Thể thao an toàn

23/06/2020 04:31 GMT+7

Một vận động viên thiệt mạng vì bị lũ cuốn trôi tại giải Dalat Ultra Trail cách đây ít ngày, một vận động viên bị đột tử khi tham gia một giải marathon ở TP.HCM vào tháng 10.2019.

Đó là những sự cố hết sức đau lòng, để chúng ta phải nhìn nhận những bất cập trong việc quản lý các giải chạy phong trào đang nở rộ tại Việt Nam.
Theo chủ trương xã hội hóa, rất nhiều công ty, cá nhân đứng ra tổ chức các giải chạy phong trào, với nhiều thể loại khác nhau như chạy trên đường bằng, chạy trên điều kiện tự nhiên, 3 môn phối hợp hiện đại, việt dã leo núi, chạy tiếp sức đường dài... Tuy nhiên, hầu hết các giải chạy mang tính tự phát, nhiều đơn vị tổ chức không nắm rõ các quy định về chuyên môn tổ chức giải.
Ở các giải như Dalat Ultra Trail, VĐV phải chạy trong rừng nhiều giờ (có thể lên đến 24 tiếng) với những cự ly siêu marathon 70 km, 100 km. Nhưng đa số VĐV không được chuẩn bị đầy đủ về kỹ năng đi rừng, nhiều VĐV bị lạc hoặc chấn thương nhưng không biết cách xử lý.
Một bất cập nữa là sự thiếu hỗ trợ từ ban tổ chức. Tâm lý của VĐV là muốn chinh phục, nhưng nhiều khi họ không lường được những khó khăn, đặc biệt là giữa điều kiện rừng núi. VĐV sẽ mất sức rất nhiều so với chạy ở đường bằng, thường đuối sức ở 2/3 đoạn đường đua cuối, lúc này rất cần sự hỗ trợ từ ban tổ chức. Mỗi VĐV tham gia giải đều được ban tổ chức yêu cầu ký vào bản cam kết đảm bảo sức khỏe và miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Thường thì để hoàn tất thủ tục, người tham gia chỉ khai và ký vào bản cam kết mà không chú ý đến các điều khoản, khi xảy ra sự cố thiệt thòi thường VĐV hứng chịu. Rất ít giải mua bảo hiểm cho VĐV.
Luật Thể dục thể thao quy định: “UBND các cấp quyết định tổ chức các giải thể thao quần chúng trên địa bàn địa phương mình”. Điều này là đúng, nhưng chưa đủ khi các vấn đề về chuyên môn cần được sự thẩm tra và cấp phép từ cơ quan quản lý chuyên môn cao nhất của môn đó (liên đoàn thể thao) thì chưa được đề cập tới. Điều này dẫn đến việc các giải đấu hiện được cấp phép tràn lan ở rất nhiều địa phương khi mà chưa có sự thẩm định và quản lý về chuyên môn. Vì thế, một lần nữa, văn bản luật cần phải được thay đổi, bổ sung.
Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước (Tổng cục TDTT) và các liên đoàn thể thao quốc gia cần sớm xây dựng những tiêu chuẩn, định mức về tổ chức giải, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cách thức tổ chức giải. Cơ quan quản lý cao nhất về chuyên môn (liên đoàn thể thao quốc gia) cần xây dựng các tài liệu tập huấn trọng tài, tình nguyện viên, y tế, an ninh, người tham dự giải... phục vụ chung cho các giải. Cử các cán bộ chuyên môn tham gia giúp đỡ, giám sát các giải đấu khi có yêu cầu...
Đừng để xảy ra thêm những tai nạn thương tâm nào nữa, khi tất cả cùng vào cuộc. Hãy vì an toàn tuyệt đối của VĐV, trước khi nghĩ đến lợi ích thương mại của bất kỳ giải đấu nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.