Giải quyết hậu quả khi đang chạy đua với thời gian
Nếu đội tuyển điền kinh VN không tập tại sân Mỹ Đình thì có lẽ đường piste của công trình thể thao lớn bậc nhất VN không bị “lộ tẩy” sớm khiếm khuyết dù mới được rót hàng chục tỉ đồng để sửa chữa. Chúng tôi vừa được cung cấp một clip ngắn mô tả chất lượng của đường piste sân Mỹ Đình do đội tuyển điền kinh VN ghi lại. Mặt thảm được phủ nhựa tổng hợp của đường chạy vẫn còn đỏ tươi vì mới được làm lại, nhưng khi VĐV thực hiện động tác kỹ thuật (giậm nhún) thì thấy rõ có độ lún do mất độ kết dính giữa chất phủ và mặt nền. Một số chỗ có dấu hiệu bị phồng rộp và nếu không kịp thời khắc phục ngay sẽ dẫn tới hiện trạng mặt thảm bị hỏng diện rộng.
Tại cuộc họp đầu tiên của Ban tổ chức SEA Games 31 vào cuối tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã nhắc nhở 3 công trình do Bộ VH-TT-DL quản lý gồm sân Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước và Trường bắn Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đang bị chậm tiến độ nên các đơn vị có liên quan phải đẩy nhanh quá trình nâng cấp, cải tạo, nhằm đáp ứng được cả về thời gian lẫn chất lượng trước khi SEA Games 31 khởi tranh. Trong khi sân Mỹ Đình vẫn còn đang phải chờ tiến hành đấu thầu, chọn nhà thầu phù hợp để sửa chữa hệ thống điện tử, các phòng chức năng thì Ban quản lý khu liên hợp sắp tới lại phải làm việc với nhà thầu cũ về việc phải cải tạo lại đường piste vừa được cải tạo (!?). Không rõ nhà thầu sẽ khắc phục, sửa chữa trong bao lâu nhưng rõ ràng, ngành thể thao trong bối cảnh đang phải chạy đua tốc lực với thời gian thì lại phải đi lo giải quyết khắc phục hậu quả do nhà thầu gây ra. Và liệu tình cảnh này có xảy ra trong quá trình tu sửa các công trình khác?
Xin được liệt kê rõ hơn, sẽ có tổng cộng 36 công trình phục vụ SEA Games 31, trong đó ở Hà Nội ngoài khu liên hợp (sân Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước) và trường bắn còn có Trung tâm huấn luyện và thi đấu Hà Nội với Cung điền kinh trong nhà, Khu thể thao dưới nước (bể bơi và bể nhảy cầu), 12 nhà tập đa năng. Các sân thuộc những quận, huyện: Hà Đông, Phúc Thọ, Đan Phượng, Từ Liêm... Các nhà thi đấu: Quần Ngựa, Cầu Giấy, Từ Liêm, Thanh Trì, Hoàng Mai, Gia Lâm, Tây Hồ, Trịnh Hoài Đức, Hà Đông, Sóc Sơn, Hoài Đức... Các công trình do bộ, ngành, trường học quản lý, như Nhà thi đấu của Bộ Công an, Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Sư phạm TDTT Hà Nội... 10 vệ tinh lân cận như Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nam, Hòa Bình...
|
Kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu đấu thầu
Chia sẻ với Báo Thanh Niên, một quan chức ngành thể thao nói: “Cách đây hai năm, sau khi được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương, UBND TP.Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT-DL cùng các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng Đề án tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 trên tinh thần tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, thành công. Sự chuẩn bị cơ sở vật chất cho các đại hội được thực hiện theo hướng tận dụng tối đa những công trình sẵn có, hạn chế xây dựng và mua sắm mới, tăng cường mạnh mẽ xã hội hóa nguồn lực. Nếu việc sửa chữa, cải tạo không đem lại hiệu quả cao thì có khi còn tốn kém hơn cả xây mới. Sự cố vừa xảy ra ở sân Mỹ Đình thực sự khiến chúng tôi lo lắng. Bởi vậy cần phải rà soát thật kỹ, siết chặt hơn nữa quy trình nâng cấp các công trình thể thao phục vụ SEA Games 31. Không thể phó mặc hết cho nhà thầu mà trách nhiệm giám sát còn thuộc về các đơn vị quản lý và của ngành. Chặt chẽ ngay từ khâu tổ chức đấu thầu, cần phải đảm bảo công khai, minh bạch, chọn được nhà thầu có chất lượng, có uy tín, có tâm”.
Vị lãnh đạo này cũng khẳng định: “Với các công trình không do Bộ VH-TT-DL quản lý, chúng tôi cũng đề nghị Sở
VH-TT Hà Nội cùng các địa phương lân cận nêu cao trách nhiệm để các công trình đáp ứng được quy định của Hội đồng thể thao Đông Nam Á. Tất cả các công trình không chỉ phải đạt chất lượng về công năng sử dụng mà còn phải có tính liên thông với phương án giao thông, phương án lễ tân, khánh tiết, phương án hậu cần và dịch vụ công cộng, phương án công nghệ thông tin - truyền thông. Đó là khối lượng công việc cực kỳ nặng nề nên nếu chỉ cần buông lỏng bất kỳ khâu nào, sẽ tác động xấu đến quá trình chuẩn bị của VN. Chúng tôi mong không còn lặp lại tình trạng như kiểu đường piste sân Mỹ Đình. Ngành thể thao sẽ thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là không được lãng phí mà phải đạt hiệu quả tối đa từng đồng vốn của nhà nước, của địa phương hay từ nguồn xã hội hóa”.
Bình luận (0)