'Nước cờ' táo bạo của Xuân Trường

08/03/2021 09:05 GMT+7

Tiền vệ Lương Xuân Trường đã có một “nước cờ” táo bạo mà chưa một cầu thủ Việt Nam nào có thể thực hiện trước đó - cùng các cộng sự cho ra đời Trung tâm phục hồi chấn thương IRC, với ý tưởng ban đầu xuất phát từ nỗi ám ảnh chấn thương của chính mình và đồng đội.

Trong ngày IRC ra mắt vào hôm qua (7.3) tại Hà Nội, Xuân Trường đã chia sẻ với Báo Thanh Niên về dự án từ lúc sơ khai cho đến khi hiển hiện thành cơ ngơi bằng xương bằng thịt.

HLV Park Hang-sao 'mất ăn, mất ngủ' vì Đoàn Văn Hậu và đội tuyển Việt Nam

“Nhiều người tưởng tôi đùa và ảo tưởng”

Chúng tôi rất đau lòng mỗi khi chứng kiến cầu thủ Việt Nam bị chấn thương mà một trong những hình ảnh nhức nhối nhất là anh ngồi trên ghế ngoài sân tập của tuyển Việt Nam tháng 9.2019 khi bị chấn thương bất ngờ - ánh mắt thất thần, vẻ âu lo không giấu nổi. Rồi sau đó anh ra nước ngoài phẫu thuật và điều trị…
Xuân Trường: Vâng, tôi ám ảnh với chính mình khi bị chấn thương rất nặng thời điểm đó. Sang Hàn Quốc, nằm trên giường bệnh, câu hỏi từ mấy năm trước lại dội về là tại sao người Việt Nam không thể được hồi phục chấn thương ngay tại quê nhà với điều kiện tốt nhất và chi phí không phải cao nhất. Tôi cũng bị ám ảnh sâu sắc bởi tận mắt chứng kiến nhiều đồng đội bị chấn thương. Vũ Văn Thanh khi sang Hàn Quốc điều trị chấn thương từng khóc trong nhà vệ sinh vì vui mừng và cũng vì tiếc nuối đã bỏ lỡ chức vô địch AFF Cup 2018. Minh Vương cũng mới gặp chấn thương dây chằng đầu gối vào cuối năm ngoái và phải ra Hà Nội tập riêng với bác sĩ Choi. Chàng Nhô - đồng đội Tuấn Anh thân thiết của tôi từng bị chấn thương nghiêm trọng và phải sang Pháp điều trị khi mới 17 tuổi.
Không chỉ cầu thủ bóng đá mà các VĐV của nhiều môn thể thao khác cũng dễ bị chấn thương trong quá trình tập luyện hay thi đấu. Mà nhiều người cũng vì hoàn cảnh khó khăn hay không tìm được nhà tài trợ để ra nước ngoài điều trị hoặc phục hồi nên đã phải giã từ sự nghiệp dù vẫn đang trên đỉnh cao. Thật tiếc nuối. Cũng vì chấn thương, đồng đội của tôi và cả tôi nữa phải bỏ lỡ nhiều giải đấu quan trọng. Vì thế, tôi không cho phép mình ngồi yên được nữa, phải hành động một cách thật sự, phải quyết tâm chuyển hóa ý tưởng thành hành động.
Khi tôi chia sẻ ý tưởng thành lập IRC, mặc dù đánh giá cao nhưng nhiều người vẫn tưởng tôi nói đùa, thậm chí nghĩ tôi ảo tưởng. Nhưng với tôi việc thành lập IRC là một tất yếu. Trung tâm IRC ra đời với lý do rất nhân văn: Bất kỳ VĐV Việt Nam có niềm đam mê thể thao chân chính đều xứng đáng có cơ hội được chăm sóc, tăng cường sức khỏe toàn diện, chuyên nghiệp như tại các quốc gia tân tiến. Đây cũng chính là lời chúc của thầy Park Hang-seo dành cho IRC.
'Nước cờ' táo bạo của Xuân Trường1

Xuân Trường vẫn không quên nhiệm vụ chính là thi đấu

ẢNH: KHẢ HÒA

“Trị liệu cả tinh thần lẫn thể xác”

