Vì sao võ sĩ Muhammad Ali bị Mỹ bỏ tù liên quan chiến tranh Việt Nam?

29/04/2020 19:15 GMT+7

Tháng 4 luôn gợi nhớ đến một sự kiện lịch sử của thể thao khi võ sĩ Muhammad Ali bị tước đai vô địch, kết án tù vì từ chối vào quân đội Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam.

Trong một bài viết đăng tải ngày 28.4, kênh truyền hình Nga RT đã gợi nhớ một sự kiện lịch sử thể thao thế giới về cố võ sĩ vĩ đại Muhammad Ali cách đây 53 năm. Vào ngày 28.4.1967, Muhammad Ali từ chối gia nhập quân đội Mỹ để tham gia chiến tranh Việt Nam khiến ông bị tước giấy phép quyền anh và tất cả đai vô địch thế giới. Tay đấm huyền thoại nói rằng ông không gia nhập quân đội Mỹ vì lương tâm không cho phép, từ đó dẫn đến việc bị kết án 5 năm tù và phạt 10.000 USD. Trong 4 năm sau đó, Muhammad Ali huyền thoại vẫn bảo vệ ý kiến của mình trong mọi hoàn cảnh, trước khi Tòa án Tối cao tuyên án tha bổng ông…

"Tại sao tôi phải bắn họ?"

Năm 1967, Muhammad Ali đang ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp và được coi là một trong những võ sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử quyền anh thế giới. Lúc bấy giờ, ông đã thắng 29 trận liên tiếp và giữ các đai vô địch WBA, WBC và The Ring hạng nặng thế giới. Tuy nhiên, vào cuối tháng 4.1967, sự nghiệp thăng hoa của ông gặp nguy hiểm: Muhammad Ali đã từ chối tuyên thệ phục vụ trong quân đội Mỹ dẫn đến không chỉ bị tước danh hiệu, mà còn không còn cơ hội duy trì sự nghiệp đỉnh cao của mình.

Bất chấp sự nghiệp và cuộc sống gặp nguy, võ sĩ Muhammad Ali (giữa) vẫn từ chối gia nhập quân đội Mỹ

AFP

Theo RT, trước đó, vào năm 1966, chủ đề về nghĩa vụ quân sự đã đẩy sự nghiệp của Muhammad Ali đứng trước những viễn cảnh “không bến bờ”. Lý do là sau một bài kiểm tra IQ, chỉ số của ông chỉ là 78. Ban đầu, công chúng không tin vào các số liệu được công bố, nhưng sau đó đã được xác nhận trong quá trình nghiên cứu thứ hai. Do đó, Muhammad Ali đã không vượt qua bài kiểm tra và được tuyên bố là không phù hợp tiêu chí phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Mỹ. Tuy nhiên, sau khi cập nhật các tiêu chí lựa chọn, trạng thái của võ sĩ huyền thoại đã được đổi thành phù hợp với việc gia nhập quân đội Mỹ.
Kể từ lúc đó, Muhammad Ali phải chịu áp lực liên tục. Các nhà báo thường xuyên phỏng vấn ông những câu hỏi về chiến tranh Việt Nam, và tay đấm huyền thoại không bao giờ từ chối nói về quan điểm của mình. Muhammad Ali vẫn luôn hùng hồn tuyên bố rằng ông là một người theo chủ nghĩa hòa bình và thấy không có lý do gì để gây chiến với người khác, vì tất cả họ đều là anh em.
“Lương tâm không cho phép tôi bắn vào những người anh em của mình, những người có màu da khác, hay những người nghèo khổ, đói khát vì lợi ích của nước Mỹ lớn mạnh. Tôi giết họ để làm gì? Họ không bao giờ gọi tôi là nigga (một cách miệt thị người da đen), họ không tước đoạt quốc tịch của tôi, họ đã không cưỡng hiếp và giết cha mẹ tôi ... Tại sao tôi lại giết họ? Làm thế nào tôi có thể cầm súng bắn những người nghèo khó? Tốt nhất nên bỏ tôi vào tù”, Ali luôn khẳng khái nói trước báo giới về việc ông từ chối phục vụ quân đội Mỹ giữa lúc chiến tranh tại Việt Nam đang căng thẳng.

