'The Grand Budapest Hotel' - kì dị mà đáng yêu

04/02/2015 10:11 GMT+7

(TNO) Mặc dù đoạn trailer của The Grand Budapest Hotel tạo ấn tượng với người xem rằng đây là một bộ phim hài, tuy nhiên phim có lẽ sẽ không phải dạng phim khiến khán giả cười nôn ruột. Nhưng nó vẫn thật kỳ dị và đáng yêu.

(TNO) Mặc dù đoạn trailer của The Grand Budapest Hotel tạo ấn tượng với người xem rằng đây là một bộ phim hài, tuy nhiên phim có lẽ sẽ không phải dạng phim khiến khán giả cười nôn ruột. Nhưng nó vẫn thật kỳ dị và đáng yêu.

The Grand Budapest Hotel - kì dị mà đáng yêu Chụp màn hình clip trailer chính thức của bộ phim trên YouTube
Nếu bạn không phải là dân ghiền phim, có thể bạn sẽ không biết Wes Anderson là ai. Nếu có một từ để miêu tả phim của nhà làm phim này, hẳn đó phải là “kỳ dị”. Phim của anh kỳ dị ở mọi thứ: từ câu chuyện, nhân vật, cho đến tiết tấu phim và cách chọn góc máy quay. Từ những phim như Rushmore (1998), The Royal Tennebaums (2001), phong cách này của Anderson được giới chuyên môn đánh giá rất cao, anh được coi như là một tên tuổi trụ cột của điện ảnh độc lập Hoa Kỳ. Bản thân nhà làm phim này được các diễn viên gạo cội rất yêu mến và sẵn sàng tham gia phim anh, nhưng phim của Anderson thường không phải là phim ăn khách. Phải đến Moonrise Kingdom (2012), các tác phẩm của anh mới được biết đến rộng rãi hơn. Năm 2014, cùng với dàn ngôi sao tên tuổi như Ralph Fiennes, Bill Murray, Willem Dafoe, Edward Norton,... Anderson đã tạo ra tác phẩm mới nhất của mình, đó chính là The Grand Budapest Hotel.
Mặc dù đoạn trailer của The Grand Budapest Hotel tạo ấn tượng với người xem rằng đây là một bộ phim hài, tuy nhiên phim có lẽ sẽ không phải dạng phim khiến khán giả cười nôn ruột. Một phần là do mạch phim khá chậm, không hề dồn dập và thường được cố ý dàn dựng để trông có vẻ vụng về. Đây là điểm thường thấy trong phim của Wes Anderson và có thể khiến cho người xem khó nắm bắt nếu xem lần đầu. Câu chuyện phim cũng không bắt người xem phải đau đầu và không hề có những tình tiết khiến khán giả phải bất ngờ choáng váng.
Từ trái qua: Các diễn viên Adrien Brody, Waris Ahluwalia, F. Murray Abraham và Bill Murray trong một buổi trình chiếu The Grand Budapest Hotel  tại New York  (Mỹ) ngày 26.2.2014 - Ảnh: Reuters
 Vậy đâu chính là điểm nhấn của bộ phim? Đó chính là cách dàn dựng của đạo diễn. Một phong cách rất quái, nhưng lại có một sự quyến rũ ngấm ngầm kỳ lạ đến từ sự bay bổng từ trí tưởng tượng phóng khoáng của Anderson. The Grand Budapest Hotel khiến bạn cảm thấy gần giống như khi xem một vở kịch trên sân khấu với lối diễn xuất thậm xưng, nhưng được biểu tả bởi những góc máy có bố cục tuyệt đẹp và những chuyển động hay cú lia máy đầy ngẫu hứng. Một điểm khá đặc biệt của bộ phim là đạo diễn sử dụng rất ít các cỡ cảnh cận, mà chỉ dùng những cỡ cảnh trung hoặc toàn, tạo ra không khí theo kiểu phim thời xưa của những năm 30. Trong phim cũng thường xuyên có những chuyển cảnh mà bạn gần như không thể nhận ra ngay lập tức bởi sự liền mạch hết sức thông minh, dù là thay đổi không gian hay thời gian từ hiện tại và quá khứ. Thêm vào đó, phim cũng sử dụng nhiều trường đoạn có sử dụng hoạt hình stop-motion với những mô hình tàu điện, khách sạn, thành phố... xinh xắn, gợi nhớ rất nhiều đến bộ phim hoạt hình The Fantastic Mr.Fox được giới phê bình đánh giá cao do chính Anderson làm năm 2009. Phim của Wes Anderson thường có phần thiết kế bối cảnh và phục tranh rất kỹ lưỡng, nhất là rất phong phú màu sắc. Với The Grand Budapest Hotel, vì diễn ra trong một khách sạn sang trọng, điểm mạnh này lại càng được thể hiện rõ khi tràn ngập cả bộ phim là những bảng phối màu rực rỡ của những gam màu tươi sáng, hay những họa tiết lộng lẫy phản ánh xứng đáng sự sa hoa của một khách sạn đang ở thời kỳ đỉnh cao. Vẻ rực rỡ ấy lại càng tăng thêm sự tương đồng với nghệ thuật sân khấu theo ý đồ của đạo diễn.
