Sản phẩm cá tra xuất khẩu được xem là một trong những mặt hàng chiến lược trong nhiều năm qua của VN, trên thị trường thế giới trong nhiều năm qua chúng ta giữ thế độc quyền. Thế nhưng, người nuôi cá vẫn rơi vào cảnh điêu đứng.
Xuất khẩu cá tra của VN ngày càng gặp khó khăn - Ảnh: Chí Nhân
|
Doanh nghiệp tự hại nhau
Dù ở thế “một mình một chợ” nhưng sản phẩm cá tra lại gặp hàng loạt vấn đề, đặc biệt là giá cá xuất khẩu “rơi tự do” từ mức 4,5 USD/kg đến nay chỉ còn khoảng 2,2 USD. Đáng tiếc, nguyên nhân là các doanh nghiệp (DN) của chúng ta tự hại nhau, hạ giá để cạnh tranh đi kèm với giảm chất lượng sản phẩm, tăng tỷ lệ mạ băng... Việc này đẩy sản phẩm cá tra rơi vào khủng hoảng và đến nay sau gần cả chục năm cũng chưa có lối ra. Trong khi đó, cá giống thì chất lượng thoái hóa...
Đáng lưu ý, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), xuất khẩu cá tra của VN sẽ ngày càng khó khăn hơn bởi nhiều nước trong khu vực đang có kế hoạch phát triển mặt hàng này. Như ở Indonesia đã có 4 tỉnh nuôi và nhiều nhất là tỉnh Aceh, riêng năm 2014, sản lượng của địa phương này lên đến 300.000 tấn. Thái Lan có hẳn một kế hoạch phát triển đến năm 2030 trị giá nhiều tỉ USD. Ấn Độ và Bangladesh cũng đang nuôi. Điều này cho thấy khó khăn càng chồng chất lên sản phẩm cá tra xuất khẩu của VN thời gian tới. “Tính đến giữa tháng 5.2015, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 544,8 triệu USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước và khả năng sẽ còn tiếp tục giảm”, theo VASEP.
Nội bộ lo... tranh cãi
Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), nhìn nhận dù các nước nói trên chưa tạo ra được một lượng sản phẩm hàng hóa lớn, nhưng điều này chỉ còn là sớm muộn. Khi đó, nó sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn lên sản phẩm của chúng ta. “Một số DN các nước này sẽ qua VN học tập kinh nghiệm vì VN là nước đi đầu trong lĩnh vực này ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, một số DN trong nước cũng có ý định đầu tư qua các nước này vì họ có lợi thế rất lớn về chi phí thức ăn so với VN nên tính cạnh tranh cao hơn”, ông Bình nhận định.
Trước bối cảnh như vậy, thay vì đoàn kết lại để cùng nhau vượt qua thì những nhóm lợi ích khác nhau trong ngành cá tra lại đang tranh cãi kịch liệt xung quanh Nghị định 36 của Chính phủ về việc nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra. Trọng tâm của nghị định là thực hiện đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra, tháo gỡ khó khăn ngành cá, phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch, tiêu chuẩn về chất lượng ở vùng nuôi, định hướng phát triển chế biến sâu… “Nghị định 36 ra đời chính để chấn chỉnh tình trạng “lộn xộn” của ngành trước đây. Có một số DN phản đối chính vì nó ảnh hưởng đến lợi ích và cách thức làm ăn của họ. Nhưng không phải DN nào cũng phản đối, vẫn có những DN ủng hộ. Ngay cả những khách hàng là DN nhập khẩu họ cũng ủng hộ vì họ muốn mua được những sản phẩm chất lượng”, ông Bình nói.
Cãi tới, cãi lui, bên nào cũng cho rằng mình có lý. Chỉ có một hiện thực không thể chối bỏ là người nông dân đang điêu đứng vì con cá độc quyền vừa mất giá, vừa đối mặt với cạnh tranh gay gắt khi các nước láng giềng tham gia thị phần này.
Diện tích cá tra nông hộ chỉ còn 7,3% Theo thống kê của Hiệp hội Thủy sản VN, tính đến ngày 13.7, tổng diện tích đăng ký nuôi cá tra thương phẩm là 900 ha, trong đó DN đăng ký 834 ha, hộ nuôi 66 ha (7,3%). Tổng sản lượng dự kiến 326.448 tấn, gồm DN 301.824 tấn, hộ nuôi 24.624 tấn. Tổng sản lượng đã đăng ký xuất khẩu là 119.663 tấn. Các tỉnh như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang là những tỉnh đăng ký nuôi cá tra theo diện tích và sản lượng nhiều nhất. Hiện tại, chi cục thủy sản các tỉnh đang ráo riết thực hiện rà soát quy hoạch vùng nuôi và cấp mã số vùng nuôi, dự kiến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành. |
Bình luận (0)