Tại V-League, đã có một thời gian dài vị trí giám đốc kỹ thuật và HLV trưởng bị hiểu nhầm là… một. Khi đó người ta mặc định rằng, chính giám đốc kỹ thuật mới là người cầm quân trong trận đấu chứ không phải là HLV trưởng. Thậm chí, chức danh giám đốc kỹ thuật chỉ mang tính tiền đề để người đó thay vào vị trí HLV trong tương lai.
Tuy nhiên ở cấp độ cao hơn, vị trí giám đốc kỹ thuật và HLV trưởng của các đội lứa tuổi cho đến đội tuyển được phân biệt một cách rạch ròi hơn. Trả lời báo chí, HLV Hoàng Anh Tuấn chia sẻ, giám đốc như một vị quan văn. Còn các HLV trưởng như các quan võ. Giám đốc kỹ thuật là người hoạch định chiến lược, tư vấn, tổ chức, chọn lựa tầm nhìn cho cả một nền bóng đá. Còn các HLV trưởng sẽ phối hợp với giám đốc kỹ thuật để thực thi chiến lược đó một cách cụ thể hơn.
|
HLV Park Hang-seo và ông Jurgen Gede cũng vậy. Ở cấp độ đội U.23 và đội tuyển Việt Nam, trên cương vị HLV trưởng, ông Park chịu trách nhiệm chính trong thành tích của đội tại các giải đấu. Trong khi đó, với vai trò một giám đốc kỹ thuật cho bóng đá Việt Nam, ông Gede đóng vai trò đứng ở phía sau hỗ trợ, đóng góp ý kiến, phát hiện và đề cử các tài năng cho ông Park.
Ví dụ như trường hợp cầu thủ Phan Văn Đức. Anh chính là “cầu nối” giữa ông Gede và HLV Park. Bằng con mắt nhìn nhận, đánh giá cầu thủ một cách tài tình, ông Gede đã phát hiện ra tài năng của Văn Đức tại VCK giải U.21 quốc gia ở Bình Dương. Ông Gede tiến cử Văn Đức và lập tức nhận được cái gật đầu thiện chí của ông Park. Văn Đức lên tuyển U.23 Việt Nam trước khi đội lên đường sang Trung Quốc đúng 2 ngày. Anh tỏa sáng và chứng minh cho mọi người thấy, ông Gede đã không nhìn lầm người.
|
|
Cũng ở giải U.23 châu Á 2018, người ta có thể thấy rõ hình ảnh “quan võ” Park Hang-seo xuất hiện “lồ lộ” trong các trận đấu. Còn ở phía sau, “quan võ” Gede vẫn âm thầm hỗ trợ bằng cách nghiên cứu đối thủ, truyền lửa tinh thần cho các cầu thủ trẻ Việt Nam
Sau giải đấu đó, ông Gede không hiện diện trong cabin huấn luyện hay tập thể đội bóng của HLV Park Hang-seo. Nhưng không vì thế mà tầm ảnh hưởng, sự hỗ trợ của ông Gede dành cho thầy Park giảm đi. Ở phía ngược lại, ông Park vẫn bày tỏ sự biết ơn ông Gede cùng những người tiền nhiệm. Không đi cùng nhau trong một đội tuyển nhưng cả hai có được lý tưởng chung là phát triển bóng đá Việt Nam. Ông Gede tiếp tục gắn bó với các đội trẻ để tìm kiếm thêm những nhân tố mới. Còn ông Park với tài thao lược của mình, tiếp tục cố gắng hoàn thiện hơn sức mạnh cho các đội tuyển mà ông dẫn dắt.
Ông Park từng nói rằng, để Việt Nam đi đến World Cup, bản thân ông là không đủ. Bóng đá Việt Nam cần rất nhiều những chuyên gia ở nhiều mảng khác nhau từ thể lực, dinh dưỡng, chiến thuật…Và giám đốc kỹ thuật cũng là một trong những yếu tố quan trọng đó. Trên một lần, đích thân ông Park đã gửi lời cảm ơn đến ông Gede vì những gì ông đã làm cho đội tuyển.
Ông Gede chia tay bóng đá Việt Nam, chia tay VFF bởi đôi bên thấy rằng đường hướng phát triển trong tương lai cần những quan điểm mới, tư tưởng mới, chứ hoàn toàn không phải vì có "người thứ 3" xen vào.
Việc ông Gede ra đi chắc chắn sẽ để lại một tiếc nuối lớn với ông Park. Ít nhất, ông Park Hang-seo mất đi một vị hàng xóm thân thiết, thích uống cà phê buổi sáng tại ngôi nhà dành cho các chuyên gia ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam sau tháng 6 này…
Bình luận (0)