The Grand Budapest Hotel - kì dị mà đáng yêu  2Chụp màn hình clip trailer chính thức của bộ phim trên YouTube
Về cốt truyện, The Grand Budapest Hotel không phức tạp, nhưng lại duyên dáng và trào lộng. Một nhà văn khi đang dưỡng bệnh đã ở lại khách sạn The Grand Budapest và được nghe kể về người chủ của khách sạn có tên là Zero Moustafa. Vì lý do nào đó, ông đã đổi toàn bộ của cải đồ sộ của mình để lấy khách sạn, nay không còn thu hút khách và sẽ phá sản trong tương lai gần. Khi được trực tiếp nói chuyện với ông Moustafa, ông bắt đầu kể cho nhà văn câu chuyện về quá khứ của mình, đó là chuyến phiêu lưu của Zero lúc mới chỉ là cậu bé chuyên làm việc vặt trong khách sạn và ngài Gustave, nhà quản lý khách sạn lừng danh. Ngài Gustave được một người tình già trao quyền thừa kế một bức tranh quý khi bà này qua đời, trong sự phẫn nộ từ đám họ hàng tham lam của người quá cố, ngay giữa lúc một cuộc chiến cũng đang đến gần. Zero cùng cô bé bán bánh ngọt Agatha, mối tình đầu sâu nặng của cậu, trở thành trợ thủ đồng hành cùng ngài Gustave hào hiệp, một quý ông đích thực của một thời đã xưa...
Như đã đề cập ở trên, bộ phim có sự góp mặt của nhiều ngôi sao tên tuổi, tuy nhiên hầu hết họ chỉ đóng vai trò khách mời. Trong suốt phần lớn thời lượng của phim, hai nhân vật mà khán giả sẽ chú ý nhất là ngài Gustave (Ralph Fiennes) và cậu bé Zero (Tony Revolori) và do đó đất diễn của hai diễn viên cũng lớn hơn rất nhiều so với những người khác. Danh tiếng của Ralph Fiennes là không phải bàn cãi, bằng chứng là anh đã được hai lần đề cử giải Oscar, và giành được vô số giải thưởng điện ảnh khác. Trong The Grand Budapest Hotel, với tài diễn xuất của Fiennes, nhân vật Gustave trở nên rất sống động. Từng cử chỉ, lời nói và hành động của nhân vật này thể hiện tuyệt vời một quản lý khách sạn cứng rắn, tháo vát, có một chút toan tính nhưng hết sức quân tử, hào hoa. Và tất cả những đặc điểm đó đều được cố ý thể hiện một cách giống kịch khiến người xem phải bật cười. Diễn xuất của Ralph cũng nhận được sự trợ giúp không nhỏ từ những câu thoại hóm hỉnh dành cho nhân vật. Khán giả sẽ khó mà nhận ra người diễn viên này chính là kẻ ác Voldermort trong series Harry Potter ăn khách. Diễn cặp với bạn diễn gạo cội, người mới Tony Revolori cũng chứng tỏ mình rất hợp với vai diễn cậu bé chuyên chạy việc vặt trong khách sạn. Có thể một phần là vì “mới” nên có lẽ cậu không gặp quá nhiều khó khăn trong việc lột tả vẻ chất phác, hiền lành, và sự ngây thơ của cậu thực tế lại khiến bộ phim thú vị hơn. Các diễn viên khác do không có nhiều đất diễn nên công việc của họ không nhiều, tuy nhiên tất cả đều trở thành những mảnh ghép hoàn hảo của phim. Nhất là Saoirse Ronan hết sức đáng yêu trong vai Agatha, cô và Tony đã tạo nên sự ngọt ngào cho cặp tình nhân trẻ tuổi và cũng là một cái neo khiến khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình.
The Grand Budapest Hotel có thể nói là một bộ phim dễ hiểu lầm bởi vì sự khác thường của nó. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, bộ phim lại đang dẫn đầu về số lượng đề cử tại giải Oscar năm nay. Đây là một điều hết sức bất ngờ đối với một bộ phim độc lập của Wes Anderson, một đạo diễn có phong cách nằm ngoài khẩu vị của Viện Hàn Lâm. Nếu bạn là người yêu phim, hay đơn giản là muốn đi tìm một chút mới lạ, The Grand Budapest Hotel là một phim xứng đáng với mong đợi của bạn. Và biết đâu, bộ phim đáng yêu này sẽ mở ra cánh cửa để bạn làm quen với Wes Anderson, một trong những nhà làm phim độc lập tiên phong được yêu mến nhất nước Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.