CLB Than Quảng Ninh định giải thể, tương lai của các cầu thủ chưa rõ đi về đâu

23/08/2021 20:26 GMT+7

Công ty TNHH 1 thành viên bóng đá Than Quảng Ninh vừa gửi đơn đến UBND tỉnh Quảng Ninh xin giải thể nếu không có đơn vị khác tiếp nhận và giải quyết vướng mắc về tài chính .

Tối ngày 23.8, một nguồn tin của Thanh Niên từ CLB Than Quảng Ninh cho biết, đội bóng này đang thảo sẵn văn bản gửi tới Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh, cùng các cơ quan chức năng về việc giải thể, nếu vấn đề lương thưởng không được giải quyết; cũng như không có đơn vị khác tiếp nhận đội bóng Than Quảng Ninh.
Trong đơn cũng nêu rõ, sau nhiều lần các cầu thủ gửi đơn kêu cứu, vào tháng 4 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm và hỗ trợ cho Công ty TNHH 1 thành viên bóng đá Than Quảng Ninh 4 tỉ đồng để trả lương cho cầu thủ. Tuy nhiên số tiền này chưa thấm vào đâu so với khoản nợ 70 tỉ đồng; trong đó, gồm các tiền thưởng, tiền lót tay, 3 tháng lương gần đây của toàn bộ thành viên đội bóng Than Quảng Ninh.

Các cầu thủ Than Quảng Ninh viết tâm thư lần 2 kêu cứu tới lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh

Ảnh Minh Tú

Đáng chú ý, trong đơn kêu cứu, đội bóng Than Quảng Ninh cho biết, do sức khỏe không đảm bảo nên Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh là ông Phạm Thanh Hùng đã xin trả lại đội bóng.
Trả lời Thanh Niên hồi tháng 4, một lãnh đạo Sở VH-TT tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định, việc nợ lương, thưởng tiền lót tay của các cầu thủ là trách nhiệm của ông “bầu” và Ban lãnh đạo Công ty TNHH 1 thành viên bóng đá Than Quảng Ninh.
Vị lãnh đạo Sở VH-TT tỉnh Quảng Ninh từng khẳng định: “Đội bóng vận hành theo mô hình chuyên nghiệp chứ sao có chuyện cầu thủ ăn lương ngân sách của tỉnh được. Tỉnh quan tâm, tạo mọi điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật... cho đội bóng và động viên khen thưởng kịp thời khi có thành tích tốt”.
Theo Sở VH-TT tỉnh Quảng Ninh, thời gian vừa qua, tỉnh đã quan tâm tạo điều kiện cho CLB Than Quảng Ninh bằng những nguồn kinh phí từ ngân sách để đào tạo tuyến trẻ, cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là việc nâng cấp sân vận động Cẩm Phả.
Để tạo điều kiện cho Công ty TNHH 1 thành viên bóng Than Quảng Ninh thực hiện đúng quy chế bóng đá chuyên nghiệp phải có hệ thống đào tạo trẻ, trong 3 năm qua tỉnh Quảng Ninh đặt hàng cho đơn vị này đào tạo bóng đá trẻ từ U.11, U.17, với kinh phí trung bình từ 18 - 20 tỉ đồng/năm; đồng thời cũng là tạo nguồn cầu thủ trẻ cho Than Quảng Ninh.
Đối với nhà tài trợ ruột là Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam có ký hợp đồng tài trợ quảng cáo cho Than Quảng Ninh trong 5 năm là 165 tỉ đồng. Cụ thể, 2015: 35 tỉ đồng; 2016: 35 tỉ đồng; 2017: 35 tỉ đồng; 2018: 30 tỉ đồng; 2019: 30 tỉ đồng. Ngoài ra, hàng năm các doanh nghiệp trên địa bàn tài trợ cho Công ty cổ phần bóng đá Than Quảng Ninh để quản lý đội bóng như Tổng công ty Đông Bắc; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Cẩm Phả.
Về vấn đề khen thưởng, hàng năm, qua các mùa giải tỉnh Quảng Ninh tổ chức động viên, khen thưởng cho vận động viên, huấn luyện viên của đội đạt thành tích trong thi đấu. Cụ thể, các năm 2015: 100 triệu đồng; 2017: 1 tỉ đồng; 2019: 300 triệu đồng; 2020: 200 triệu đồng. Trước phong độ ấn tượng trong giai đoạn đầu tiên V-League 2021, Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng đội Than Quảng Ninh 500 triệu đồng.

Đội trưởng của Than Quảng Ninh thời này phải đi bóc tôm để kiếm sống

Ảnh FBNV

Ngoài ra, cũng trong giai đoạn đầu mùa giải V-League 2021, các doanh nghiệp khác trên địa bàn còn ủng hộ hơn 2 tỉ đồng các doanh nghiệp tài trợ cho đội bóng này theo lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh.
Như Thanh Niên đã phản ánh, trưa ngày 23.8, hàng loạt các cầu thủ lần thứ 2 viết tâm thư gửi Chủ tịch CLB bóng đá Than Quảng Ninh; lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh sau khi bị nợ lương từ tháng 4 đến nay. Ngoài ra còn chưa kể các khoản tiền thưởng khác.
Các cầu thủ Than Quảng Ninh cho biết, họ sẽ kiện đội bóng ra toà, thậm chí là tới cả FIFA nếu vấn đề lương, thưởng không được giải quyết.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.