ĐẦU TIÊN LÀ… TIỀN ĐÂU?
Tại hội thảo "Định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030" diễn ra vào tháng 12.2023, Cục TDTT (Bộ VH-TT-DL) từng ước tính cần nguồn kinh phí khoảng 5.800 - 6.150 tỉ đồng để nâng tầm, hướng tới các giải đấu quan trọng trong 6 năm tới (2024 - 2030). Con số này là nhiều hay ít?
Thực chi ngân sách cho thể thao VN (bao gồm thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao) trong 5 năm qua lần lượt là 893 tỉ đồng (năm 2020), 890 tỉ đồng (2021), 1.242 tỉ đồng (2022), 893 tỉ đồng (2023) và 826,2 tỉ đồng (2024). Trong đó, ngoại trừ năm 2022 được chi ngân sách vượt quá 1.000 tỉ đồng do cộng thêm kinh phí tổ chức SEA Games 31, ở các năm còn lại, con số chỉ rơi vào khoảng 800 - 900 tỉ đồng và có chiều hướng giảm.
Con số 900 tỉ đồng mà VN đầu tư cho thể thao thấp hơn nhiều so với những nền thể thao mạnh ở Đông Nam Á, khi Thái Lan, Malaysia, Philippines hay Indonesia đều đầu tư tương đương hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm cho các VĐV. Đó là thực chi riêng ngân sách, chưa tính tới nguồn đầu tư xã hội hóa. Đơn cử, để đầu tư cho Joseph Schooling tập luyện và thi đấu trong suốt 10 năm đến khi đoạt HCV Olympic, gia đình anh đã tốn 1 triệu USD (khoảng 23 tỉ đồng). Đó là chưa kể số tiền đầu tư của chính phủ, các nhãn hàng, doanh nghiệp Singapore cũng lên tới 1 - 2 triệu USD, mới có thể đưa Schooling đi tập huấn nhiều năm tại Mỹ, tuân chủ chế độ tập luyện, dinh dưỡng nghiêm ngặt và đắt đỏ. Theo một hiệp hội thể thao tại Mỹ, để đầu tư cho một VĐV có thể đoạt huy chương Olympic, con số lên tới hàng triệu USD.
Thể thao Việt Nam đã bị Đông Nam Á bỏ xa thế nào ở Olympic Paris 2024?
TẤM CHĂN HẸP
Ở VN, mức đầu tư hàng triệu USD như đối với Joseph Schooling (Singapore), Carlos Yulo (Philippines) hay Lee Chong Wei (Malaysia) chỉ là… mơ ước. Ví dụ ở môn cầu lông, Nguyễn Tiến Minh từng vào đến bán kết thế giới năm 2013, thường xuyên góp mặt trong tốp 10. Tuy nhiên, xuyên suốt sự nghiệp VĐV sinh năm 1983 là những chuyến tập huấn và thi đấu một mình, không có HLV bên cạnh, bởi không đủ kinh phí. "Tay vợt Lee Chong Wei từng nói rằng nếu ở Malaysia, tôi đã là một ngôi sao vượt khỏi lĩnh vực thể thao, có nhà lầu, xe hơi cùng vài triệu USD", Tiến Minh kể lại.
Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt khẳng định có nhiều nguyên nhân ngăn cản thể thao VN "cất cánh" ở đấu trường châu Á và thế giới như: số lượng VĐV tham dự và thành tích tại Olympic và ASIAD không ổn định; hệ thống thi đấu trong nước tuy ổn định nhưng lại thiếu các giải thi đấu quốc tế đỉnh cao, các môn thể thao trọng điểm chưa có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học và phong trào tập luyện chưa phát triển rộng khắp; hệ thống cơ sở vật chất còn thiếu, đặc biệt với thể thao đỉnh cao; thiếu lực lượng HLV trình độ cao, được đào tạo bài bản, đủ khả năng huấn luyện các VĐV tầm cỡ khu vực. Nút thắt của những nguyên nhân kể trên là tiền bạc.
"Đầu tư cho thể thao thành tích cao còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu để có thể đạt được thành tích, trình độ của châu lục và thế giới", Cục trưởng Đặng Hà Việt đánh giá. Nguồn lực đầu tư cho thể thao VN có thể ví như tấm chăn hẹp, đắp đầu thì hở chân và ngược lại. Ngay cả các môn thể thao đầu tư trọng điểm cũng chỉ được rót tiền nhỉnh hơn mặt bằng chung đôi chút, với thêm 1, 2 chuyến tập huấn mỗi năm, đến sát các giải lớn như SEA Games, ASIAD hay Olympic mới tăng tốc.
Trong khi các VĐV nước ngoài được cấp kinh phí thi đấu liên tục, nhận chế độ dinh dưỡng đặc thù, có chuyên gia riêng đi theo như hình với bóng, VĐV VN chỉ có thể đấu số lượng giải đếm trên đầu ngón tay mỗi năm để tích lũy điểm số dự Olympic. "Những gì VĐV VN làm được, trong điều kiện thể thao VN hiện tại, thực ra đã là rất cố gắng rồi", nguyên Trưởng đoàn thể thao VN Trần Đức Phấn chia sẻ.
