Những ngôi sao sáng của thể thao TP.HCM

30/04/2020 07:45 GMT+7

TP.HCM đang sở hữu rất nhiều tài năng thể thao, đóng góp lớn giúp thể thao Việt Nam bay cao ở đấu trường quốc tế, trong đó nổi bật nhất hiện nay là Lê Quang Liêm (cờ vua), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ) và Thạch Kim Tuấn (cử tạ).

Tài trí Lê Quang Liêm

Hơn 10 năm qua, kỳ thủ sinh năm 1991 Lê Quang Liêm luôn ngự trị ngôi đầu làng cờ vua Việt Nam và là niềm tự hào của thể thao thành phố mang tên Bác.
Có bệ phóng tốt từ gia đình, Quang Liêm đến với cờ vua từ năm 7 tuổi và giữ đam mê đến tận bây giờ, trở thành một trong những kỳ thủ hàng đầu thế giới với danh hiệu Siêu đại kiện tướng quốc tế. Kỳ thủ ở Phú Nhuận (TP.HCM) sở hữu khối thành tích quốc tế mà VĐV nào cũng thèm muốn, với HCV thế giới (cờ chớp), HCV châu Á (cờ tiêu chuẩn), HCV Đông Nam Á, cùng hàng chục danh hiệu ở các giải quốc tế mở rộng danh giá.
Không chỉ chơi cờ hay, Quang Liêm còn học giỏi và là một trong những VĐV đỉnh cao thể thao Việt Nam hiếm hoi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài. Nhờ chơi cờ vua giỏi, Quang Liêm được Trường đại học Webster (Mỹ) trao học bổng toàn phần vào năm 2013. Vừa học vừa chơi cờ, kỳ thủ số 1 Việt Nam vẫn tốt nghiệp với 2 tấm bằng cử nhân loại xuất sắc chuyên ngành tài chính, quản lý. Chưa dừng ở đó, Quang Liêm còn theo đuổi việc học để trở thành chuyên gia phân tích tài chính, xem đó như nghề bên cạnh đam mê cờ vua. Trước đó, Quang Liêm học giỏi 12 năm liên tiếp, thi đậu Trường đại học Sài Gòn trước khi sang Mỹ.
Chia sẻ về việc vừa thi đấu đỉnh cao, vừa học tốt văn hóa, Quang Liêm cho rằng cần có tinh thần vượt khó và hết sức nỗ lực. “Cần sắp xếp thời gian sao cho hợp lý, không lãng phí. Khi luyện cờ hay học bài đều phải tập trung cao nhất để đạt hiệu quả, không có khái niệm vừa làm vừa chơi. Có lẽ do thái độ làm việc như vậy cùng may mắn đồng hành nên tôi có được kết quả tốt”, Quang Liêm chia sẻ.
Kỳ thủ hiện xếp hạng 31 thế giới luôn ghi nhớ lời ba mẹ: “Dù con thi đấu cờ có thành công đến đâu, nhưng nếu con chỉ biết đi thi đấu cờ rồi bỏ văn hóa thì coi như sự thành công của con bằng không vì tương lai con khi đó rất mờ mịt; tự con đã đóng cánh cửa của cuộc đời con”. Đó cũng là lý do mà Quang Liêm quyết định theo đuổi cả việc học văn hóa lẫn chơi cờ vua.
Có thời gian dài sinh sống, học tập, thi đấu cho trường đại học ở Mỹ, không ít người đặt vấn đề Quang Liêm nhập tịch thi đấu cho nước này. Chính sách mời gọi nhân tài của Mỹ khiến hàng loạt kỳ thủ mạnh như Caruana (Ý), So Wesley (Philippines), Nakamura (Nhật Bản), Dominquez Perez (Cuba) nhập tịch, trở thành kỳ thủ hàng đầu Mỹ lẫn tốp đầu thế giới. Thế nhưng Quang Liêm thổ lộ anh chưa nghĩ đến việc này mà tập trung cống hiến cho cờ vua TP.HCM lẫn Việt Nam.

