Thế mạnh thành... thế yếu - Kỳ 4: 'Vàng trắng' hết thời

23/07/2015 06:00 GMT+7

Đua nhau trồng, rồi đua nhau chặt, sự bấp bênh của cây cao su, vốn được gọi là "vàng trắng", kéo theo cuộc sống bấp bênh của những người nông dân.

Đua nhau trồng, rồi đua nhau chặt, sự bấp bênh của cây cao su, vốn được gọi là "vàng trắng", kéo theo cuộc sống bấp bênh của những người nông dân.

Thế mạnh thành... thế yếu - Kỳ 2: 'Vàng trắng' hết thờiNgười dân ở thôn Hương Lộc, xã Hương Bình tự chặt bỏ cao su để trồng keo - Ảnh: B.N.L
Chặt cao su bán làm gỗ
Mười năm trước, người dân xã Hương Bình (TX.Hương Trà, Thừa Thiên -Huế) ngày một khá giả nhờ cây cao su với thu nhập bình quân mỗi hộ từ 1,5 - 2 triệu đồng mỗi tháng. Trở lại Hương Bình hiện nay, chúng tôi không khỏi đau lòng khi chứng kiến cảnh những cây cao su lần lượt bị đốn hạ, xe tải thay phiên nhau chở gỗ cao su từ vườn ra tỉnh lộ.
Anh La Văn Cời (48 tuổi, ở thôn Bình Dương, xã Hương Bình) vừa mới chặt hạ và bán tháo 1 ha cao su, buồn rầu nói: “Nhà tôi trồng cao su từ năm 1994 với hơn 3,5 ha, lúc mủ cao su có giá cao mỗi ngày bình quân tôi bán được từ 300.000 - 400.000 đồng. Nhưng giờ mủ cao su rớt giá thê thảm, chỉ còn 5.000 đồng/kg. Không chỉ riêng tôi mà nhiều hộ dân ở đây cũng đang bán vườn cao su cho thương lái để chuyển sang trồng keo, có vườn mới trồng năm 2001 cũng bị chặt”.
Tại xã Bình Thành (TX.Hương Trà) cây cao su cũng gặp tình cảnh tương tự. Bà Nguyễn Thị Cúc (50 tuổi, thôn Hiệp Hòa, xã Bình Thành) cho biết, bà vừa mới bán hơn 6 ha cao su trước Tết Ất Mùi để chuyển đổi sang trồng keo. Bà Cúc nói, rừng cao su mà bà vừa bán là cao su trồng vào năm 2005, cạo lấy mủ bán mới được 3 năm nay. Hiện toàn xã có 118 ha cao su được trồng vào năm 2005, trong đó có 100 ha đang trong giai đoạn thu hoạch, nhưng nhiều hộ cũng đã chặt hạ để bán cao su làm gỗ cho doanh nghiệp để chuyển sang trồng keo.
Không còn thiết tha
Theo ông Nguyễn Chánh Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Bình, toàn xã có diện tích trồng cao su là 1.181 ha, trong đó có 950 ha cao su đang trong thời gian cho mủ. Giá cao su xuống thấp, mưa bão cũng gây thiệt hại lớn khi diện tích cao su bị gãy nhiều, lại thêm sâu bệnh nên người dân đành bán gỗ.
Ông Hồ Đính, Phó phòng Trồng trọt, chăn nuôi, Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đến nay toàn tỉnh có khoảng 100 ha cao su bị người dân chặt bỏ chuyển đổi sang trồng cây khác. Nguyên nhân là do cơn bão tháng 10.2013 đã làm gãy đổ 170 ha cao su. Sang năm 2014 và đầu năm 2015 giá cao su lại xuống thấp nên bà con cũng không thiết tha với cao su. Cũng theo ông Đính, nếu theo đúng quy trình, cây cao su sẽ cho mủ đến 30 năm mới hết, nhưng ở Huế thì chỉ 15 - 20 năm là hết chu kỳ do kỹ thuật trồng chưa tốt, bà con chưa đầu tư thâm canh, khí hậu lại không phù hợp. Hiện nay, Sở NN-PTNT tỉnh cũng đang kết hợp với phòng nông nghiệp các huyện, thị xã có trồng cây cao su tuyên truyền bà con giữ cao su, đầu tư thâm canh, bón phân cho cây bên cạnh việc phòng trừ sâu bệnh để giữ diện tích cao su.
Tuy vận động người dân giữ diện tích cao su, nhưng khi nào cao su sẽ được giá trở lại thì không ai trả lời được. Đây là bài học nhãn tiền cho một nền nông nghiệp không có chiến lược và quy hoạch mang tầm quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.