Thế nào là thành phố đáng sống ?

01/04/2018 08:25 GMT+7

Sau nhiều năm được mệnh danh là 'Thành phố đáng sống', lần đầu tiên Đà Nẵng khởi xướng, kêu gọi xây dựng bộ tiêu chí để định vị 'thế nào là đáng sống'...

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trên cơ sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế và TP.HCM, dựa vào kết quả điều tra xã hội học và thực tiễn TP.Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đã xây dựng bộ tiêu chí nhằm góp phần xây dựng và phát triển Đà Nẵng theo hướng văn minh, hiện đại, nhân văn và có bản sắc riêng. Theo ông Đặng Việt Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, bộ tiêu chí phải mang tính khác biệt, nhân văn của người Quảng Nam, Đà Nẵng.
“TP đáng sống hướng tới mục tiêu vì người dân TP nên phải để người dân được hưởng lợi ích do xã hội mang lại. Bên cạnh đó, du khách, nhà đầu tư đến sống cũng thấy hài lòng. Mục tiêu là hài lòng người dân, phát triển bền vững và mang tầm quốc tế, đa văn hóa. TP phải lựa chọn tinh túy khắp nơi thành văn hóa TP”, ông Dũng nói.
Mới đây, Ban Tuyên giáo đã trình xin ý kiến của Thường trực Thành ủy về chủ trương triển khai đề án nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí “TP đáng sống”. Nếu được thông qua, đề án sẽ thực hiện trong năm 2018, lấy ý kiến người dân. Theo dự thảo được Ban Tuyên giáo đưa ra, bộ tiêu chí gồm 6 nhóm: phát triển bản thân con người, quản lý, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế, môi trường sống và đời sống văn hóa -xã hội và 28 thang đo cụ thể: người dân có việc làm với thu nhập ngày càng cao, người dân có chỗ ở ổn định, giảm nghèo và bất bình đẳng xã hội, giao thông đi lại thuận tiện, giảm thiểu tai nạn giao thông, thông tin hai chiều giữa chính quyền và người dân…
Đà Nẵng lung linh về đêm Ảnh: Hoàng Sơn
“Sống tốt” hay “đáng sống” ?
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng nhìn nhận lâu nay danh hiệu “TP đáng sống” chỉ được du khách đánh giá qua các chuyến du lịch. Còn người dân cảm nhận về TP thì cần phải đánh giá. Một số TP trên thế giới cũng đã đưa ra những tiêu chí cụ thể. “Các tiêu chí cần phải được nâng cao, gần sát với chuẩn quốc tế. Không phải có thể đạt được ngay nhưng cơ bản phải có khung tiêu chí trước”, ông Dũng nói.
Đề cập đến cụm từ “TP đáng sống”, ông Nguyễn Văn Duy, Phó phòng Quản lý đô thị - Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng, cho rằng cần cân nhắc từ “đáng sống” bởi đây chính là danh hiệu mà Đà Nẵng bị mỉa mai nhiều thời gian vừa qua khi TP xảy ra những vụ việc tạo dư luận xấu. Theo ông Duy, bộ tiêu chí vẫn được xây dựng trên tinh thần hướng đến một “TP sống tốt”, đó là mục tiêu và cũng là động lực cho TP.
Ông Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng, nhìn nhận xây dựng bộ tiêu chí “TP đáng sống” là việc làm khó và phải mang tính chung nhất. Bộ tiêu chí phải có tính mở và phù hợp trong từng giai đoạn, từng thời điểm phát triển của TP chứ không phải bất biến... “Ở Đà Nẵng có 2 đối tượng rất rõ là “người trong nhà và người ngoài đến”. Khách du lịch đến TP như khách đến nhà, chỉ biết cái phòng khách mà phòng khách khi nào cũng sạch sẽ, đẹp đẽ. Đi sâu vào phòng ngủ, bếp, đi sâu vào đời sống gia đình thì mới thấy người ta có sống tốt hay không. Cho nên, tôi đề nghị những tiêu chí phải ưu tiên đến người dân TP có hài lòng không”, ông Hùng nói và lưu ý: Suy cho cùng các tiêu chí đều hướng đến việc phát triển bền vững. Hiện nay, người ta đưa ra tam giác phát triển bền vững gồm 3 vấn đề: môi trường, xã hội và kinh tế. Các nhóm tiêu chí cần gói gọn trong 3 nhóm này nếu không sẽ dẫn đến việc loay hoay mà không đưa ra đủ các tiêu chí.