Từ chối tuyên thệ

Trước thời điểm từ chối gia nhập quân đội Mỹ, Muhammad Ali vẫn đang ở đỉnh cao sự nghiệp và cố gắng bảo vệ đai vô địch quyền anh hạng nặng thế giới của mình. Trong giai đoạn từ năm 1966 đến 1967, Muhammad Ali đã thắng 7 cuộc đấu lớn ở những cuộc thượng đài bên ngoài biên giới Mỹ như Canada, Anh, Đức… Từ tháng 1 đến 3.1967, ông đã bổ sung thêm 3 trận thắng vào bộ sưu tập sự nghiệp của mình, trong đó, lần cuối cùng tay đấm huyền thoại Mỹ hạ gục Zora Folly. Nhưng hóa ra, cuộc thượng đài ấy là cuộc đấu cuối cùng của Muhammad Ali trong thập niên đó.

Muhammad Ali (phải) mạnh mẽ trên sàn đấu nhưng luôn theo đuổi chủ nghĩa hòa bình

AFP

Sau những trận thắng, Muhammad Ali ngày càng bắt đầu lo lắng về vấn đề nghĩa vụ quân sự, và vào ngày 28.4.1967, ông phải đến trung tâm chỉ huy của Lực lượng Vũ trang Mỹ ở Houston để tuyên thệ. Nhưng ngay trước lúc đến phiên mình tuyên thệ, Muhammad Ali đã bất ngờ từ chối. Lúc đầu, họ nghĩ rằng tay đấm huyền thoại không tuyên thệ vì ông được gọi tên Cassius Clay (tên cũ của Muhammad Ali trước khi thay đổi để theo đạo Hồi - theo RT). Nhưng sau đó, khi được gọi tên mới, Muhammad Ali vẫn một mực từ chối tuyên thệ.
Khi nhớ lại trong cuốn tự truyện của mình, Muhammad Ali kể rằng ông bị đưa đến một phòng riêng và bị cảnh báo việc từ chối thực hiện lời tuyên thể sẽ khiến ông phải đối mặt với án tù 5 năm và một khoản tiền phạt đáng kể. Sau đó, nhà vô địch quyền anh hạng nặng trở lại để thực hiện lời tuyên thệ, nhưng một lần nữa khi nghe tên mình, Muhammad Ali vẫn không phản ứng. Ông bị đe dọa giam giữ, nhưng tạm thoát được hình phạt. Trong một lần giải thích, Muhammad Ali chỉ ra rằng ông là một nhà truyền giáo Hồi giáo, do đó đã từ chối phục vụ trong quân đội. Cùng ngày, Muhammed Ali được thả về nhà.
Thế nhưng quyết định từ chối tuyên thệ đã khiến sự nghiệp của Muhammad Ali gặp nguy. Bởi sau đó, Ủy ban thể thao New York đã tước giấy phép quyền anh và đai vô địch Hiệp hội quyền anh thế giới (WBA). Ngoài ra, ông tiếp tục đối mặt với một bản án vì trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Thất bại trước tòa và được đối thủ Joe Frazier giải cứu

Vào ngày 20.6.1967, một phiên tòa xét xử vụ Muhammad Ali đã được tổ chức tại Houston. Ông bị kết án 5 năm tù và bị phạt 10.000 USD. Ngay sau khi bị tuyên án, ông đã kháng cáo nhưng đã bị từ chối, và các phiên điều trần về vụ án của võ sĩ huyền thoại phải chờ phán xử tại Tòa án Tối cao Mỹ.
Việc xem xét vụ Muhammad Ali kéo dài trong nhiều năm, nên ông không thể thượng đài để có những khoản tiền trang trải chi phí. Tình hình tài chính của võ sĩ huyền thoại lúc bấy giờ được mô tả là “thảm họa” bởi số tiền kiếm được trong các cuộc đấu trước đó đã cạn kiệt nhanh chóng. Trong thời điểm khó khăn nhất, Muhammad Ali đã được giải cứu bởi một người mà sau này trở thành đối thủ chính của ông: Joe Frazier - cũng là một trong những võ sĩ huyền thoại của Mỹ.

