Cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng và nỗi oan bàn thua trước Lào tại SEA Games 1997

05/08/2020 08:35 GMT+7

Sở hữu sự nghiệp chói sáng nhưng cũng lắm tranh cãi, cựu trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng cho biết 2 dấu ấn đậm nét nhất, rấm rứt anh mãi đều đến từ bàn thua bị “đổ lỗi trong im lặng” trước Lào tại SEA Games 1997.

 

Bàn thua trước Lào tại SEA Games 1997

Trung vệ Nguyễn Mạnh Dũng sớm khẳng định vị trí số 1 trong hàng thủ Thể Công từ năm 1996 và là cầu thủ trẻ nhất ra mắt tuyển Việt Nam ở tuổi 19. SEA Games 1997 là giải đấu đầu tiên của Dũng “Giáp” (lấy theo tên cha của anh là ông Nguyễn Trọng Giáp, cựu danh thủ Thể Công thập niên 70 thế kỷ trước) dự một giải lớn cùng tuyển Việt Nam của HLV Colin Murphy. Chỉ mới 20 tuổi nhưng anh đã chiếm được niềm tin của ông thầy ngoại người Anh sau những thử nghiệm tập huấn, khi Việt Nam hòa trẻ Bát Nhất (Trung Quốc) 1-1 tại Bắc Kinh, thua Thái Lan 1-2 tại Bangkok và hòa Myanmar 0-0.
Mạnh Dũng chia sẻ: “Suốt giai đoạn tập huấn, HLV Colin Murphy đều tin tưởng tôi trong vai trò trung vệ thòng tuyển Việt Nam. Không phải Mạnh Dũng ngạo nghễ nhưng tôi tin mình xứng đáng khi chuyên môn được cả nước công nhận. Tôi tin rằng đó là điều bình thường vì đủ sức đáp ứng chuyên môn của đội tuyển sau quãng thời gian thi đấu tốt ở CLB Thể Công, được khán giả yêu quý và tin tưởng. HLV Colin Murphy là một người nước ngoài, nên khi sử dụng tôi đã rất công tâm”.

HLV Colin Murphy và Mạnh Dũng

NVCC

SEA Games 1997, Việt Nam trình làng một loạt ngôi sao tiềm năng như thủ môn Minh Quang, trung vệ Mạnh Dũng và hậu vệ trái Đức Thắng... Việt Nam khởi đầu SEA Games 1997 chật vật khi thua Malaysia 0-1 và Indonesia hòa 2-2 nơi Đỗ Khải bị thẻ đỏ. Đến trận thứ 3 gặp Lào, HLV Colin Murphy sắp Mạnh Dũng đá thòng phía sau cặp trung vệ dập Hữu Thắng – Thiện Quang. Phút 30 trong một pha tiền vệ đội bạn chuyền bóng dài, Mạnh Dũng đá thòng khi nghe Minh Quang hô bỏ bóng đã khựng lại.

Mạnh Dũng (15) cùng đội tuyển Việt Nam giành HC đồng SEA Games 1997

NVCC

Cũng nói thêm nguyên tắc trong bóng đá, các cầu thủ tuyến trên phải nghe lời nhắc của hậu vệ đứng phía sau quan sát rõ. Tương tự thủ môn ở dưới cùng sẽ có cái nhìn bao quát nhất để chủ động chỉ đạo hàng thủ. Khi Minh Quang hô “buông” thì cả hàng phòng ngự Việt Nam đã khựng lại để anh lao ra bắt. Tuy nhiên trong tình huống này Minh Quang lại phán đoán sai điểm rơi, bóng lơ lửng và Ananh Thepsouvanh cướp được ghi bàn cho Lào. Việt Nam thắng 2-1 nhờ cú đúp của Vũ Minh Hiếu nhưng bàn thua trước Lào trở thành ấn tượng đi theo mãi Nguyễn Mạnh Dũng.

Sự im lặng của đội tuyển Việt Nam

Dũng “Giáp” nhớ lại: “Sau trận đấu do thắng Lào nên cả đội rất vui. Mọi người ai cũng sinh hoạt bình thường. Nhưng tôi cảm nhận được sự cô độc, có cảm giác một mình phải đối diện với nhiều cầu thủ khác. Cuộc cạnh tranh vị trí trung vệ ở tuyển Việt Nam khi đó rất quyết liệt với nhiều cái tên lớn như Đỗ Khải, Thiện Quang, Nguyên Chương... Tôi và mọi người đều biết bàn thua trước Lào không phải là lỗi của tôi mà là là của thủ môn. Ban đầu tôi chỉ nghĩ đó là một tình huống bình thường nhưng vào giờ giải lao tôi thấy nhóm trợ lý BHL người Việt cứ bàn bạc với nhau và tôi bị thay ra trước khi bắt đầu hiệp 2. Từ đó, tôi bị “cất” luôn và bao nhiêu năm vẫn mang tiếng mắc lỗi dẫn đến bàn thua đó”.

