Trung Quốc thể hiện “quyền lực mềm” từ những sân bóng đá khổng lồ bất chấp Covid-19

24/04/2020 16:40 GMT+7

Trung Quốc đang thể hiện “quyền lực mềm” khi đổ hàng tỉ USD để xây dựng các sân vận động mới nhằm khẳng định tham vọng trở thành siêu cường bóng đá giữa bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo AFP, dự án xây dựng các sân vận động mới đã bắt đầu tại Trung Quốc bất chấp đại dịch Covid-19 khiến phần lớn thế giới lâm vào tình trạng bế tắc, tàn phá nền kinh tế và khiến các môn thể thao bị trì hoãn. Nhưng dù là quốc gia đầu tiên bùng phát dịch Covid-19 từ tháng 12.2019, nhưng nhà vô địch Chinese Super League (Giải bóng đá hàng đầu Trung Quốc - CSL) Guangzhou Evergrande tuần trước đã bắt đầu xây dựng một sân vận động mới trị giá 12 tỉ nhân dân tệ (1,7 tỉ USD) của họ.

Sân có sức chứa 100.000 người đã khởi công ở Quảng Châu 

AFP

Với sức chứa 100.000 người, sân vận động thiết kế hình hoa sen táo bạo tại Quảng Châu sẽ tạm vượt qua sân Nou Camp của CLB Barcelona - dự kiến mở rộng - là đấu trường bóng đá lớn nhất thế giới khi nó được hoàn thành vào cuối năm 2022. Tập đoàn Evergrande cho biết họ cũng dự định xây dựng thêm 2 sân vận động 80.000 chỗ ngồi ở nước này.
Nước này sẽ có ít nhất 12 sân vận động bóng đá mới trong 2 năm kể từ bây giờ, tờ Southern Metropolis Daily cho biết, đồng thời gọi đó là "kỷ nguyên mới của bóng đá Trung Quốc". Hầu hết sẽ được sử dụng cho Club World Cup 2021 mở rộng và Asian Cup 2023, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là để mắt tới World Cup 2030, đồng nghĩa với việc tuyển quốc gia phải được dự nhờ tư cách chủ nhà.
Ji Yuyang, một nhà báo của tờ Oriental Sports Daily, cho biết tham vọng Trung Quốc tham dự World Cup là rất rõ ràng nhưng vấn đề là khi nào. Chủ tịch FIFA Gianni Infantino cho biết vào tháng 6 năm ngoái rằng ông sẽ chào đón một nỗ lực của Trung Quốc để đăng cai World Cup 2030.
Tuy vậy, những động thái trên không tránh những câu hỏi và thậm chí là chỉ trích khi hầu hết các môn thể thao trên thế giới đều ngừng hoạt động và các nền kinh tế, bao gồm cả Trung Quốc - lớn thứ hai - đang quay cuồng với đại dịch Covid-19. Hơn nữa, Quảng Châu không tổ chức các trận đấu tại Asian Cup 2023 và những sân mới không sẵn sàng cho Club World Cup. Các nhà phê bình cũng đã hỏi tại sao một CLB có trung bình khoảng 50.000 CĐV cho các trận đấu trên sân nhà lại cần một đấu trường lớn như vậy.

Dù chính phủ đổ hàng đống tiền đầu tư nhưng tuyển Trung Quốc (áo đỏ) vẫn đối mặt nguy cơ bị loại khỏi VCK World Cup 2022

CHỤP MÀN HÌNH

"Tôi nghĩ Evergrande có thể có hai cân nhắc. Đầu tiên, một sân 100.000 chỗ ngồi có thể có ích nếu Trung Quốc tổ chức VCK World Cup. Một điểm khác là Evergrande sẽ có thể tự hào khi sở hữu sân bóng đá chuyên nghiệp lớn nhất thế giới”, nhà báo Ji nói. Giáo sư Simon Chadwick, một chuyên gia về công nghiệp Thể thao Á - Âu, nói rằng ngoài tham vọng World Cup của Trung Quốc, sự vội vã khởi hành các dự án các sân vận động mới gửi một thông điệp rằng "Trung Quốc vẫn đang phát triển và trở nên khỏe và mạnh mẽ hơn”.
Chuyên gia này nhấn mạnh: "Có một cái gì đó thể hiện biểu tượng của các sân vận động, đặc biệt là ở Quảng Châu. Đây là một sân vận động khổng lồ, thiết kế vô cùng ấn tượng, hình ảnh của nó đã được lan tỏa khắp thế giới và mọi người đang bình luận về nó trên khắp toàn cầu giữa đại dịch Covid-19. Đó gần như là thể hiện quyền lực mềm từ các sân vận động mới. Trung Quốc đang cố gắng sử dụng những thiết kế sân vận động đặc biệt này như một cách thu hút mọi người và sự chú ý của thế giới”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.