Việc đưa nhân tài lên đỉnh cao là công việc mà ngành TDTT cần phải làm thường xuyên, quyết liệt. Nhưng trong thực tế, thể thao VN vẫn loay hoay với bài toán đối phó với từng giai đoạn cụ thể mà thiếu tầm nhìn căn cơ.
Nguyễn Thị Huyền hiện vẫn chưa biết sẽ được đầu tư thế nào khi ngành TDTT vẫn án binh bất động
- Ảnh: Khả Hòa |
Phó chủ tịch Ủy ban Olympic VN Hoàng Vĩnh Giang không ngần ngại chia sẻ: “Tôi không thật sự đồng tình với cách làm của nhiều địa phương hiện nay là “ngắt ngọn” thể thao quần chúng, lấy đỉnh cao nhất của thể thao quần chúng làm xuất phát điểm của thể thao đỉnh cao. Cách làm này mang lại tỷ lệ thành công rất thấp, nếu không muốn nói là sai lầm. Thể thao nhà nghề, chuyên nghiệp là một thế giới hoàn toàn riêng biệt, VĐV phải được đào tạo dựa trên quy trình khoa học, bài bản khác hẳn với thể thao quần chúng. Chúng ta đãi cát tìm vàng rồi lại phải tìm cách “phân kim”. Ngay chủ trương đổi 1 HCV ASIAD thành 1 HCV đại hội TDTT là hợp lý, nhưng chủ trương quy đổi đặt ra cả việc đổi 1 HCV SEA Games thành 1 HCV đại hội thì theo tôi chưa hợp lý chút nào”.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn thì nêu thực trạng: “Trước đây, việc tìm kiếm tài năng trẻ hầu hết xuất phát từ cơ sở (tỉnh, ngành). Hiện nay các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia chỉ đạo ban huấn luyện các môn phối hợp với các địa phương để tuyển chọn những VĐV trẻ có năng khiếu. Qua kiểm tra, nếu các chỉ số đáp ứng được thì có thể tuyển vào đội tuyển trẻ, sau đó đào tạo thành VĐV cấp cao, nhằm rút ngắn quá trình đào tạo tại cơ sở. Hiện nay công việc này vẫn đang tiến hành nhưng không phải một sớm một chiều là có nhân tài, bởi nó còn phụ thuộc nhiều yếu tố như gia đình, điều kiện, môi trường...”.
Được biết chiến lược phát triển thể thao VN đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 dù đã được Bộ VH-TT-DL trình lên Chính phủ, nhưng ngành TDTT vẫn chưa cho thấy một “tầm nhìn” thực sự với việc đưa nhân tài lên đỉnh cao.
Bình luận (0)