Lê Thanh Tùng: thành công từ khổ luyện

Những ngôi sao sáng của thể thao TP.HCM1

Lê Thanh Tùng với động tác nhảy chống sở trường

ẢNH: ĐỘC LẬP

25 tuổi nhưng “hot boy” thể dục dụng cụ (TDDC) có thâm niên đến 20 năm khổ luyện môn thể thao ít người theo đuổi.
Mới 5 tuổi, Thanh Tùng đã bén duyên với TDDC, sau đó rời chiếc nôi Q.1 (TP.HCM) sang Trung Quốc tập huấn 8 năm trời đằng đẵng. Đó là 8 năm khổ luyện đúng nghĩa khiến Thanh Tùng gần như hy sinh cả tuổi thơ cho TDDC. Về nước, Thanh Tùng nhanh chóng khẳng định tài năng, thống trị làng TDDC, trong đó vô đối ở nội dung nhảy chống.
Đó là nội dung mang đủ vinh quang về cho học trò HLV Trương Minh Sang, từ HCV Cúp thế giới, HCV châu Á, HCV SEA Games... Xuất sắc hơn, Thanh Tùng đoạt vé chính thức tham dự Olympic Toky 2020 cũng ở nội dung sở trường này. “Những mục tiêu mà tôi đặt ra cho bản thân, cao nhất là dự Olympic, đến lúc này đã đạt được. Bây giờ tôi đặt ra mục tiêu mới, hướng đến tấm huy chương Olympic. Rất khó khăn bởi các đối thủ cực mạnh, nhưng tôi tin nếu tiếp tục khổ luyện và có may mắn đồng hành, tôi sẽ làm được điều gì đó”, Thanh Tùng nói.
Là VĐV TP.HCM nhưng 20 năm qua, thời gian ở nhà của Thanh Tùng còn ít hơn ở Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Thế nhưng chàng trai này vẫn luôn tự hào mình là “dân” thành phố mang tên Bác. Anh vẫn không quên cảm xúc dâng trào khi được tôn vinh Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2017. Ở giải vô địch quốc gia , Đại hội TDTT toàn quốc, Thanh Tùng trở về khoác áo TP.HCM và thi đấu cũng phấn chấn, đầy quyết tâm lẫn đột phá, đạt thành tích cao như 5 HCV ở giải vô địch quốc gia năm 2016, 4 HCV Đại hội TDTT toàn quốc 2018...
Một trong những may mắn của Thanh Tùng ở thời điểm hiện tại là được tập cùng HLV Trương Minh Sang, vốn cũng là cựu VĐV hàng đầu Việt Nam và là đàn anh ở đơn vị TP.HCM. Nhờ có HLV hiểu tâm tính mình nên Thanh Tùng không những giữ được phong độ mà còn ngày càng hoàn thiện kỹ thuật lẫn bản lĩnh thi đấu. Thầy Sang chính là tấm gương để Tùng phấn đấu có được như hôm nay. Anh tự nhủ sau này khi hết sự nghiệp thi đấu đỉnh cao cũng bước vào con đường huấn luyện, truyền đạt lại kinh nghiệm cho các đàn em.

Gánh tạ thay đổi cuộc đời Thạch Kim Tuấn

Những ngôi sao sáng của thể thao TP.HCM

Thạch Kim Tuấn

ẢNH: KHẢ HÒA

Đến với cử tạ để thoát nghèo, chàng trai 26 tuổi dân Bình Thuận nhập cư TP.HCM Thạch Kim Tuấn có được nhiều hơn thế khi liên tiếp gặt hái thành công ở đấu trường quốc tế, có cuộc sống ổn định vợ đẹp con ngoan.
Nhà nghèo, học tới lớp 6 là nghỉ, Kim Tuấn sớm ra đời, vào TP.HCM lập nghiệp. Anh may mắn khi tìm đến cử tạ, gặp được “quý nhân” là HLV Huỳnh Hữu Chí nên được gò nắn thành tài. Lúc mới theo cử tạ, Kim Tuấn nghĩ trong đầu chơi môn này để được hưởng lương, có tiền phụ giúp gia đình. Thế nhưng càng chơi càng đam mê, càng phát triển khiến Kim Tuấn bén duyên luôn với những gánh tạ.
Sau tấm HCV Olympic trẻ năm 2010, Kim Tuấn bắt đầu bứt phá, đoạt HCV trẻ thế giới, HCV SEA Games, HCV châu Á rồi HCV thế giới cùng hàng loạt thành tích chói sáng khác. Lúc này anh cũng nắm chắc trong tay tấm vé tham dự Olympic Tokyo 2020 ở hạng cân 62 kg.
Là VĐV đỉnh cao hiếm hoi không đi tập huấn ở nước ngoài nhưng Kim Tuấn vẫn tiến bộ không ngừng. Với ý chí tập luyện chăm chỉ, kiên trì, không ngại gian khổ, Kim Tuấn từng bước nâng cao thành tích, duy trì phong độ ổn định trong thời gian dài.
Kim Tuấn chia sẻ chính cử tạ đã làm thay đổi cuộc đời anh. “Tôi biết ơn thầy Hữu Chí đã chỉ dạy từ chuyên môn đến cuộc sống. Tôi coi ông như người cha của mình. Nếu không có thầy, không đến với cử tạ, tôi không có được ngày hôm nay”, Kim Tuấn nói. Mục tiêu lớn nhất của Kim Tuấn là săn tấm huy chương Olympic mà anh còn thiếu trong bộ sưu tập.
Từ ngày chơi cử tạ, Kim Tuấn bắt đầu đi học bổ túc văn hóa để lo cho tương lai sau khi giải nghệ. Tiền thưởng từ các danh hiệu, anh dành dụm mua được căn nhà khang trang rồi cưới vợ, sinh con, có cuộc sống đủ đầy hạnh phúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.