Tiền đạo Nguyễn Công Phượng trở về Việt Nam tối 10.6. Tuy nhiên, phải đến buổi tập chiều 11.6, tức là sát thời điểm HLV Philippe Troussier chốt danh sách đấu giao hữu với đội Hồng Kông, cầu thủ sinh năm 1995 mới ra sân tập buổi đầu tiên cùng đồng đội. Ở buổi tập này, nhà cầm quân người Pháp xếp học trò vào nhóm 2, tập cùng các tân binh của đội tuyển Việt Nam và U.23 Việt Nam.
Ngay sau khi về Việt Nam, Công Phượng đã thực hiện một số bài kiểm tra để đánh giá thể lực. Khía cạnh thể lực bên cạnh cảm giác bóng là vấn đề đáng lo ngại nhất với Công Phượng lúc này. Cựu tiền đạo HAGL chỉ được chơi vỏn vẹn 3 phút từ khi chuyển sang Nhật Bản khoác áo Yokohama FC. So với 3 lần xuất ngoại trước đó, chuyến đi lần này của Công Phượng chưa cho thấy tiến triển khả quan hơn.
Nếu Văn Toàn được ra sân tương đối thường xuyên cho CLB Seoul E-Land, Quang Hải dù ít khi đá cho đội 1 Pau FC nhưng còn được thi đấu cho đội B, trường hợp Công Phượng đáng lo hơn cả. Cầu thủ 28 tuổi hiếm khi được đăng ký vào sân và không có mặt trận dự phòng để rèn luyện cảm giác bóng.
Những chuyến xuất ngoại không thành công từng nhiều lần ảnh hưởng đến phong độ Công Phượng trong quá khứ. Năm 2019, chân sút sinh năm 1995 chuyển sang Incheon United nhưng không cạnh tranh được vị trí. Trở về đội tuyển Việt Nam đá tại King's Cup vào tháng 6 cùng năm, Công Phượng thi đấu kém ấn tượng, đồng thời sút hỏng quả luân lưu ở chung kết gặp Curacao. Sau đó chân sút mang áo số 10 sang Bỉ thi đấu, tiếp tục không thành công và mất chỗ đứng ở đội tuyển Việt Nam.
Phong độ Công Phượng chỉ thực sự hồi phục ở mùa giải 2020 với 6 bàn cho đội TP.HCM ở V-League, sau đó về HAGL thi đấu khá thành công với 11 bàn sau 26 trận trong 2 mùa giải. Đây cũng là khoảng thời gian dù không còn được trọng dụng ở đội tuyển Việt Nam, nhưng Công Phượng "nở rộ" ở cấp độ CLB, cho thấy sự thay đổi tích cực trong lối chơi khi bớt những pha rê dắt kém hiệu quả, thay vào đó là lối chơi trực diện, dứt điểm sắc bén và chuyền bóng hiệu quả hơn.
Dù vậy, quãng thời gian không thi đấu ở Yokohama FC trong nửa năm qua có lẽ khiến ngay cả HLV Troussier cũng sẽ bối rối khi đánh giá phong độ của Công Phượng. Ở tuổi 28, với phong cách thi đấu đã được định hình, vấn đề của những cầu thủ như Công Phượng là sự hòa nhập với lối chơi.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích: "Ông Troussier đã có những đánh giá về trường hợp của Quang Hải, Công Phượng. Theo tôi, ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam sẽ đánh giá theo hai tiêu chí. Một là thái độ và động lực của những cầu thủ này có còn đủ lớn để cạnh tranh hay không. Công Phượng, Quang Hải của 5 năm trước sẽ rất khác Công Phượng, Quang Hải của bây giờ. Tuổi tác thay đổi, tâm lý cũng thay đổi theo, chưa kể có những trụ cột trước đây giờ đã có những mối bận tâm khác ngoài bóng đá. Việc đánh giá động lực và quyết tâm của cầu thủ ở thời điểm này là rất cần thiết. Hai là sự hòa nhập của các cầu thủ này với lối chơi, bởi theo như HLV Troussier đề cập là có những cầu thủ giỏi ở CLB nhưng lên đội tuyển Việt Nam chưa chắc đá được".
Lối chơi kiểm soát bóng của HLV Troussier yêu cầu nhiều yếu tố ở cầu thủ, từ cảm giác bóng, kỹ năng chuyền, di chuyển, phối hợp linh hoạt, cùng tư duy chiến thuật sắc sảo để "ăn khớp" với cách vận hành của tổng thể. Giai đoạn huấn luyện U.23 Việt Nam hồi tháng 3, ông Troussier từng nổi nóng với nhiều cầu thủ bởi cảm giác bóng kém, do nhóm cầu thủ này không thường xuyên được thi đấu dẫn đến mất tự tin khi cầm bóng, thiếu quan sát,... Đây là những vấn đề có thể xảy đến với Công Phượng. Sở hữu kỹ thuật và khả năng cầm bóng tốt, nhưng lối chơi trước nay của Công Phượng thiên về rê dắt tạo đột biến, còn về di chuyển không bóng hay ban bật phối hợp với đồng đội, tiền đạo sinh năm 1995 không được đánh giá cao. Cộng với khoảng thời gian dài dự bị ở Nhật Bản, cựu tiền đạo HAGL khó chinh phục ban huấn luyện ngay lập tức.
Công Phượng cần thời gian hòa nhập, trước tiên là cần lấy lại cảm giác thi đấu cùng sự tự tin. Tiền đạo 28 tuổi phải nỗ lực nhiều hơn để giữ chỗ đứng mà anh chưa thực sự xứng đáng có được như lời khẳng định của HLV Troussier.
Bình luận (0)