Ông Nguyễn Nho Khiêm, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội VH-NT TP, cũng lưu ý Đà Nẵng cố gắng giữ thương hiệu “TP đáng sống”, nhưng khi viết bộ tiêu chí thì nên chọn thuật ngữ khác. “TP đáng sống như một danh hiệu mà người dân nói với nhau nhưng khi đi vào văn bản, mang tính chất lý luận thì đặt ra nhiều vấn đề rất khó. Lâu nay, nêu “TP đáng sống” như một câu slogan thì chấp nhận được. Nhưng mang tính chất nghiêm túc thì mình thua, bởi TP thì nhỏ, đất đai cũng hẹp”, ông Khiêm nêu quan điểm.
Ngược lại, theo ông Huỳnh Phước, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP, nếu xây dựng TP phát triển bền vững thì Đà Nẵng không có gì đặc thù. “Xây dựng “TP đáng sống” là ước vọng của lãnh đạo và hiện cũng là của người dân. Đó là một ước vọng thành khát vọng. Bạn bè của tôi khi đến đây, người ta thừa nhận được tính trội của Đà Nẵng so với TP khác. Cho nên, xác định để đạt được về môi trường, hạ tầng và nhất là xây dựng về hành vi văn hóa của người dân để ai cũng thấy đáng sống. “TP đáng sống” đã có từ thời anh Nguyễn Bá Thanh (cố Bí thư Thành ủy) và nhiều người nhìn nhận đó là diện mạo riêng của TP. Tôi nghĩ cần phải củng cố và phát triển”, ông Phước nhấn mạnh.
Thế nào là thành phố đáng sống ?
Đoàn xe Tổng thống Mỹ Donald Trump qua cầu Rồng - biểu tượng của Đà Nẵng trong sự kiện APEC 2017 Ảnh: Hoàng Sơn
Phải sống đúng trước khi “sống đẹp”
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó giám đốc Sở Du lịch TP, dự thảo các tiêu chí cho thấy TP không chỉ hướng đến là “TP đáng sống” ở VN mà sẽ vươn tầm quốc tế. Vì thế, bà đề xuất trả lời câu hỏi “vì sao đáng sống” trên 7 nhóm tiêu chí gồm: môi trường chính trị - xã hội; môi trường sống; cơ sở hạ tầng; hệ thống quản trị TP; môi trường kinh tế; phát triển con người; nhóm xây dựng con người Đà Nẵng. Trong nhóm tiêu chí môi trường chính trị - xã hội, bà Hạnh đề nghị phải đặt thêm tiêu chí an ninh, an toàn của TP. Đáng chú ý, bà Hạnh cho rằng TP nên có nhóm tiêu chí xây dựng con người bởi Đà Nẵng được gọi là “TP đáng sống”, một phần quan trọng là con người Đà Nẵng. “Vừa qua trên Facebook có việc 2 người tông xe không cãi nhau mà còn bắt tay. Đó là việc cần học tập và nên cụ thể vào bộ tiêu chí”, bà Hạnh nói.
Ở một góc nhìn khác, theo ông Nguyễn Văn Duy, Đà Nẵng là một TP hội tụ nhiều thành phần dân cư nên tinh thần thượng tôn pháp luật cần phải được đưa lên hàng đầu. Tinh thần sống ở Đà Nẵng là có nghĩa, có tình phải được đề cao. Về văn minh cần lấy pháp luật tạo hành lang để cư dân thực thi. Cùng quan điểm, ông Tạ Tự Bình, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP, nói: “Việc đầu tiên là thực thi pháp luật. TP đáng sống thì phải tính tới tính thực thi pháp luật đầu tiên rồi mới tính đến chuyện đẹp”. Ông Bình cũng đề nghị, cần xác định thêm chủ thể quản lý chính quyền và hệ thống chính trị phải làm thỏa mãn nhu cầu con người trong quy định của pháp luật.
