Tất nhiên, chẳng ai phủ nhận khả năng của Immobile (Lazio) - tuyển thủ Ý 30 tuổi với 39 lần khoác áo đội tuyển quốc gia, ghi được 10 bàn. Anh đã 2 lần là vua phá lưới Serie A. Sở dĩ có câu chuyện giật gân "Immobile hay hơn Ronaldo" trong những ngày qua một phần là bởi Immobile đang dẫn đầu giải vua phá lưới mùa này. Mặt khác, giới thống kê đưa tin: 61 năm nay mới có một cầu thủ ghi đến 27 bàn sau 25 trận đấu ở Serie A. Vấn đề là ở chỗ, tóm lại "kỷ lục trong 61 năm" của Immobile có ý nghĩa ra sao, ảnh hưởng thế nào trong bóng đá đỉnh cao?
Một trong những chỗ tuyệt vời của môn bóng đá là chưa ai kết luận điều gì khi quả bóng ngừng lăn. Hầu hết những cái "nhất" sau 13 vòng hoặc 25 vòng (ví dụ thế) đều không có bao nhiêu ý nghĩa, giống như một đội "thắng trong 27 phút" vậy. Dễ có đến hàng ngàn ấn tượng đáng bàn hơn trong 61 năm qua, so với chuyện Immobile ghi 27 bàn sau 25 vòng.
Trong 27 bàn của Immobile, đã có đến 10 quả phạt đền rồi. Thật ra, đó cũng chỉ là tiểu tiết. Khi tiền đạo này đoạt danh hiệu vua phá lưới vào các năm 2014, 2018 thì đội bóng của anh, Torino và Lazio, thậm chí không có suất dự Champions League, chứ khoan nói đến danh hiệu ở Serie A.
Bóng đá Ý từng có không ít vua phá lưới "thầm lặng" như thế. Ngay mùa trước là Fabio Quagliarella (Sampdoria). Hiện đang ở tuổi 37, anh chỉ mới khoác áo đội tuyển quốc gia 28 lần. Xa hơn một tí là những Luca Toni (Fiorentina, Verona), Antonio Di Natale (Udinese), Cristiano Lucarelli (Livorno), Dario Hubner (Piacenza)... tất cả đều chỉ đáng gọi là anh hào hạng hai, Hubner thậm chí chưa bao giờ được gọi vào đội tuyển quốc gia.
|
Trừ đi 27 bàn (47%) của Immobile, thì phần còn lại trong toàn đội Lazio chỉ ghi tổng cộng 31 bàn (53%) ở Serie A mùa này, và đấy mới là những con số nói lên đẳng cấp của Lazio. Thậm chí đấy là đẳng cấp của Serie A trong thời buổi sa sút này. Hồi những năm 1980-2000, Serie A là giải đấu danh giá nhất thế giới, là thước đo cho đẳng cấp: ai không được mời đến Serie A chơi bóng thì không phải là ngôi sao hàng đầu. Michel Platini (Juventus) 3 lần liên tiếp là vua phá lưới, với thành tích ghi 16, 20, 18 bàn. Diego Maradona (Napoli), mà nhiều người cho là xứng đáng làm "vua bóng đá" hơn cả Pele, đoạt chức vua phá lưới với 15 bàn. Gianluca Vialli (Sampdoria) ghi 17 bàn. Marco Van Basten (AC Milan) ghi 19 bàn.
Đấy đều là những tượng đài vĩ đại. Con số 20 bàn trong một mùa bóng của Platini là kỷ lục trong suốt thập niên 1980. Khi Giuseppe Signori nổi lên với thành tích ghi 26 bàn (cao nhất trong 34 năm), thì đấy lại chính là điển hình của mẫu "anh hào hạng hai" trong bóng đá Ý, tương tự những Lucarelli, Toni sau này.
Trong môn thể thao "vua" thì bàn thắng vừa có thể là yếu tố quan trọng, hấp dẫn nhất, lại vừa là yếu tố có khả năng "đánh lừa" cao nhất. Còn ai nhớ đến Oleg Salenko - cầu thủ giữ kỷ lục ghi bàn nhiều nhất trong một trận đấu ở VCK World Cup? Salenko ghi 5 bàn ở trận Nga thắng Cameroon 6-1, trong hoàn cảnh cả hai đội đã bị loại từ trước khi bóng lăn. Sau đó, Salenko chìm vào quên lãng, từ tuổi 25. Bóng đá Pháp nói riêng và thế giới nói chung cũng chẳng mấy tôn trọng Just Fontaine - chủ nhân của kỷ lục ghi bàn trường tồn qua mọi thời đại: 13 bàn chỉ trong một kỳ World Cup (1958).
Bình luận (0)