Joe Frazier (trái), "ân nhân" và đối thủ lớn nhất của Ali

CHỤP MÀN HÌNH

Khi Muhammad Ali mất giấy phép và bị đình chỉ thi đấu trong 3 năm, Frazier đã hỗ trợ ông. Joe Frazier đã cảm thông và ông cho rằng đã hỗ trợ Muhammad Ali nhân danh tôn giáo, ông Dave Woolf, thành viên nhóm Frazier cho biết. Frazier đã giúp đồng nghiệp của mình không chỉ về mặt tinh thần mà còn cả về tài chính. Một thành viên khác trong nhóm của Frazier, Butch Lewis, từng nói rằng ông đã chứng kiến Joe trao tiền hỗ trợ cho Muhammad Ali.
“Vì một số công việc, Joe và tôi đã đến New York. Muhammad Ali sau đó sống ở Sheraton. Chúng tôi đã vào một chiếc xe limousine. Sau đó, mọi thứ là như thế này: Tôi đang ngồi trong một chiếc limousine, một bên là Frazier, một bên là Ali. Họ gọi nhau là nhà vô địch. Tôi lấy tiền và dĩ nhiên, tôi không cố đưa nó cho Ali, nhưng tôi giả vờ rằng đó là một khoản vay, và bỏ vào túi áo ngực của anh ấy (Muhammad Ali). Frazier nói: “Chỉ cần cho tôi biết làm thế nào tôi có thể giúp bạn cho đến khi bạn lấy lại được giấy phép. Tất cả những điều này sẽ là bí mật giữa chúng ta - trong chiếc limousine này”, Lewis kể lại.

Phán quyết của tòa án và trận chiến mới

Mặc dù không có giấy phép, năm 1970 Muhammad Ali vẫn trở lại sàn đấu chuyên nghiệp. Nó diễn ra ở Atlanta 3 năm sau trận đấu với Folly. Giấy phép được trao cho Muhammad Ali bởi chính quyền Atlanta, và Jerry Quarry trẻ tuổi trở thành đối thủ của ông. Cuộc đấu tay đôi chỉ kéo dài 3 hiệp khi đối thủ của Muhammad Ali bị chảy máu và trọng tài quyết định dừng cuộc đấu.
Một tháng rưỡi sau, Muhammad Ali lại bước lên võ đài tại Madison Square Garden. Tòa án Liên bang Mỹ phán quyết rằng Ủy ban Thể thao Nhà nước (NSAC) không có quyền thu hồi giấy phép của một võ sĩ trong thời gian kháng cáo, và cho phép Muhammad Ali thi đấu tại thành phố New York.

Muhammad Ali được tôn vinh là một nhân vật vĩ đại không chỉ trên sàn đấu

AFP

“The Greatest" (biệt danh của Muhammad Ali) đã nắm lấy cơ hội này và giành được danh hiệu thế giới còn trống theo Liên đoàn Quyền anh Bắc Mỹ khi hạ gục Oscar Bonaven của Argentina, rồi thách đấu Frazier. Cuộc đấu giữa Muhammad Ali và Joe Frazier vào ngày 8.3.1971 giữa 2 võ sĩ bất bại tại Madison Square Garden được ví là “cuộc đấu thế kỷ”. Muhammad Ali đã thua “ân nhân” của mình bằng tính điểm nhưng kể từ thất bại đầu tiên trong sự nghiệp, “The Greatest" bắt đầu hành trình mới để trở nên vĩ đại.
Vào ngày 28.6.1971, Tòa án Tối cao Mỹ đã quyết định hủy bản án có tội đối với Muhammad Ali. Sự kiện Muhammad Ali từ chối gia nhập quân đội Mỹ để tham gia chiến tranh Việt Nam trở thành một giai thoại trong lịch sử quyền anh thế giới. Muhammad Ali sau đó “báo thù” Frazier trong 2 cuộc tái đấu nhưng ông đã tôn vinh đối thủ của mình là “chiến binh vĩ đại nhất mọi thời đại”.
Ngày 6.3.2016, Muhammad Ali qua đời ở tuổi 74. Ông được tôn vinh là một trong những nhân vật thể thao nổi tiếng có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 và là võ sĩ quyền anh vĩ đại nhất mọi thời đại với một thành tích sự nghiệp đồ sộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.