HLV Akira Nishino giúp ngành xuất khẩu cầu thủ Thái bùng nổ
Tương lai của HLV Akira Nishino đang là dấu hỏi cho Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) khi ngày càng có nhiều nguồn tin dấy lên nỗi lo chiến lược gia người Nhật Bản muốn chấm dứt hợp đồng sớm vì Covid-19. Đó thực sự là mối bận tâm hàng đầu của FAT vì HLV Akira Nishino không chỉ đơn thuần là một nhà cầm quân, mà còn là cây cầu biểu tượng cho sự hợp tác giữa bóng đá Thái Lan và Nhật Bản.
Vì nếu thực sự có ngày chia tay, lời người Thái nói chắc chắn sẽ phải là cám ơn!
Không phải vô cớ vào lúc này Thái Lan được coi là cửa ngõ tiến và Đông Nam Á của Liên đoàn bóng đá Nhật Bản (JFA), khi đến lúc này đã có khá nhiều cầu thủ Thái đang chơi bóng ở J-League 1 như Chanathip Songkrasin, Kawin Thamsatchanan, Theerathon Bunmathan, Thitipan Puangchan...
Đến nay, Thái Lan vững vàng là quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu cầu thủ sang Nhật Bản nhiều nhất. Tổng cộng đã có hơn 20 cầu thủ đã và đang thi đấu ở các hạng đấu khác nhau kể từ lần mở đầu của huyền thoại Witthaya Laohakul - cựu Giám đốc kỹ thuật FAT.
Điểm đặc biệt là phần lớn trao đổi cầu thủ diễn ra trong vài năm gần đây, nhất là những hạt giống được gửi sang các đội trẻ của CLB Nhật Bản ngày một nhiều và đông đảo nhờ chất xúc tác quan trọng mang tên Akira Nishino. Cựu HLV trưởng tuyển Nhật Bản có tầm ảnh hưởng rất lớn với JFA, các CLB, doanh nghiệp Nhật Bản để tạo sự giao thoa sâu hơn, giúp bóng đá Thái Lan trở thành sự lựa chọn số 1 ở Đông Nam Á mỗi khi người Nhật có ý định nhập khẩu cầu thủ.
|
"Thái Lan có mối quan hệ mạnh mẽ với những đối tác tại J-League và tiếp tục phương hướng phát triển bóng đá trên lĩnh vực kỹ thuật, con người, cầu thủ, marketing và mọi khía cạnh kinh doanh bóng đá khác. Nhờ mối liên hệ này, Thái Lan liên tục có những cập nhật tích cực đến Nhật Bản.
Những thương vụ xuất khẩu của Chanathip, Teerasil, Theerathon... và những cái tên khác chứng minh họ có thể chơi bóng ở một trong những giải đấu hàng đầu châu lục. Sự xuất hiện của cựu HLV trưởng tuyển Nhật Bản Akira Nishino có ý nghĩa rất lớn, vì ông tin rằng cầu thủ Thái Lan có đủ chất lượng.
HLV Akira Nishino là cầu nối giúp nhiều CLB J-League có cái nhìn cận cảnh, sâu sát hơn đến cầu thủ Thái Lan. Nhiều HLV và tuyển trạch viên Nhật Bản đã đến Thái Lan để xem giò cẳng các cầu thủ trẻ", Phó Tổng giám đốc và trưởng ban cấp phép Thai League Benjamin Tan chia sẻ với Thanh Niên.
Từ rất lâu, người Thái đã không che giấu tham vọng vươn mình khỏi khu vực để tấn công vào nhóm những nền bóng đá hàng đầu châu Á, bước đệm Nhật Bản vì thế mang tính chiến lược cực then chốt. Thai League được sao chép công nghệ từ con người đến kiến thức của Ngoại hạng Anh, từng bước áp sát J-League.
Dù khoảng cách vẫn còn, cần một quãng đường khá dài phải đi nhưng lộ trình là rất rõ ràng. Có thể khẳng định, rằng Thái Lan sẽ tìm mọi cách để giữ chân HLV Akira Nishino. Quyết tâm này tương đương việc họ sẽ tiếp tục kiên trì với chính sách đầu tư dài hạn cho tương lai, kể cả phải gạt qua thành tích ở khu vực.
