Qua Sự tiến hóa của tri thức – Tư duy lại khoa học trong thế nhân sinh, Jürgen Renn - Giám đốc Viện Lịch sử Khoa học Max Planck, đã có cái nhìn mang tính tổng hợp, lâu dài về lịch sử của tri thức và sự liên quan của nó với những thách thức trong thế kỷ 21 bởi những tác động nhân tạo.
Thế giới bước vào một thời kỳ mới
Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh, trong những năm qua, đã có rất nhiều tác phẩm khai thác lịch sử khoa học, lược sử khoa học, nhưng chưa có được tác phẩm nào vươn đến mức độ đồ sộ về quy mô, đề tài, phương pháp luận và nguồn tư liệu như Sự tiến hóa của tri thức.
Không chỉ dừng lại ở cuộc hành trình khám phá tri thức từ cổ chí kim, qua tác phẩm này, Jürgen Renn cũng đã đưa ra những lời cảnh báo về "thế nhân sinh" (Anthropocene - thuật ngữ được một số nhà khoa học sử dụng để miêu tả giai đoạn gần đây nhất trong lịch sử trái đất), nơi mà không phải các lực tự nhiên ảnh hưởng đến con người, mà chính con người mới là lực lượng định đoạt số phận của hành tinh xanh.
Trước đó, vào năm 2000, nhà hóa học Hà Lan đoạt giải Nobel cho việc đồng khám phá các lỗ hổng ozone - Paul Crutzen, đã dùng chính khái niệm này để cho thấy rằng con người đang dần bước sang một kỷ nguyên mới, đó là thế nhân sinh.
Có thể nói, thế nhân sinh chính là bối cảnh cơ bản cho lịch sử của tri thức, và cũng là điểm hội tụ để hiểu về sự tiến hóa văn hóa từ góc nhìn toàn cầu. Trong đó, tác phẩm lớn này viết về cả những khía cạnh đại sử của sự tiến hóa tri thức, cũng như những đổi thay nhanh chóng trong sự phát triển của tri thức đã đưa chúng ta vào thế nhân sinh.
Khảo sát trên một quy mô rộng lớn
Đây là dự án vô cùng tham vọng, nhằm tổ chức lại lịch sử tư tưởng của con người từ khi nhân loại bắt đầu có tư duy cho đến thời điểm xuất hiện rất nhiều thách thức hiện đại của thế nhân sinh.
Bằng cách gắn kết rất nhiều phạm vi hiểu biết lẫn tri kiến của những ngành có tính lịch sử như khảo cổ học, lịch sử chính trị - kinh tế, lịch sử khoa học - công nghệ, lịch sử nghệ thuật - tôn giáo, cũng như nhận thức luận triết học, khoa học nhận thức và đặc biệt là xã hội học, kinh tế học, tâm lý học, nhân chủng xã hội học…, cuốn sách được viết và sắp xếp mang tính hệ thống theo từng khoảng thời gian nhất định.
Như Renn chia sẻ, nền tảng cho cuốn sách này được bắt nguồn từ các nghiên cứu ông theo đuổi ở Viện Max Planck về lịch sử khoa học từ năm 1994. Nghiên cứu này theo 2 hướng chính: sự truyền tải và biến đổi của tri thức trong dài hạn, cũng như quá trình chuyển giao và toàn cầu hóa tri thức, qua đó giúp ta hiểu được con người đang bước vào thế nhân sinh như thế nào và làm cách nào để đương đầu với những thách thức trong thế nhân sinh.
Tác phẩm này, theo ông mô tả, dựa trên sự nhấn mạnh vào tính liên tục lịch sử, so sánh đa văn hóa và sự hội nhập của lịch sử khoa học với lịch sử kiến thức rộng lớn.
Gồm 17 chương được chia ra thành 5 phần tương ứng 5 bước của việc tiến hóa tri thức, tác phẩm đi từ quy mô cá nhân và cộng đồng đến các tổ chức cho đến mạng lưới toàn cầu.
Phần đầu sẽ nói về các định nghĩa của khoa học và kiến thức. Tiếp theo là việc xoay quanh các câu hỏi trừu tượng về sự thay đổi lý thuyết, quá trình tư duy và sự phát triển của khoa học. 2 phần tiếp theo nghiên cứu sâu hơn về sự phát triển của nền kinh tế tri thức và động lực của toàn cầu hóa và chính trị. Cuối cùng, phần 5 là những thảo luận về sự xuất hiện của thế nhân sinh trên cơ sở tư duy về tiến hóa và nêu ra một câu hỏi mang tính cốt tủy: tương lai của chúng ta phụ thuộc vào những tri thức nào?
Vai trò của văn hóa
Renn lập luận xuyên suốt cuốn sách rằng loài người đã chuyển từ tiến hóa chủ yếu thông qua các phương tiện sinh học (bao gồm sự phát triển năng lực nhận thức - thể chất về ngôn ngữ) sang một hình thức tiến hóa trong đó văn hóa là động lực thống trị và cuối cùng là “tiến hóa nhận thức”.
Kiến thức sâu rộng của ông trong suốt lịch sử nhân loại nhằm mục đích cho thấy cấu trúc kiến thức ngày nay đã góp phần thế nào - và cung cấp một nền tảng để giải quyết ra sao – với các mối đe dọa tồn tại tiềm tàng của thế nhân sinh.
Ông khẳng định, bên cạnh khía cạnh tiêu cực, thế nhân sinh cũng giúp “tích hợp kiến thức từ tất cả các ngành liên quan” và khắc phục sự gián đoạn của con người để đến với sự ổn định. Ông đề xuất, để giải quyết được những thách thức mang tính toàn cầu, "cần phải tiếp tục tiến trình tích hợp tri thức dựa trên trải nghiệm toàn cầu hóa, cũng như thông qua hành động phê bình tích cực lẫn tiêu cực đối với những điều kiện xã hội cho sự tiến hóa của tri thức". Mặt khác, theo ông, khi đối mặt với thế nhân sinh, "chúng ta phải tái định hướng nền kinh tế tri thức hướng đến trách nhiệm toàn cầu". Để thực hiện điều đó, không thể bỏ qua việc tích hợp góc nhìn mang tính cục bộ, địa phương lại cùng với nhau, từ đó tìm ra các cách thức mới để kết hợp nghiên cứu, giảng dạy cũng như học tập cả trong lẫn ngoài các tổ chức học thuật, chuyên môn.
Jürgen Renn (1956) là một sử gia khoa học người Đức, Giám đốc Viện Max Planck về Lịch sử khoa học tại Berlin từ năm 1994. Ông từng tốt nghiệp ngành Vật lý học tại ĐH Freie (Berlin, Đức), ĐH Sapienza (Rome, Ý) và hiện là Giáo sư danh dự về lịch sử khoa học tại ĐH Humboldt và ĐH Freie (Berlin).
Trọng tâm trong nghiên cứu của Renn là lịch sử vật lý hiện đại, điều tra nguồn gốc và sự phát triển của thuyết tương đối nói chung và thuyết lượng tử nói riêng. Gần đây, ông đã thực hiện những thách thức của "thế nhân sinh" (Anthropocene) trong việc điều tra lịch sử của tri thức và khoa học.
Bình luận (0)