Mới chỉ 4 VĐV có suất Olympic
Olympic Paris 2024 là giải đấu trọng điểm của thể thao Việt Nam trong năm nay. Trong bối cảnh thi đấu không thành công tại ASIAD 19 (xếp dưới Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia và Philippines về số huy chương), ngành thể thao đang chịu áp lực lớn.
Tại Olympic Tokyo cách đây 3 năm, các VĐV Việt Nam cũng không giành được huy chương nào. Điều này đặt ra trở ngại lớn cho ngành thể thao khi Olympic Paris đã đến gần.
Hiện tại, thể thao Việt Nam mới có 4 suất dự Olympic, bao gồm Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng) và Nguyễn Thị Thật (xe đạp).
Chia sẻ với báo chí, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt khẳng định thể thao Việt Nam đặt mục tiêu có từ 12 đến 15 suất dự Olympic Paris 2024. Việc mới có 4 suất tham dự là con số chưa đạt kỳ vọng, nhưng các VĐV vẫn còn những giải đấu phía trước để cải thiện thành tích và có thêm suất dự.
"Một số môn xác định có khả năng giành vé đến Olympic, thể thao Việt Nam đều đã có đại diện. Ở môn cầu lông, VĐV Nguyễn Thùy Linh gần như chắc chắn đã có suất, chỉ còn đợi công bố chính thức.
Thùy Linh sẽ nỗ lực lọt vào tốp 12 để được xếp làm hạt giống ở Olympic, nhờ vậy có cơ hội tiến xa hơn. VĐV Lê Đức Phát cũng có tiềm năng vào tốp 38, tương đương suất dự Olympic.
Ở môn cử tạ, VĐV có thành tích lọt vào tốp 10 sẽ có suất dự giải. Hiện chúng ta có Trịnh Văn Vinh đang ở tốp 9, cùng 2 VĐV nằm tốp 12, đang cố gắng vào tốp 10. Mục tiêu của cử tạ là có 2 suất đến Olympic, chia đều cho các nội dung nam và nữ", Cục trưởng Đặng Hà Việt chia sẻ.
Theo lãnh đạo ngành thể thao, một số môn như bắn cung, thể dục dụng cụ cũng tìm suất dự Olympic, trong đó trọng điểm là nội dung vòng treo của VĐV Nguyễn Văn Khánh Phong - đương kim HCB ASIAD.
Ở môn điền kinh, các VĐV Việt Nam có cơ hội tìm suất khi đang tiệm cận tốp 16 ở nội dung chạy tiếp sức 4x400m nữ, trong đó đáng chờ đợi có sự trở lại của chân chạy Quách Thị Lan.
Tìm điểm khởi đầu cho kinh tế thể thao
Bên cạnh khía cạnh thành tích ở sân chơi Olympic, ngành thể thao còn hướng tới nhiều mục tiêu trong năm 2024.
Theo Cục trưởng Đặng Hà Việt, kinh tế thể thao là khái niệm còn mới ở Việt Nam. "Đây là vấn đề phức tạp, chưa có định hướng và thể thao Việt Nam cũng chưa biết sẽ bắt đầu kinh tế thể thao từ đâu", ông Việt đánh giá.
Ngành thể thao đã làm nhiều đề tài về kinh tế thể thao, trong đó tập trung vào công nghiệp thể thao, hướng về khía cạnh sản xuất trang thiết bị, trang phục, dụng cụ phục vụ thể thao thành tích cao lẫn thể thao phong trào, thể thao quần chúng. Việc phát triển công nghiệp thể thao sẽ mang lại công ăn việc làm cùng lợi nhuận để tái đầu tư.
"Ở Việt Nam hiện nay, chúng ta chỉ có dịch vụ, chưa có sản xuất thể thao. Việt Nam thiếu cơ sở vật chất đến mức chúng tôi nói vui với nhau rằng tìm một cơ sở sản xuất kính bơi ở nước mình còn khó, phải nhập ngoại rất nhiều.
37% dân số Việt Nam, tương đương khoảng 37 triệu người, là những người tập thể thao thường xuyên, kéo theo nhu cầu về dụng cụ tập luyện thể thao rất nhiều. Tận dụng và phát triển thế nào, đó là chuyện của kinh tế thể thao", Cục trưởng Đặng Hà Việt phân tích.
Trong buổi gặp mặt báo chí, lãnh đạo ngành thể thao cũng nêu ra một số vấn đề nổi cộm như: không đủ công tác hậu cần để lo cho các đội tuyển thi đấu nước ngoài, kể cả các môn trọng điểm; chưa có cơ chế quản lý, phối hợp chuyên môn giữa Cục TDTT, địa phương và các liên đoàn, hiệp hội thể thao; đầu tư cho thể thao phong trào còn rất ít, đang thiếu hỗ trợ, ở mức rất thấp nếu không muốn nói là số 0.
Năm 2024 hứa hẹn bận rộn với thể thao Việt Nam, đòi hỏi ngành thể thao phải nỗ lực kiện toàn và nâng cấp nếu muốn đạt mục tiêu.
Bình luận (0)