TÌM NGUỒN LỰC XÃ HỘI HÓA Ở ĐÂU?
Chuyên gia Đoàn Minh Xương khẳng định: "Cần nghiêm túc đặt câu hỏi rằng phải làm thế nào để thể thao VN có thể kiếm tiền và tự nuôi sống mình? Bên cạnh chờ đợi gỡ nút thắt cơ chế, được rót thêm vốn đầu tư từ ngân sách, lời giải cho thể thao chỉ có thể nằm ở nguồn lực xã hội hóa, thu hút thêm doanh nghiệp bỏ tiền vào cho VĐV".
Phía sau thành công của những VĐV hàng đầu là sự hiện diện của rất nhiều nhãn hàng, doanh nghiệp. Đó là công thức thành công bất biến trong thể thao. Để có giáo án huấn luyện, chuyên gia, chế độ dinh dưỡng, tập luyện, rèn sức bền tâm lý, thi đấu quốc tế… VĐV cần được đầu tư rất nhiều tiền, đến từ nhiều nguồn khác nhau. Lãnh đạo ngành thể thao thừa nhận để xã hội hóa thể thao, tránh sự lệ thuộc vào "bầu sữa" bao cấp, thể thao VN "cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, chung tay với ngành thể thao trong việc định hướng, tuyển chọn VĐV cũng như tìm chuyên gia, đưa công nghệ vào huấn luyện, từ đó giúp nâng tầm VĐV".
Thực tế là ở VN hiện nay, bên cạnh bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền có sự chung tay của doanh nghiệp, phần lớn các môn thể thao còn lại vẫn chật vật. Thậm chí, bắn cung dù được chỉ ra là môn mũi nhọn có thể giúp VN mơ huy chương Olympic, nhưng còn… chưa thành lập liên đoàn. Theo các chuyên gia, khó so sánh bóng đá với các môn thể thao khác bởi lý luận thường tình: khán giả hâm mộ bóng đá, sức lan tỏa tốt, nên nhiều nhà tài trợ đổ tiền vào để quảng bá hình ảnh, thu lợi nhuận. Còn các môn như cử tạ, bơi, bắn súng, bắn cung… có đặc thù là "săn" thành tích, hàm lượng tính giải trí không cao nên khó thu hút tài trợ.
Dù vậy, khó khăn không đồng nghĩa chùn bước. Đã có những môn xã hội hóa tốt như taekwondo, thể hiện ở cái bắt tay giữa Cục TDTT và một doanh nghiệp lớn để tài trợ toàn diện, gồm các hạng mục: chi trả lương cho chuyên gia Hàn Quốc được tuyển chọn sang huấn luyện các VĐV đội tuyển taekwondo VN, tài trợ các khoản kinh phí ăn, ở, trang phục tập luyện và xe di chuyển cho HLV và VĐV khi tập huấn tại Hàn Quốc, tài trợ tiền thưởng cho các VĐV đội tuyển taekwondo quốc gia do chuyên gia Hàn Quốc huấn luyện, hỗ trợ trang thiết bị tập luyện…
Bà Lê Thị Hoàng Yến, Cục phó Cục TDTT, khẳng định: "Một số liên đoàn trong nước đang làm tốt công tác xã hội hóa, nhờ quy tụ được những người giỏi, có tầm nhìn, nên làm việc bài bản và hiệu quả hơn. Dù vậy, cần nhìn nhận nguyên nhân khác đến từ lợi thế của chính bộ môn thể thao mà họ phụ trách. Trái ngược với một vài bộ môn được công chúng yêu thích, nhiều bộ môn chưa thu hút được sự quan tâm. Điều này đòi hỏi các liên đoàn cần hoạch định chiến lược, kiến tạo nền tảng hợp tác với doanh nghiệp, thay vì phụ thuộc cơ chế xin - cho như hiện nay. Đội ngũ nhân sự của họ cũng cần được đào tạo bài bản về marketing, tìm kiếm hợp đồng quảng cáo". (còn tiếp)
Theo lãnh đạo ngành thể thao, hằng năm Cục TDTT có những cuộc gặp gỡ, trao đổi với các liên đoàn nhằm tìm cách tháo gỡ vướng mắc, đưa ra định hướng. Ngoài ra, các hội thảo, khóa học tập huấn về làm truyền thông, xây dựng hình ảnh cho vận động viên hay tọa đàm hướng nghiệp cho VĐV cũng được tổ chức thường xuyên. Một số liên đoàn đã năng động hơn trong việc kiếm tiền để thuê chuyên gia, cho VĐV tập huấn thường xuyên, thay vì chỉ chờ ngân sách. Dù vậy, từng ấy là chưa đủ để thể thao VN đột phá.
Bình luận (0)