Được anh mời phát biểu trong lễ ra mắt IRC, trung vệ Duy Mạnh đã ví von cầu thủ bị chấn thương như một người bị tai nạn ở một ngã tư mà khi quay lại ngã tư đó, sẽ rơi vào tâm lý sợ hãi. IRC ngoài hồi phục chấn thương có giúp VĐV đánh bại được nỗi ám ảnh chấn thương?
Ngoài nỗi đau thể xác, VĐV lúc dính chấn thương sẽ bị mang nỗi đau tinh thần rất lớn. Sự phục hồi về tâm lý vì thế - cũng quan trọng không kém. Chúng tôi muốn VĐV được hồi phục một cách toàn diện từ thể xác đến tinh thần. Chính tôi khi bị chấn thương vào tháng 9.2019 cũng lo lắng và vô cùng tuyệt vọng, rồi sau đó tôi đã đem nỗi lòng giãi bày với anh Nguyễn Việt Hùng - hiện là giám đốc điều hành của IRC. Tôi đã được hồi phục tâm lý. Đúng, phải trị liệu cả tâm lý trước hay sau khi trị liệu chấn thương.
Đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế của IRC cam kết mạnh mẽ là luôn hoàn thiện mình với một tâm thế học hỏi, tiếp thu và cải tiến liên tục nhằm mang tất cả những gì tinh hoa nhất phụng sự cho thể thao nước nhà. Và phấn đấu trở thành thương hiệu chuyên nghiệp, uy tín, tận tâm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chuyên sâu về chấn thương thể thao.
Ám ảnh bị chấn thương nhưng VĐV cũng sẽ bị gánh thêm một nỗi ám ảnh khác là… kinh phí để điều trị và hồi phục. Xin hỏi, để được hồi phục tại IRC, tiền chi ra có tốn quá nhiều không?
IRC đã nghiên cứu các mô hình trung tâm phục hồi chấn thương thể thao thành công tại Hàn Quốc và thế giới. Đặc biệt hơn, IRC có được sự cố vấn, cộng tác của đội ngũ bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực y học thể thao trong và ngoài nước để hiện thực hóa lý tưởng cao cả: “Mang chuẩn mực về kiến thức và công nghệ của y học thể thao hiện đại vào thực tiễn tại Việt Nam, nâng cao chất lượng điều trị và phục hồi với giá thành hợp lý cho các VĐV”.

Xuân Trường trên sân Pleiku đá giao hữu với Công an Nhân dân

Minh Trần

Tôi xin nhấn mạnh tại IRC, thông qua các phương pháp trị liệu và giáo án tập phục hồi được thiết kế chuyên biệt bởi đội ngũ bác sĩ và chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực thể thao, các VĐV sẽ được chăm sóc một cách toàn diện, phục hồi chuyên sâu và tăng cường kỹ năng để sớm trở lại thi đấu với phong độ tốt nhất như trước khi bị chấn thương.
Tôi sẽ là quá nhỏ bé trong toàn bộ dự án rất quan trọng này, nên bên cạnh tôi còn có một người đồng sáng lập khác nữa và chúng tôi tự hào vì có bác sĩ y học thể thao Choi Ju-young, Nguyễn Trọng Hiền, Trần Anh Tuấn; chuyên gia y học thể thao Lee Jung-bin, Trần Huy Thọ, Nguyễn Đình Đức.
Nhiệm vụ chính vẫn là đá bóng
Trước câu hỏi sẽ quản trị quỹ thời gian của mình thế nào để hài hòa cả vai trò cầu thủ với nghề “tay trái” là “ông chủ” của IRC, cầu thủ sinh năm 1995 Lương Xuân Trường quả quyết: “Đó cũng là một khó khăn nhưng tôi sẽ phân bổ được quỹ thời gian của bản thân. Tôi ra mắt IRC với khát vọng mang đến những điều tốt đẹp nhất cho những người đam mê và chơi thể thao. Yếu tố chính là nhân sự giỏi thì IRC đã có nên tôi vẫn sẽ tập trung thi đấu vì sự nghiệp cầu thủ vẫn là quan trọng hàng đầu. Nhiệm vụ chính vào lúc này là đá bóng nên tôi vẫn muốn mình làm cầu thủ hơn làm bất kỳ một ngành nghề nào khác”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.