Những con số ấn tượng
Số lượng khán giả tăng vượt trội so với mùa giải năm ngoái là tấm gương phản ánh trung thực nhất chất lượng của V-League mùa này. Cả mùa giải năm ngoái, tổng số khán giả đến sân theo dõi V-League là 581.400 người thì năm nay, sau 10 vòng của giai đoạn 1, số lượng khán giả đã là 447.200 người và chắc chắn sẽ phá kỷ lục.
Số liệu thống kê của các sân cũng rất đáng phấn khởi. Ví dụ, sân Thiên Trường của đội Nam Định cả mùa năm ngoái đạt 90.000 khán giả thì năm nay sau 10 vòng, số lượng đã gần 81.000 khán giả. CLB HAGL cũng tạo ra các cơn sốt vé trên không chỉ ở sân Pleiku mà ở các sân khi thầy trò HLV Kiatisak đến làm khách. Số lượng khán giả đến sân nhà của HAGL tính đến thời điểm này đã lên tới 45.000 người - còn cao hơn cả mùa giải năm ngoái cộng lại là 41.000 người. Sân Hòa Xuân của đội Đà Nẵng đã đạt 50.000 khán giả, cao hơn cả mùa năm ngoái (40.000 khán giả). Sân Thanh Hóa cũng đạt con số khá ấn tượng là 30.000 khán giả, chỉ kém cả mùa năm ngoái 10.000 người mà giải đấu 2021 vẫn chưa kết thúc. Tân binh đội Bình Định có 66.000 khán giả sau 10 vòng đấu.
Không chỉ tăng đột biến về số lượng khán giả, giá trị chuyển nhượng của cầu thủ Việt Nam cũng tăng lên nhờ hình ảnh V-League ngày một đẹp “long lanh”, chất lượng các trận đấu ngày càng được cải thiện. Hiện tại, cầu thủ nằm trong top 5 người ghi bàn nhiều nhất V-League 2021 sau 10 vòng là Nguyễn Văn Toàn (HAGL) có giá trị chuyển nhượng lên đến 300.000 euro trên trang chuyển nhượng quốc tế Transfermarkt. Chưa bao giờ Toàn được thẩm định số tiền lớn như vậy cả. Nguyễn Công Phượng có giá trị chuyển nhượng thấp hơn là 250.000 euro. Tiền đạo Nguyễn Tiến Linh của đội Bình Dương cũng đạt 300.000 euro. Quế Ngọc Hải của Viettel, đội đang tạm đứng thứ 2 bảng xếp hạng, có giá trị 300.000 euro. Mặc dù Hà Nội FC đang chỉ đứng thứ 8 V-League 2021 nhưng tiền vệ Nguyễn Quang Hải vẫn được trang chuyển nhượng quốc tế đánh giá có giá trị chuyển nhượng cao tương đương Văn Toàn, Tiến Linh: 300.000 euro. Đồng đội của Hải là Geovane có giá trị 250.000 euro. Xin được lưu ý là trước năm 2018, chưa bao giờ cầu thủ Việt Nam có tên ở trang chuyển nhượng quốc tế; nhưng nhờ những thành tích nổi bật trong 3 năm qua mà các cầu thủ Việt Nam đã được trang chuyển nhượng quốc tế để mắt đến.
|
Bản quyền truyền hình vẫn “đứng hình”
Dựa trên tổng giá trị của tất cả cầu thủ đang thi đấu tại V-League được thống kê cụ thể trên trang chuyển nhượng quốc tế nói trên, thị trường có thể biết được giá trị của từng CLB. Cũng theo trang này, tổng giá trị chuyển nhượng của Hà Nội FC hiện đang cao nhất với 4,31 triệu euro; Viettel là 3,65 triệu euro; HAGL là 3,3 triệu euro. CLB TP.HCM: 3,05 triệu euro; đội Đà Nẵng: 2,61 triệu euro; đội Bình Dương: 2,47 triệu euro; đội Sông Lam Nghệ An: 2,41 triệu euro; đội Thanh Hóa: 2,34 triệu euro; Hải Phòng FC là 2,05 triệu euro; đội Than Quảng Ninh và đội Hà Tĩnh: 1,81 triệu euro; đội Sài Gòn: 1,61 triệu euro; đội Nam Định: 1,42 triệu euro; đội Bình Định thấp nhất: 970.000 euro.