Sự tự tin, dũng khí hay tầm nhìn của Thái Lan
|
Phát biểu với truyền thông Thái Lan đầu năm 2021, chủ tịch FAT Somyot Poompanmoung khẳng định sẽ không cử đội hình mạnh nhất dự AFF Cup lẫn SEA Games, hay sửa lịch thi đấu các giải quốc nội như Thai League.
Tất cả vì mục tiêu lớn ngoài khu vực Đông Nam Á.
“Nếu HLV Akira Nishino không có đội hình mạnh nhất cho AFF Cup và SEA Games 2021 là bình thường vì những giải đấu này không thuộc FIFA Day nên các CLB có quyền không nhả cầu thủ. Nếu chẳng may cầu thủ dính chấn thương tại 2 giải này, các CLB sẽ mất quyền lợi, bởi họ mới là người trả lương cho các ngôi sao.
Bóng đá Thái Lan phải bước ra khỏi khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi không nói bóng đá Thái Lan đã là số 1 ở khu vực. Nhưng điều quan trọng là chúng tôi phải hướng đến các sự kiện lớn hơn như World Cup”, trang Daily News của Thái Lan dẫn lời ông Somyot Poompanmoung.
Người Thái chấp nhận cử những đội U.22 hay tuyển quốc gia vắng bóng những ngôi sao đang chơi bóng ở trong và ngoài nước, để tập trung phát triển theo chiến lược dài hạn. Quyết tâm này là rất vững vàng, bất chấp 3 năm qua vẫn sống dưới sức ép khủng khiếp từ cái bóng của thầy trò HLV Park Hang-seo.
|
Từng theo chân thầy trò HLV Park Hang-seo có mặt ở Thái Lan tại vòng loại World Cup 2022, người viết cảm nhận rõ sự sục sôi của truyền thông Thái Lan sau những lần để Việt Nam qua mặt. Họ mẫn cảm đến mức một tấm ảnh buổi tập tuyển Thái Lan có thể bị đẩy lên thành vấn đề dân tộc buộc an ninh phải vào cuộc.
Sức ép rửa hận từ giới truyền thông luôn đè nặng khủng khiếp lên FAT và thầy trò HLV Akira Nishino khi Việt Nam trên cơ Thái Lan từ bảng xếp hạng FIFA đến các cuộc đối đầu, hay thành tích những giải đấu từ U.15 Đông Nam Á, đến U.23 châu Á 2018, ASIAD 2018, AFF Cup 2018, Asian Cup 2019...
Nhưng tại giải U.23 châu Á 2020 chúng ta bị loại từ vòng bảng trong khi người Thái lọt vào đến tứ kết. Nó không phải ngẫu nhiên khi lý do chính là chất lượng con người U.22 Việt Nam lứa 2020 kém xa 2018.
|
Nhìn vào nền tảng sức mạnh, từ một ví dụ nhỏ là tổng giá trị chuyển nhượng của Thai League vẫn gần gấp đôi V-League (67,33 so với 34,66 triệu euro, theo Transfermarkt) cho thấy Thái Lan vẫn mạnh, giàu tiềm lực và trên cơ bóng đá Việt Nam, nếu không muốn nói bỏ xa phần còn lại của Đông Nam Á.
Họ chủ động nhập khẩu công nghiệp bóng đá để áp dụng cho Thai League, và tiến hành giao thoa chủ động để trở thành đối tác quan trọng với nền bóng đá số 1 châu Á là Nhật Bản. Đó là điều Việt Nam cần phải học theo, quyết liệt hơn trong việc xây chắc nền tảng là đào tạo trẻ cũng như chuyên nghiệp hóa cao độ các giải quốc nội.
Nếu đến điều cơ bản nhất là 1 trong giải chuyên nghiệp quốc gia là hạng nhất năm nào cũng phập phồng "vỡ trận" (năm nay hạng nhất chỉ còn 13 đội vì CLB Tây Ninh bỏ cuộc - PV) thì đừng vội sống trong ảo tưởng đã vươn tầm hay vượt mặt Thái Lan.
Bình luận (0)