 25.5, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích: Chưa rõ trong cuộc tập trận vào mùa hè sắp tới, Trung Quốc sẽ triển khai tàu sân bay Liêu Ninh hay tàu Sơn Đông tham gia. Xét về quy mô thì hai tàu sân bay Liêu Ninh lẫn Sơn Đông đều có độ choán nước từ 60.000 - 70.000 tấn, nhỏ hơn khá nhiều so với tàu sân bay Mỹ vốn có độ choán nước trên 100.000 tấn.
Xét về thực lực, tàu sân bay Trung Quốc mang được khoảng 35 chiến đấu cơ J-15 và khoảng 10 máy bay trực thăng, tức chưa bằng một nửa so với thực lực của tàu sân bay Mỹ. Thêm vào đó, tàu sân bay Trung Quốc lại thiếu bộ phóng máy bay để J-15 có thể cất cánh mang theo đầy đủ nhiên liệu lẫn vũ khí. Như thế, so với Mỹ thì tàu sân bay Trung Quốc chưa phải là đối thủ ngang hàng.
|
“Tuy nhiên, J-15 là chiến đấu cơ thế hệ 4 nên nếu so tương quan với không lực các nước trong khu vực Đông Nam Á, thì số J-15 mà tàu sân bay Trung Quốc mang theo gần như ngang bằng với số lượng chiến đấu cơ thế hệ 4 mà từng nước thuộc Đông Nam Á đang sở hữu. Chính vì thế, sức mạnh của tàu Liêu Ninh hay Sơn Đông tạo ra là rất đáng quan ngại cho các nước ASEAN”, TS Nagao nhận định và nói thêm: “Ngoài ý nghĩa răn đe trên, Bắc Kinh còn ẩn chứa cả thông điệp gửi đến Washington. Sắp tới, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào tháng 11, đương kim chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump chắc chắn cần thể hiện lập trường cứng rắn trước Trung Quốc. Nên nhiều khả năng Washington sẽ gia tăng áp lực nhằm vào Bắc Kinh. Chính vì thế, Trung Quốc tổ chức tập trận đổ bộ lên đảo và tập trận tàu sân bay để thể hiện thái độ không từ bỏ các mục tiêu về vấn đề Đài Loan và Biển Đông”.
Từ đó, ông Nagao dự báo: “Trong bối cảnh như vậy, Mỹ chắc chắn sẽ triển khai nhiều lực lượng hơn nữa đến các vùng biển trong khu vực. Tình hình Biển Đông nói riêng và vùng biển trong khu vực nói chung sắp tới sẽ còn nhiều diễn biến khó lường”.
Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc lợi dụng Covid-19
Tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 24.5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh các cuộc tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ không bị phá vỡ bởi sự can thiệp từ bên ngoài, theo Tân Hoa xã.
Ông Vương cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với các nước ASEAN, khôi phục càng sớm càng tốt cuộc tham vấn về COC, vốn bị tạm dừng do Covid-19. Trong khi đó, Tổng biên tập tờ Nikkei Asian Review Toru Takahashi từng cảnh báo Bắc Kinh thể hiện “bộ mặt hợp tác” trong khi vẫn có các động thái gây căng thẳng trên thực địa.
Cùng ngày 24.5, ông Vương Nghị cho rằng “tuyệt đối vô lý” khi cho rằng nước này lợi dụng Covid-19 để mở rộng hiện diện ở Biển Đông. Ông còn nói: “Trung Quốc đã và đang tập trung vào việc hợp tác đối phó dịch với các nước ASEAN trong thời gian gần đây”.
Hồi tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo với ngoại trưởng các nước ASEAN rằng Trung Quốc muốn lợi dụng sự xao nhãng từ đại dịch Covid-19 để đẩy mạnh tham vọng lãnh thổ phi pháp ở Biển Đông. Nhiều nhà phân tích cũng có quan điểm tương tự, dù một số cho rằng những hành động gây quan ngại của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian gần đây nằm trong chiến lược dài hạn và có thể đã được hoạch định trước khi Covid-19 bùng phát.
Văn Khoa
|
Bình luận (0)