Cầu thủ bị trầm cảm tăng gấp đôi vì Covid-19

22/04/2020 08:29 GMT+7

Thể thao đang trải qua dấu mốc chưa từng có vì đại dịch Covid-19 khi chứng kiến cảnh VĐV, cầu thủ... phải làm đủ loại nghề để kiếm sống, một số đang phải chống chọi với căn bệnh trầm cảm...

Nên nhờ chuyên gia tâm lý

Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPro) vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng số lượng cầu thủ chuyên nghiệp mắc chứng trầm cảm, lo lắng tăng gấp đôi vì đại dịch Covid-19. Kết quả trên có được sau đợt khảo sát của FIFPro phối hợp Đại học Amsterdam (Hà Lan) từ ngày 22.3 - 14.4. Cuộc khảo sát tiến hành với 1.602 cầu thủ (1.134 nam - trung bình 26 tuổi; 468 nữ - trung bình 23 tuổi) tại 16 quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Theo đó, ở nam giới, 13% bị các triệu chứng trầm cảm và phụ nữ là 22%. Những con số này tăng gấp đôi so với một cuộc khảo sát tương tự thực hiện vào tháng 12.2019 và tháng 1 năm nay (thời điểm trước đại dịch Covid-19).

Văn Toàn thừa nhận xuống phong độ và chán nản vì không được thi đấu

“Tôi sợ những con số này cũng sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội vì tình trạng này chưa từng xảy ra. Các cầu thủ bóng đá trẻ đột nhiên phải đối mặt với sự cách ly xã hội, gián đoạn nghề nghiệp và tương lai không chắc chắn. Một số cầu thủ không thể đối phó với những thay đổi đó. Chúng tôi khuyên họ nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ một người mà họ tin tưởng hoặc một chuyên gia tâm lý”, Vincent Gouttebarge, Trưởng bộ phận y tế của FIFPro, nói. FIFPro cũng kêu gọi các cầu thủ có thể liên lạc để được tổ chức tư vấn về sức khỏe tinh thần nhằm vượt qua chứng trầm cảm.
Trên thực tế, trong bối cảnh thể thao “đứng bánh” dài hạn vì dịch bệnh, một số CLB hàng đầu mới đây đã tính đến chuyện thuê chuyên gia tâm lý giúp cầu thủ ổn định tinh thần do không được tập luyện thời gian dài, bị cách ly, thu nhập giảm sút nghiêm trọng, tương lai của đội bóng bấp bênh do khủng hoảng tài chính… HLV Mikel Arteta của Arsenal cho biết cũng như các CLB ở Ngoại hạng Anh, trước viễn cảnh vắng thói quen tập luyện, đội bóng đã buộc phải liên lạc thường xuyên với một chuyên gia tâm lý để hỗ trợ tinh thần kịp thời khi cầu thủ (đặc biệt là thành viên trẻ tuổi) có dấu hiệu lo lắng, trầm cảm.
Cầu thủ bị trầm cảm tăng gấp đôi vì Covid-191

Ngôi sao bóng bầu dục Úc Thomas Flegler về nhà trồng chuối kiếm thêm thu nhập

ẢNH: TWITTER

Theo AFP, đây là tình cảnh mà các đội thể thao ở các quốc gia bị ảnh hưởng dịch bệnh, đặc biệt là các môn thi đấu tập thể như bóng đá, bóng rổ, bóng bầu dục, cricket… chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Kiếm sống qua ngày

Đại dịch Covid-19 đã “bóp méo” kinh tế thể thao toàn cầu và đang đẩy một bộ phận lớn VĐV rời sân đấu làm đủ nghề kiếm sống. Mới nhất, CLB SV Donaustauf (giải hạng 5 Đức) cho biết 3 cầu thủ trụ cột là Adulai, Sasha Diakiese và Kevin Raabis phải xin việc ở một công trường xây dựng tại Leipzig với mức thu nhập 12,55 euro/giờ. Theo CLB SV Donaustauf, họ đã phải “cắn răng” trả lương tháng 3 cho cầu thủ dù các trận bóng đá bị gián đoạn, nhưng tháng 4 này đội bóng buộc đưa tất cả vào chế độ thất nghiệp tạm thời.
Tại giải hàng đầu Đức (Bundesliga), CLB Union Berlin quyết định bán bia, xúc xích và súp đậu trên trang web đội bóng và một xe tải thực phẩm để hy vọng bù lỗ do hoãn các trận đấu. 16 CLB thuộc giải bóng bầu dục hàng đầu Úc (NRL) cũng lâm vào cảnh tương tự khi nhiều VĐV phải tạm đổi nghề kiếm tiền trang trải cuộc sống do bị cắt 5 tháng lương. CLB Sydney Roosters (đội vô địch năm ngoái) cho biết những ngôi sao như Victor Radley, Elliott Whitehead, Jack Wighton… phải “chữa cháy” bằng nghề thợ mộc, lái xe máy kéo, sửa ống nước, xây dựng. Trong khi đó, Thomas Flegler của CLB Brisbane Broncos có vẻ khá hơn chút đỉnh khi làm việc tại trang trại chuối của gia đình, kiếm được 14 USD/giờ.
Nữ VĐV nhảy sào Angelica Bengtsson, niềm hy vọng huy chương vàng Olympic của thể thao Thụy Điển, cho biết vừa nộp đơn xin làm kiểm soát viên giao thông trong dịp hè do thu nhập giảm nghiêm trọng vì không được tập luyện. Tại Thái Lan, nhiều cầu thủ chuyên nghiệp cũng phải bán đồ ăn, nhu yếu phẩm để cầm cự cho đến khi các giải đấu trở lại vào tháng 9, như hậu vệ Chonlatit Jantakam (CLB Lampang F.C) bán mì ăn liền hay tuyển thủ Tristan Do (CLB Bangkok United) quảng bá giao thức ăn nhà hàng tận nhà, còn cựu tuyển thủ Suchon Sa-nguandee (CLB Uthai Thani F.C) mở cửa hàng ăn vặt…
FIFA khẳng định sẽ không bỏ rơi bóng đá nữ khi cam kết giữ nguyên kế hoạch tài trợ khoảng 1 tỉ USD từ năm 2019 - 2022 chứ không chuyển qua các quỹ cứu trợ dịch Covid-19. FIFA hiện đang nghiên cứu khả năng cung cấp hỗ trợ cho cộng đồng bóng đá trên toàn thế giới, bao gồm cả bóng đá nữ. Trước đó, FIFPro đã “kêu cứu” cho sự tồn tại của bóng đá nữ do nhiều giải đấu có thể bị xóa sổ vì khủng hoảng tài chính, số đông cầu thủ (dù có mức lương thấp hơn nhiều so với đồng đội nam) bị sa thải do không có hợp đồng hoặc chỉ là hợp đồng ngắn hạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.