Nhà sát bên sân Lạch Tray, bố là cựu cầu thủ của đội Cảng Hải Phòng, tình yêu và niềm đam mê với trái bóng tròn luôn chảy trong con người anh. Đã tự chơi bóng đá theo cách tự phát của mình, từ sáng đến chiều quần quật ngoài những sân xi măng trên đường phố, Thiện Quang đã có khi phải trốn người cha của mình để theo đuổi đam mê của mình . Cuộc sống khó khăn, phải bươn chải đủ mọi ngành nghề để lo cho 6 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn khiến ông Nguyễn Thiện Thực không mấy khi quan tâm đến cậu con trai của mình, đến khi phát hiện ra năng khiếu và quyết định ủng hộ cho cậu con thứ 4 thì Quang cũng đã 18 tuổi.
Tham gia đội năng khiếu của Hải Phòng, lọt vào mắt xanh của các huấn luyện viện lão làng Trần Bình Sự ( Công an Hải Phòng), Nguyễn Thành Kiểm (Điện Hải Phòng) ... nhưng như 1 cơ duyên và để tìm kiếm cơ hội cho bản thân anh ( thời ấy Hải Phòng có rất nhiều cầu thủ giỏi lại đang ở tuổi chín muồi như Chu Văn Mùi , Lê Đại Dương ...), Quang lại xuôi Nam để cập bến đội trẻ Công An TP.HCM qua lời giới thiệu của 1 người chú là cựu danh thủ trung vệ Nguyễn Văn Thư, người từng chơi cho Cảng Hải Phòng, Công nghiệp Thực phẩm, Công an TP.HCM và một thời là ‘tượng đài” hùng hồn của bóng đá thành phố Hoa phượng đỏ và Việt Nam
|
|
Thể hình to lớn (anh cao 1m78) so với chúng bạn cùng thời, nguồn thể lực dồi dào , Quang tỏ ra nổi bật và được chọn lên đội 1 sau khi có được giai đoạn chơi thành công khi tăng cường trong màu áo Gia Lai giành quyền lên A1 năm 1990. Biệt danh Quang “bò” cũng có từ đó. “ Cái biệt danh này một phần do lấy theo chú tôi. Nhưng cái chính là do tôi chơi xông xáo, mạnh mẽ và luôn hùng hục như một võ sĩ đấu bò nên nhiều người cứ thế mà gọi. Lâu ngày tôi cũng thấy bình thường nên cũng quen luôn..”, Quang cho biết.
|
Có một điều đặc biệt mọi người luôn nhắc đến anh như là 1 trung vệ dập xuất sắc của bóng đá Việt Nam với cách đeo bám, cách anh tranh bóng bổng với đối phương, đặc biệt là khả năng phán đoán của mình nhưng ít ai biết rằng anh đã có nhiều thời gian chơi thành công ở vị trí hậu vệ biên phải. Dưới sự huấn luyện của ông Lưu Mộng Hùng, cầu thủ trẻ Thiện Quang chơi bên cạnh các đàn anh như Đinh Ngọc Nghĩa, Trọng Lâm ... ngày càng tiến bộ . Khi Công an TP.HCM tiếp nhận 1 lứa cầu thủ giỏi như Minh Chiến, Huỳnh Đức, Liêm Thanh, Chí Bảo ... thì Quang được thừ sức cho cả 2 vai trò vừa là hậu vệ cánh vừa thi đấu ở vị trí trung vệ. Thậm chí những khi bế tắc trong nhân sự cũng như tấn công lại thấy anh trong vai trò một trung phong cắm.
|
|
Giành chức vô địch giải quốc gia năm 1995, á quân năm 1993-1994 và 1996, thi đấu cùng CLB đến năm 2001 thì Quang quyết định treo giày, niềm hạnh phúc lớn nhất của anh đó là những năm tháng góp mặt trong thành phần đội tuyển quốc gia suốt 4 năm liền từ 1996 đến 1999 dự từ Tiger Cup đến SEA Games 1999. Bền bỉ, cần mẫn, trách nhiệm và đơn giản tuy không quá nổi bật nhưng tròn vai đó là những gì người ta thấy anh trong màu áo đỏ. Khi đã được HLV phân công kèm ai, Quang luôn “bắt chết” đối thủ bằng phong độ cực tốt và những cú vào bóng khôn ngoan khiến đối thủ phải “chùn chân”.
