Thể thao điện tử không chỉ có Liên Minh Huyền Thoại và Dota 2
Đối với nhiều người, mỗi khi nhắc tới eSports, họ sẽ nghĩ ngay tới những tựa game MOBA đang làm mưa làm gió trên thị trường ngày nay như League of Legends hay DOTA 2. Tuy nhiên, tựa game bắn súng Counter Strike huyền thoại tại giải đấu ESL One Cologne 2015 vừa qua đã chứng minh thế giới eSports rộng lớn hơn thế nhiều.
Tự động phát
Lượng khán giả khổng lồ góp mặt tại giải đấu ESL One chỉ là một phần nhỏ so với số lượng khán giả xem online. (Ảnh: Venturebeat)
Trong khi DOTA 2 có những giải đấu với giá trị phần thưởng lên đến hàng triệu USD, ăn đứt nhiều cuộc thi thể thao truyền thống, thì một tựa game khác cũng được phát hành bởi Valve đang làm mưa làm gió và dần sánh ngang hàng cùng các bộ môn thể thao điện tử khác.
Counter Strike: Global Offensive (CS:GO) đã có một cuối tuần thành công nhờ vào sự góp mặt của hàng triệu người xem và ESL (Electronic Sport League – tạm dịch: hiệp hội thể thao điện tử). Giải đấu ESL One, vừa được diễn ra tại Cologne, Đức vào thứ Bảy và Chủ Nhật vừa qua, đã tạo ra một kỷ lục mới cho số lượng khán giả xem online với cuộc tranh tài trong game CS:GO.
Song song đó, sự kiện này đã thu hút hàng ngàn người xem trực tiếp mỗi ngày. Đây là một bằng chứng thép cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của eSports đã vượt qua tầm ảnh hưởng của 2 ông lớn là Liên Minh Huyền Thoại và DOTA 2, hai tựa game vẫn được nhiều chuyên gia dự đoán có thể tạo ra được tổng giá trị lên đến 465 triệu USD tính đến năm 2017.
Counter Strike: Global Offensive là tựa game eSports chất chứa tham vọng của Valve. (Ảnh: Gamesradar)
ESL đã khẳng định rằng có hơn 11.000 người đã đến tham dự sự kiện ESL One mỗi ngày trong suốt giải đấu. Công ty này cũng tiết lộ rằng có hơn 27 triệu người xem (unique people) đã quan sát giải đấu qua kênh Twitch. Và tính trung bình, mỗi một người theo dõi giải trong hơn 1 tiếng đồng hồ.
Khán đài khổng lồ cho giải ESL One Cologne 2015. (Ảnh: ESL-One)
Bỏ qua những số liệu đã quá rõ ràng, dấu hiệu lớn nhất cho thấy bước tiến mạnh mẽ của tựa game eSports này là số lượng lượt xem đỉnh điểm trong quá trình diễn ra giải đấu. Trong cùng một thời điểm, lượng người theo dõi ESL One lên đến 1.3 triệu người. Con số này cho thấy lượng người theo dõi CS:GO đã tăng 30% so với giải đấu trước đó vào tháng 4, cũng trong khuôn khổ sự kiện ESL One.
Sự tăng trưởng ngoạn mục này của CS:GO là đòn đánh trả hoàn hảo để cướp lại thị trường từ tựa game bắn súng online free-to-play của Trung Quốc, Đột Kích (CrossFire) - game cực kỳ nổi tiếng và phổ biến tại Trung Quốc, Brazil, Việt Nam và một số khu vực lớn khác.
Với phiên bản CS:GO được chung sức hỗ trợ bởi Valve và ESL, làng eSports sẽ dần được thấy sự đa dạng hóa trong nội dung thi đấu. Những tựa game MOBA vẫn có thể chiếm vị trí chủ đạo nhưng CS:GO sẽ không còn phải vất vả đuổi theo cái bóng của chúng nữa. Không chỉ vậy, Capcom cũng đang góp phần thúc đẩy đưa nội dung game đấu đối kháng vào thế giới eSport bằng sự xuất hiện của Street Fighter V sắp tới vào năm 2016.
EVO 2015 dành cho các tựa game đối kháng. (Ảnh: Ibtimes)
Giải thi đấu game đối kháng EVO 2015 vừa diễn ra vào đầu tháng 8 này đạt được lượng người xem lến đến 248.000 vào lúc đỉnh điểm. Con số này vẫn còn khá nhỏ bé so với CS:GO, nhưng với mức tăng trưởng 75% hằng năm thì đó lại là một vấn đề khác. Với sự phát triển như vậy đối với tất cả các thể loại game, chúng ta có thể cảm thấy việc chạm đến thời kỳ đỉnh cao của eSport thế giới vẫn còn lại một khoảng cách rất xa. Và chính những tựa game như Street Fighter và CS:GO sẽ là sự đảm bảo cho bước tiến của nền thể thao điện tử thế giới trong những năm tới.
Một số khoảnh khắc đáng nhớ trong giải đấu CS:GO ESL One Cologne 2015
Bình luận (0)