Thế mạnh của Việt Nam để thu hút nhà đầu tư nước ngoài

16/12/2022 05:00 GMT+7

Chiều 15.12 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Bỉ.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng có mặt tại hội trường đông đủ của các doanh nghiệp, nhà quản lý và sự hiện diện của Công chúa Bỉ Astrid.

Thủ tướng cho rằng tình hình thế giới thay đổi nhanh, biến động lớn, cạnh tranh chiến lược ngày càng phức tạp, rủi ro giữa các cuộc xung đột rất khó lường, kinh tế thế giới từ đầu năm giảm sút và dễ suy thoái nếu hành động không kịp thời, tiếp đó là khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, dịch bệnh, biến đổi khí hậu.

Theo Thủ tướng, đó là những vấn đề mang tính toàn cầu nên cần cách tiếp cận toàn cầu, không có quốc gia nào đứng ngoài cuộc trong bối cảnh chung và không ai tự giải quyết được. Thủ tướng nhấn mạnh các nước phải hành động kịp thời, đa phương và chung tay giải quyết thách thức chung. Minh chứng là hội nghị ASEAN-EU vừa diễn ra tại Brussels thể hiện tinh thần đó.

Thủ tướng phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Bỉ

Nhật bắc

Quan hệ Việt Nam – Bỉ trải qua 50 năm, ngày càng bền chặt trên nhiều lĩnh vực, càng ngày càng được củng cố. Thủ tướng bày tỏ mong muốn nâng tầm quan hệ sâu sắc, hiệu quả và thiết thực hơn. Việt Nam và Singapore là 2 nước ký FTA với châu Âu, và Việt Nam là đối tác có quan hệ thương mại với Bỉ nhiều nhất trong ASEAN.

Theo Thủ tướng, Bỉ và Việt Nam có nền kinh tế với nông nghiệp phát triển nhưng bổ sung chứ không triệt tiêu nhau, một nước ở ôn đới, một nước ở nhiệt đới gió mùa. "Ví dụ các bạn có bánh mì, chúng tôi có gạo, Các bạn có lê có táo, chúng tôi có xoài, nhãn, vãi, thanh long", Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng chia sẻ về công cuộc đổi mới và thành tựu của Việt Nam. Trong năm 2022, thương mại đến nay 700 tỉ USD, tốp 20 nước có quan hệ thương mại lớn nhất thế giới. Việt Nam hiện có 15 FTA với hơn 60 nước và nền kinh tế trên thế giới, trong đó có EU.

Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát 3%, tăng trưởng 8,83% quý 3, cả năm dự kiến 8%, thu đủ chi, xuất siêu, năng lượng đủ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, giá phải chăng, thị trường lao động có đứt gãy do dịch Covid-19, bị thu hẹp nhưng Việt Nam đang khắc phục.

Thủ tướng cũng cho hay Việt Nam đang triển khai 3 đột phá lớn: phát triển thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực. Việt Nam chú trọng đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư. Trụ cột chính: kinh tế thị trường định hướng XHCN, nền dân chủ xã hội XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, lấy con người làm trung tâm, chủ thể và mục tiêu của chính sách, luôn đề cao quyền con người. Việt Nam không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

nhật bắc

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam luôn đảm bảo độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, giữ được ổn định chính trị, là môi trường ổn định cho các nhà đầu tư. "Một đất nước không đảm bảo những cái này thì không ai đến đầu tư. Nhưng chúng tôi có thế mạnh đó", Thủ tướng nói.

Về đối ngoại, Việt Nam thực hiện đường lối độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là đối tác tin cậy với tất cả các nước, là điểm đến hòa bình, kêu gọi các nước giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. "Đây là yếu tố cơ bản để các bạn yên tâm đến đầu tư, kinh doanh", Thủ tướng khẳng định.