Dân lắp hơn 100 camera phục vụ du lịch, an ninh
Ngày 31.3, anh Trần Hữu Đức Nhật, Trưởng nhóm dự án Phát triển Đà Nẵng (tập hợp những cá nhân yêu TP.Đà Nẵng), cho biết sau gần 3 năm triển khai, đến nay nhóm đã lắp đặt hơn 100 camera tại các địa điểm công cộng. Theo anh Nhật, camera giám sát được lắp đặt tại những điểm tham quan du lịch, danh lam thắng cảnh, những góc quan sát đẹp của TP, như cầu quay sông Hàn, cầu Rồng, bãi biển Mỹ Khê... “Mục tiêu ban đầu của chúng tôi khi lắp camera đó là phục vụ du lịch. Người dân có thể xem thời tiết các địa điểm mình muốn đến hoặc đôi khi là nhìn ngắm TP. Dần dần camera giám sát còn góp phần chấn chỉnh ý thức, đôi khi chỉ từ các hành vi văn hóa nhỏ như xả rác nơi công cộng, tham gia giao thông nghiêm chỉnh hơn. Nhiều vụ mất cắp tài sản, tai nạn giao thông đã được lực lượng chức năng xử lý, nhanh chóng tìm được nguyên nhân nhờ hình ảnh camera”, anh Nhật nói và cho biết nhóm đã tích hợp số điện thoại vào mỗi camera, khi phát hiện các vụ việc bất thường, người dân có thể thông qua số điện thoại này để báo cho ngành chức năng.
Ý KIẾN
“Đáng sống” với tất cả cộng đồng
“Đáng sống” thì không có chuẩn mực chung và mỗi cộng đồng sẽ có những chuẩn mực riêng. Vì thế, thành lập một “TP đáng sống” thì trước tiên phải xác định tiềm năng phát triển cộng đồng, như cộng đồng người Đà Nẵng, người nhập cư từ Hà Nội, TP.HCM, cộng đồng của những người nước ngoài làm việc tại TP như Bắc Mỹ, Úc… Mỗi cộng đồng sẽ có nhu cầu riêng, và phát triển đô thị đáng sống thì phải đáp ứng nhu cầu của họ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng như nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Mỗi cộng đồng có những bản sắc riêng nhưng nằm trong một tổng thể chung là đô thị đáng sống của Đà Nẵng, với mục đích là phát triển một Đà Nẵng đa bản sắc. Bản sắc trọng tâm chắc chắn là của Đà Nẵng nhưng phải có những bản sắc khác cũng cần được tạo điều kiện.
Đáng sống không chỉ là phương tiện, hạ tầng cũng không phải là quản lý mà quan trọng nhất là sự đóng góp của người dân. Đà Nẵng là mảnh “đất lành chim đậu” và người dân đến sinh sống ngày càng đông. Hiện nay, các cộng đồng đa bản sắc vẫn chưa hình thành cụ thể và vẫn phân tán. Trong quy hoạch tương lai cần tạo điều kiện cho những nhóm dân cư, đáp ứng nhu cầu sống dân cư, gia tăng bản sắc cho Đà Nẵng và hiệu quả kinh tế…
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn
Người nghèo cần được quan tâm hơn
Sau 20 năm chia tách tỉnh, TP.Đà Nẵng đã phát triển và cũng “đáng sống” lắm. Từ chỗ có hàng loạt nhà chồ nhếch nhác thì đến nay đã có diện mạo TP hiện đại. Thế nhưng đời sống người lao động nghèo vẫn còn nhiều khó khăn. Hằng ngày, vợ chồng tôi ngồi ngay đường Yên Bái và Trần Quốc Toản để mưu sinh. Tôi chạy xe ôm, vợ tôi bán hàng. Thu nhập mỗi ngày chỉ 200.000 đồng. Nghề xe ôm truyền thống giờ lắm vất vả vì cạnh tranh quyết liệt. Tôi muốn chuyển đổi nghề cũng khó vì tuổi cao. Tôi cũng mong lãnh đạo TP để phát triển “TP đáng sống” thì cần quan tâm hơn việc chuyển đổi nghề cho người dân, để có thu nhập tốt hơn.