Nhiều tiền đạo hồi đó mỗi lần gặp đều “ngán” Quang vì anh có lối vào bóng băm bổ, sẵn sàng theo sát như hình với bóng nên rất khó đá. Với lối chơi thiên về sức mạnh, lì lợm Quang ‘bò” khiến cựu danh thủ Kiatisak từng phải đưa ra đánh giá cao “Việt Nam có hàng thủ vào loại mạnh ở Đông Nam Á. Tôi ấn tượng nhất là Đỗ Khải mưu trí và Thiện Quang gan lì. Mỗi lần đối mặt với họ, tôi đều phải luôn có nhiều phương án trong cách chơi. Nhưng nói thật vượt qua họ không phải dễ”.
Có giai đoạn ở SEA Games 1999 tại Brunei, hàng thủ tuyển Việt Nam đá từ trận đầu cho đến sát chung kết (5 trận với 450 phút) mà không lọt lưới bàn nào. Công lao của hàng thủ với những cái tên như Mai Tiến Dũng, Phạm Như Thuần, Trần Công Minh, Đỗ Mạnh Dũng, Nguyễn Đức Thắng và dĩ nhiên cả Nguyễn Thiện Quang hay đến dường nào.
|
Những năm tháng của tuổi trẻ đã cống hiến cho thể thao, cho niềm đam mê, chuyển công tác sau thời gian thi đấu, người ta thấy anh làm việc trong Trung tâm thể thao Công an TP.HCM ở Đầm Sen, công việc không phù hợp khiến anh cảm thấy bế tắc và mệt mỏi về thời gian đó. Quang cho biết “ Đó là giai đoạn buồn nhất trong cuộc đời tôi. Giám đốc Trung tâm lúc đó phân công tôi làm bảo vệ, suốt ngày mở cổng cho xe ra vào. Thu nhập thì chẳng là bao nên những lúc hết ca trực, tôi làm thêm trọng tài cho các đội phong trào thi đấu để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống”.
Không những vậy, Quang “bò” còn được giao nhiệm vụ khá trái khoáy so với nghề đá bóng của anh là làm tiếp thị, quảng cáo, khai thác dịch vụ cho Trung tâm để có thêm nguồn thu. Quang “bò” nói: “ Khi đó các đơn vị như nơi tôi công tác phải tìm thêm nguồn thu để lo cho đời sống nên mọi người được yêu cầu phải xoay sở, làm thêm đủ cách hỗ trợ cho đơn vị. Nhưng công việc này thực sự quá khó cho tôi. Nhiều khi tôi tủi thân lắm, nhưng phân công thì vẫn phải làm”.
Sau thời gian lận đận, khoảng 10 năm nay anh chuyển về phòng cảnh sát giao thông đường bộ và đường sắt Công an TP.HCM công tác ở đội đăng kiểm. Công việc của anh hầu như đi cả ngày nên rất ít khi thấy anh ra sân cỏ như những cựu cầu thủ khác “ 2 đầu gối của tôi bể sụn, rách dây chằng do những dư chấn của thời còn thi đấu, mỗi khi trái gió trở trời nó đều đau âm ỉ. Bác sĩ cũng khuyên tôi đi mổ nhưng cuộc sống khiến tôi vẫn chưa thể làm được”, Quang “bò” tâm sự
|
Không còn tham gia công tác huấn luyện, cũng ít khi ra sân cỏ chơi phong trào, cuộc sống của anh hiện nay gắn liền với công việc của 1 người đại uý công an và là người chồng, người cha trong gia đình nhỏ của mình tại Q.Tân Phú. Nhưng mỗi khi nhắc lại những câu chuyện xưa hay theo dõi những trận đấu bóng đá của đội tuyển quốc gia thì trong anh như được sống lại những kí ức 1 thời trai trẻ.
Bình luận (0)