Trong tháng 3 vừa qua, tổng giá trị của V-League 2021, theo đánh giá của trang chuyển nhượng quốc tế, đạt con số 31,48 triệu euro (cao hơn so với tháng 6 năm ngoái là 24,86 triệu euro). Tháng 4, giá trị của V-League 2021 đạt 34,66 triệu euro, giúp giải đấu cao nhất VN giữ vững vị trí thứ 3 danh sách các giải vô địch quốc gia ở Đông Nam Á có giá trị nhất. V-League chỉ đứng sau Thai League của Thái Lan (đạt 67,33 triệu euro) và Liga 1 của Indonesia (47,8 triệu euro). Giá trị của V-League cao hơn 5 giải đấu khác trong khu vực, trong đó cao hơn giải vô địch của Malaysia (đạt 33,32 triệu euro), Singapore (12,01 triệu euro), Myanmar (10,50 triệu euro), Lào (8,58 triệu euro), Philippines (1,33 triệu euro).
|
Giá trị V-League tăng 2 lần chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm (tính từ cuối mùa giải 2020) nhưng không đồng nghĩa với việc một số giá trị thương mại liên quan đến V-League cũng tăng theo. Chẳng hạn như bản quyền truyền hình. Nếu đặt lên bàn cân so sánh với một số nước trong khu vực thì tiền bản quyền của V-League là cực kỳ thấp. Gói bản quyền truyền hình của Thai League năm 2011 là 40 triệu baht (hơn 27,5 tỉ đồng) và từ năm 2012 - 2016 tăng thêm 16 triệu baht/mùa. Cuối năm ngoái, Ban tổ chức Thai League đã ký với hai đối tác lớn để nâng giá trị hợp đồng bản quyền truyền hình từ mùa 2021 cho đến 2028 với con số gây sốc: 400 triệu USD (khoảng 9.200 tỉ đồng).
Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) khóa trước đã ký với đối tác bản hợp đồng truyền hình V-League với thời hạn 5 năm (2017 - 2022) với giá trị thấp không tưởng: 2 tỉ đồng/mùa. VPF khóa này vẫn phải thực hiện nốt các điều khoản của khóa cũ để lại trong một mùa nữa. Một quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho hay VFF hy vọng sau mùa 2022, VPF có thể thu được nhiều tiền từ bản quyền truyền hình V-League bởi giải đấu này chắc chắn sẽ còn rất hay trong tương lai.
Đội bóng của bầu Đức lại thắng to
Báo chí Thái Lan thông tin, khán giả Thái Lan đòi hỏi các kênh truyền hình nước này mua bản quyền V-League để được theo dõi các trận đấu của HAGL do Kiatisak dẫn dắt. Theo một lãnh đạo VPF, các đơn vị truyền thông của Thái Lan muốn mua thì làm việc với Next Media, đối tác của VPF. Một thông tin khác liên quan đến CLB HAGL, đội bóng do Zico Thái dẫn dắt đã đoạt 4 giải thưởng xuất sắc nhất của tháng. Đó là giải thưởng đội bóng hay nhất (4 trận thắng); Kiatisak đoạt danh hiệu HLV hay nhất tháng; Cầu thủ hay nhất tháng thuộc về Nguyễn Văn Toàn (tháng 3 anh cũng giành danh hiệu này); Bàn thắng đẹp nhất tháng 4 thuộc về đội trưởng Lương Xuân Trường với cú sút ở cự ly xa, giúp HAGL đánh bại Hà Nội FC ở vòng 10 V-League 2021.
Trung Ninh
|
Bình luận (0)