Về lĩnh vực, Thủ tướng cho rằng đầu tư phải đi theo xu thế của thời đại, tập trung vào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó là phát triển hạ tầng, gồm hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng số, hay các sản phẩm về dược phẩm, nông nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giới thiệu với Công chúa Astrid về các sản phẩm của Việt Nam tại gian hàng xuất khẩu trái cây (thương hiệu Blue Ocean) của Công ty Cổ phần Đại Dương

CTV

Chúng ta sẽ bổ sung thị trường cho nhau. Mong các nhà đầu tư Bỉ, các doanh nghiệp đã và đang làm kêu gọi đầu tư vào Việt Nam – một đất nước ổn định về chính trị, kinh tế đang chuyển đổi, là nước mến khách, yêu chuộng hòa bình, cầu thị và cũng có đổi mới sáng tạo. Dù tình hình rất khó khăn, đây cũng là cơ hội đổi mới tư duy, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Trong quá trình đầu tư, chẳng có chỗ nào chỉ có thuận lợi hay khó khăn, vấn đề là cùng nhau phát hiện, xử lý những khó khăn vướng mắc một cách kịp thời, theo Thủ tướng.

Cái cơ bản là lợi ích hài hòa giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp, còn doanh nghiệp đầu tư theo hướng lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Đại diện phía Bỉ bày tỏ sự quan tâm với Việt Nam, chào mừng quan hệ hai nước Việt Nam và Bỉ; tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới; hoan nghênh EVFTA có hiệu lực, đem lại lợi ích, kim ngạch thương mại tăng đáng kể, cho thấy mối quan hệ song phương mạnh hơn bao giờ hết.

Phía Bỉ khuyến khích EU thúc đẩy thông qua EVIPA. Nền kinh tế Bỉ rất mở, 80% đến từ xuất khẩu. Bối cảnh hiện nay, cần đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tăng cường quan hệ đối tác với các nước như Việt Nam.

"Chỉ bằng cách thúc đẩy quan hệ thương mại và tìm kiếm cơ hội mới thì chúng ta mới cùng thắng. Hôm nay nhiều doanh nghiệp Bỉ mong muốn tăng cường hợp tác làm ăn với Việt Nam, do đó, chúng ta cần thúc đẩy quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa", đại diện phía Bỉ nói.

Các quan chức của Việt Nam cũng đã dành thời gian giải đáp những câu hỏi của phía Bỉ. Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Thủ tướng cũng chứng kiến một số thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương, ban ngành của hai bên.

Lãnh đạo các doanh nghiệp bày tỏ thiện cảm lớn dành cho đất nước, con người Việt Nam; thông báo tình hình triển khai các dự án và kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam; nêu một số ý kiến liên quan tới các thủ tục đầu tư. Trong đó, Tổng Giám đốc điều hành Brussels Airport, ông Piet Demunter thông báo về dự kiến mở đường bay thẳng Bỉ - Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá cao các hoạt động đầu tư thành công của các doanh nghiệp tại Việt Nam; hoan nghênh và ủng hộ các kế hoạch, dự án mới; đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đầu tư trên các lĩnh vực; ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp và cho biết sẽ giao các cơ quan tích cực xem xét, nghiên cứu, xử lý.

Thủ tướng gặp công chúa Bỉ

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Công chúa Astrid và Hoàng gia Bỉ về tình cảm, sự ủng hộ đối với Việt Nam và quan hệ hai nước; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và chủ trương tăng cường hợp tác toàn diện với Bỉ. Công chúa Astrid bày tỏ vui mừng được đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính; hoan nghênh những bước phát triển trong quan hệ hai nước, đồng thời đánh giá cao kết quả chuyến thăm ba nước châu Âu và tham dự Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU của Thủ tướng, thể hiện qua nhiều văn kiện ký kết, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, giáo dục đại học.

Hai bên bày tỏ vui mừng về những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác hai nước, trong đó đầu tư – thương mại là trụ cột quan trọng. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời mời của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến Nhà Vua, Hoàng hậu và Công chúa sang thăm Việt Nam trong năm 2023 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Bỉ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với Công chúa về các nội dung trao đổi với Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện Bỉ, Lãnh đạo hai vùng Wallonie Bruxelles và Flanders, đồng thời đề nghị Công chúa khuyến khích các doanh nghiệp Bỉ đẩy mạnh hơn nữa thương mại - đầu tư vào Việt Nam.

Sau cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Công chúa Astrid đã đồng chủ trì Diễn đoàn Doanh nghiệp, nhằm kết nối hợp tác đầu tư – kinh doanh giữa hai nước trong các lĩnh vực xây dựng cảng biển, năng lượng tái tạo, hệ thống logistics.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.