Tôi mong muốn lãnh đạo TP quan tâm hơn đến lao động nghèo để Đà Nẵng đều đáng sống với tất cả mọi người chứ không riêng gì người có điều kiện, du khách…
Ông Trần Văn Tình, chạy xe ôm ở Đà Nẵng
TP.HCM hướng tới chất lượng sống tốt, nghĩa tình
Phố đi bộ Nguyễn Huệ
Phố đi bộ Nguyễn Huệ Ảnh: Trần Quý
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về Bộ tiêu chí TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình (gọi tắt là bộ tiêu chí).
Theo đó, bộ tiêu chí gồm 6 nhóm nội dung, 25 tiêu chí (chỉ tiêu), 129 tiêu chí thành phần (chỉ tiêu thành phần). Trong đó, nhóm nội dung chính trị và quản lý nhà nước gồm 5 tiêu chí và 25 tiêu chí thành phần: xây dựng chính quyền kiến tạo; cải cách thủ tục hành chính; đảm bảo cuộc sống an toàn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn thể và hiệp hội; nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác hữu nghị.
Nhóm kinh tế gồm 5 tiêu chí và 24 tiêu chí thành phần: tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại; phát huy nguồn lực đầu tư từ phía người dân; hỗ trợ khởi nghiệp, sáng tạo; tạo nhiều việc làm có chất lượng.
Nhóm văn hóa và xã hội gồm 5 tiêu chí và 29 tiêu chí thành phần: xây dựng lối sống văn minh đô thị; tạo lập nhiều không gian văn hóa; giảm nghèo và bất bình đẳng xã
hội; phát triển thông tin và truyền thông hướng đến đô thị thông minh; phát triển thể dục thể thao.
Nhóm y tế và giáo dục gồm 4 tiêu chí và 22 tiêu chí thành phần: trung tâm y tế chất lượng cao; chăm sóc sức khỏe người dân; hiện đại hóa cơ sở vật chất ngành giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhóm đô thị và môi trường gồm 3 tiêu chí và 20 tiêu chí thành phần: quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị; quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật; bảo vệ tốt môi trường.
Nhóm nghĩa tình gồm 3 tiêu chí và 9 tiêu chí thành phần: thực hiện tốt các chính sách xã hội; hoạt động tương thân, tương trợ; tinh thần hào sảng, nghĩa hiệp, nhân hậu, dễ mến của người dân TP.HCM.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, bộ tiêu chí thể hiện tính hội nhập và phát triển, nhấn mạnh quan điểm phát triển vì cộng đồng, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Nội hàm TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại có thể so sánh với hệ thống chung về TP sống tốt của các đô thị phát triển trên thế giới, còn nội hàm nghĩa tình là nét đặc trưng riêng của TP.HCM, mang đậm tính nhân văn, bản sắc văn hóa của người VN nói chung và TP.HCM nói riêng.
Văn phòng UBND TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục thu thập ý kiến rộng rãi từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, người dân để hoàn chỉnh bộ tiêu chí với tầm nhìn chiến lược dài hạn, góp phần tạo lập một đô thị lớn theo tiêu chuẩn VN nhưng có tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới và vươn lên ngang tầm các đô thị hiện đại trong khu vực. Khi bộ tiêu chí được thông qua, TP triển khai thực hiện tiêu chí cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực.
Đình Phú
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.