Bản quyền truyền hình tại Việt Nam: Mạnh ai nấy mua

08/04/2014 07:21 GMT+7

(TNO) Khi mà nhà đài nào ở ta cũng nhao nhao muốn có bản quyền truyền hình phần lớn các giải bóng đá quốc tế 'hút hàng' thì cũng là khi nhu cầu về một 'đầu mối' trong nước đại diện cho các nhà đài đứng ra mua - bán với nước ngoài và kiên quyết không để nước ngoài ép giá là một nhu cầu bức thiết.

(TNO) Khi mà nhà đài nào ở ta cũng nhao nhao muốn có bản quyền truyền hình phần lớn các giải bóng đá quốc tế 'hút hàng' thì cũng là khi nhu cầu về một 'đầu mối' trong nước đại diện cho các nhà đài đứng ra mua - bán với nước ngoài và kiên quyết không để nước ngoài ép giá là một nhu cầu bức thiết.

 
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam đối mặt với nguy cơ không được xem World Cup 2014 vì bản quyền truyền hình quá đắt - Ảnh: FIFA.com

Vậy thì ai sẽ giúp cho cái nhu cầu bức thiết được thực thi? Đấy chắc chắn là Bộ Thông tin Truyền thông, cụ thể là Cục Phát thanh và Truyền hình.

Các bài liên quan

>> Choáng với giá thực của bản quyền truyền hình World Cup 2014 tại Việt Nam
>> Vật lộn với bản quyền truyền hình World Cup 2014
>> Còn nhiều thứ để lo hơn là xem World Cup
>> Người hâm mộ Việt Nam có nguy cơ... đói World Cup 2014
>> Bản quyền truyền hình World Cup 2014 vẫn... ế
>> Bản quyền truyền hình World Cup 2014 thành món hàng ế

Trong lịch sử các cuộc mua - bán bản quyền ở ta, đã có 2 lần Bộ Thông tin Truyền thông "gợi ý" cho VTV đứng ra làm đầu mối mua bán. Đó là lần mua  bản quyền truyền hình Euro 2012, cái lần mà ai cũng thấy là chuyện mua bán diễn ra rất êm và rất thuận.

Lần thứ hai là khi IMG chào hàng bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh trong 3 mùa 2013 - 2016, nhưng lần này thì mọi thứ lại không thuận và không êm như thế.

Bởi vì khi VTV nhận được lệnh thì cũng là khi K+ (thông qua đơn vị mẹ của mình là Canal Plus) đã sở hữu xong gói 1, gói 2 - nghĩa là 2 gói oách nhất, đáng xem nhất của giải Ngoại hạng Anh. Khi đó, VTV ra thông điệp sẵn sàng đại diện cho các đài còn lại mua gói 3 - nghĩa là gói kém nhất, gói "vứt đi" nhất, nếu các đài có nhu cầu. Dĩ nhiên, để mua cái gói "vứt đi" ấy, các đài cần quái gì VTV đứng ra đại diện.

Nhưng ngoại trừ hai lần kể trên, người ta không thấy bộ Thông tin Truyền thông đưa ra những "gợi ý" tương tự nữa. Vì vậy, chuyện bản quyền truyền hình World Cup 2014 rồi cả Euro 2016 (và tiếp tục sẽ là hàng loạt giải đấu lớn sau này?) sẽ diễn ra tình trạng... mạnh ai nấy mua, từ đó rất dễ bị nước ngoài ép giá.

Trao đổi với chúng tôi một chuyên gia truyền hình cho biết vấn đề bản quyền truyền hình World Cup 2014 khá êm, vì ngoài VTV không còn nhà đài nào máu me, nhưng đến Euro 2016 thì có thể sẽ khác và rất khác. Vì đến lúc ấy một đài truyền hình mà hiện nay đang ở tình trạng "mới trình làng" sẽ đến giai đoạn chín muồi, và đến lúc đó không loại trừ khả năng họ sẽ cạnh tranh với VTV gay gắt.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì ở lần mua bán bản quyền giải Ngoại hạng Anh 2013 - 2016, sở dĩ bộ Thông tin Truyền thông "gợi ý" cho VTV làm đầu mối vì Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam đã có tiếng nói mạnh mẽ, khiến Bộ không thể không vào cuộc. Còn ở lần mua bán bản quyền Euro 2012 thì chính VTV đã có văn bản xin bộ cho mình đứng ra làm "đầu mối".

Ở đây, có thể hiểu rằng cuộc chơi bản quyền truyền hình là cuộc chơi của các nhà đài. Và chỉ khi nào "người chơi" có ý kiến thì cơ quan quản lý phát thanh, truyền hình cấp nhà nước mới đưa ra mệnh lệnh. Cách tư duy và hành sự như thế không sai, nhưng với tình hình náo loạn hiện nay thì có lẽ đã đến lúc bộ Thông tin Truyền thông cũng nên đưa ra những mệnh lệnh một cách liên tục, xuyên suốt ngay cả khi "người chơi" chưa nhập cuộc và chưa xin ý kiến?

Vì chỉ có những mệnh lệnh liên tục, xuyên suốt, đề nghị các nhà đài phải tập trung vào "một mối" trong mọi vụ mua - bán mới giúp chúng ta có thể mua - bán một cách hợp lý nhất, và tiết kiệm được tiền thuế người dân nhiều nhất!

Trọng Tín

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.