Nhiều năm liền, V-League tồn tại một cuộc thi không có danh phận, đó là đua vua phá lưới nội. Năm 2018, Công Phượng và Tiến Linh chạy đua cho danh vị này đến vòng cuối cùng, với phần thắng thuộc về chân sút của CLB Bình Dương.
Tại sao lại là “vua phá lưới nội”, mà không gộp chung với danh hiệu “vua phá lưới”? Câu trả lời nằm ở số lượng bàn thắng của cầu thủ nội, luôn ở mức rất thấp, không đáng kể so với ngoại binh. Tiền đạo Việt Nam không phải đối thủ của tiền đạo ngoại, nên giới chuyên môn tự tạo ra một cuộc đua nội bộ giữa các chân sút nội như một giải pháp… an ủi.
18 năm qua, chỉ 1 lần danh hiệu vua phá lưới thuộc về cầu thủ nội (không tính cầu thủ nhập tịch). Đó là mùa 2017 mà Anh Đức sở hữu số bàn thắng nhiều nhất giải. Mùa 2020, Công Phượng là cầu thủ Việt ghi nhiều bàn nhất với 6 pha lập công, trong khi 4 chân sút ngoại là Pedro Paulo, Chevy Walsh, Bruno Henrique và Rimario Gordon đều có trên 10 bàn.
|
Tuy nhiên, mùa 2021 đang chứng kiến các chân sút nội vùng lên. Sau 10 vòng, Văn Toàn và Tiến Linh cùng có 6 bàn thắng, dẫn đầu cuộc đua phá lưới. Giờ đây, các tiền đạo Việt Nam đua sòng phẳng với tiền đạo ngoại, thay vì tủi phận chấp chỉ cạnh tranh với nhau.
Xét về mức độ đóng góp, Văn Toàn nhỉnh hơn Tiến Linh. Cầu thủ sinh năm 1996 vừa ghi bàn, vừa kiến tạo tốt. Dưới sự dẫn dắt của HLV Kiatisak, Văn Toàn mài giũa khả năng di chuyển, dứt điểm lên một tầm cao mới.
Cầu thủ số 9 là miếng ghép hoàn hảo cho lối chơi phản công được xây dựng thành nền tảng cho HAGL hiện tại. Văn Toàn đã di chuyển thông minh, dứt điểm chân trái tốt và sút xa nguy hiểm. Pha dứt điểm từ khoảng cách 35m cháy lưới CLB Đà Nẵng là minh chứng cho đẳng cấp mới của Văn Toàn.
|
Văn Toàn từng bị trợ lý HLV Park Hang-seo “chê” thiếu quyết liệt trong phòng ngự. Nhưng này anh đủ thể lực chạy khắp mặt sân, giúp lối chơi tấn công của HAGL cơ động hơn. Theo HLV Đức Thắng thì Văn Toàn là cầu thủ mà mọi hàng thủ V-League phải dè chừng.
Không chạy nhiều và đa năng như Văn Toàn, nhưng Tiến Linh xử lý nhanh, gọn, dứt khoát - đặc trưng của một trung phong cắm. Tiến Linh được HLV Park Hang-seo đánh giá là sự lựa chọn số 1 trên hàng công nhờ lối chơi hiện đại, thông minh khó tìm thấy ở một chân sút nội khác.
Nhờ vậy, thầy Park trao suất đá chính cho Tiến Linh ở vòng loại World Cup, sau khi cùng U.22 Việt Nam đoạt HCV SEA Games 2019, và dự bị cho Anh Đức ở AFF Cup 2018. Với lợi thế thể hình 1m80, Tiến Linh được xem là trung phong hoàn hảo nhất 15 năm qua.
So với Văn Toàn, Tiến Linh bất lợi hơn khi phải thi đấu ở tập thể Bình Dương đang chuyển giao và trẻ hóa. Anh không được như Văn Toàn có các ngôi sao ăn ý hỗ trợ tại HAGL như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Hồng Duy, Văn Thanh...
|
Ở đội bóng đất Thủ, chân sút sinh năm 1997 phải học cách thích nghi và “độc lập tác chiến” với những đối tác thay đổi theo mùa. Dù vậy, hoàn cảnh khắc nghiệt đã tôi luyện Tiến Linh thành tiền đạo toàn năng, nhạy bén.
Dù trong hệ thống chiến thuật hay được dẫn dắt bởi HLV nào, Tiến Linh đều chứng minh được giá trị và quyết tâm. Từng nổi danh với những pha không chiến mạnh mẽ, Tiến Linh dần mài sắc kỹ năng đánh hơi bàn thắng trong khu vực cấm địa và nay là dứt điểm từ xa như cách sút tung lưới CLB Đà Nẵng hoặc đáng nhớ nhất là siêu phẩm vào lưới UAE.
Bình luận (0)