Mạnh Dũng (thứ 2 từ phải) cùng đồng đội tuyển Việt Nam nhận huy chương

NVCC

Cũng theo lời Nguyễn Mạnh Dũng thì tuyển Việt Nam khi đó có đặc thù riêng là nhiều phe gồm nhóm cầu thủ miền Nam thì thân dàn trợ lý HLV miền Nam. Bản thân nhóm Thể Công cũng bị phân hóa thành 2-3 phe khác nhau nên bị lép vế trước áp lực giữ vị trí cho mình. Anh nhớ lại: “Điều tôi sốc theo đó là không một ai trong đội tuyển Việt Nam bênh tôi cả. Nhóm HLV và cầu thủ phía Nam toàn bộ im lặng, không ai dám nói lên sự thật, kể cả trợ lý HLV thủ môn Dương Ngọc Hùng. Khi đó tôi nghĩ khi cầu thủ cả nước đã cùng nhau khoác áo tuyển Việt Nam phải phân tích, chia sẻ để rút kinh nghiệm cho nhau thành tập thể mạnh.
Nhưng thực tế khi đó đội tuyển có sự tị nạnh nhau. Bóng đá Việt Nam thời đó nó là như thế. Có một mình tôi một bầu trời vì không cần ai. Tôi cảm thấy vô lý vì không ai nhắc đến bàn thua lỗi thủ môn mà tại sao lại thay mình ra. Tôi khi đó như vật tế thân và bị “cất” hẳn những trận sau, nhường chỗ cho người khác. Tôi không được trao cơ hội để chứng minh năng lực. Tôi không cần gặp ai để giải thích cả, vì chỉ cần nhìn cách các trợ lý HLV trao đổi với nhau rồi im lặng không nói gì với cầu thủ là tôi hiểu. Nếu họ phản ứng lại hoặc bênh tôi thì có thể nhóm cầu thủ miền Nam sẽ không đá. Đó là một phần lịch sử bóng đá Việt Nam, chồng chéo rất nhiều quan hệ rắc rối phức tạp. Khi đó, phải là “quái thủ” mới lên được đội tuyển Việt Nam”.

Mạnh Dũng cùng động đội tuyển Việt Nam trong buổi tập

NVCC

Sau SEA Games 1997, Mạnh Dũng vẫn là ngôi sao trong chức VĐQG 1998 của Thể Công với HLV Vương Tiến Dũng, chỉ để thủng lưới 20 bàn sau 26 trận. Xin ra khỏi quân đội năm 2002, anh là một phần trong “Dream Team” HAGL với bộ 3 người Thái Lan thống trị bóng đá Việt Nam trong 2 mùa liên tiếp 2003, 2004. Dũng “Giáp” gây tiếng vang khi dũng cảm đứng ra tố cáo đồng đội rủ rê bán độ tại cúp C1 Đông Nam Á 2003 và trở lại tuyển Việt Nam giai đoạn 2005-2007.
Là một người ngang tàng và thẳng tính, tiếc là Mạnh Dũng bị ảnh hưởng bởi cái tôi lớn và thiếu kỷ luật. Những phát ngôn “thẳng tưng” gây sốc khiến anh luôn bị mâu thuẫn giữa yêu và ghét trong mắt người khác. “Sau này, khán giả vui gặp tôi thì ghẹo về bàn thua tại SEA Games 1997, còn người không biết thì nhắc như thể là lỗi của tôi. Tôi rất mừng cho đội tuyển Việt Nam vào lúc này khi cầu thủ có tài sẽ được trọng dụng mà không cần phải “nhờ” ai nữa rồi”, Nguyễn Mạnh Dũng chia sẻ.
 Nguyễn Mạnh Dũng đoạt 3 chức VĐQG trong màu áo Thể Công (1998), HAGL (2003, 2004), Cúp quốc gia cùng Hà Nội ACB (2008), 2 Siêu cúp quốc gia cùng HAGL (2003, 2004). Ở cấp đội tuyển, Mạnh Dũng đoạt HCĐ SEA Games 1997 và chia tay đội tuyển tại AFF Cup 2007.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.