Từ năm 2018 trở về trước, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) áp dụng bốc thăm chia các đội dự tranh giải vô địch quốc gia (VĐQG) vào 2 bảng A và B, tên các đội trong mỗi bảng đã bốc thăm giữ nguyên thi đấu cả vòng 1 và vòng 2. Thể thức này làm cho các trận đấu ít hấp dẫn người xem do tình trạng các đội trong bảng sẽ gặp lại đúng các đội đã cùng thi đấu trong vòng 1 nên có những "tính toán qua lại" theo hướng tiêu cực. Qua vòng 2 lúc đó thường có một số trận thi đấu không đúng sức mà chỉ chọn việc nhường điểm sao để có lợi cho "đồng minh" của mình.
Đến mùa giải 2019, VFV quy định khi có kết quả vòng 1, đội có thứ hạng 1, 3 và 5 bảng A cùng với đội có thứ hạng 2 và 4 bảng B tạo thành bảng C (bảng mới); các đội còn lại tạo thành bảng D mới khác. Quy định này đã có hiệu quả ngay từ vòng 1, nhiều trận thi đấu tích cực hơn trước vì không biết vòng 2 đội mình sẽ thi đấu với "đội mới" nào và có thể không còn "đồng minh cũ" ở bảng mới nữa nên phải cố gắng tất cả các trận từ đầu. Mùa giải 2020 vừa kết thúc tiếp tục áp dụng quy định mới từ mùa 2019, hầu như trận đấu nào cũng thi đấu quyết liệt, hấp dẫn khán giả đến dự xem đông đảo ở nhà thi đấu Đắk Lắk và Khánh Hòa.
Tuy vậy, nếu tinh ý một chút vẫn nhận ra còn một ít trận đấu ở ngày kết thúc vòng 2 giải VĐQG năm 2020 vẫn còn có hiện tượng "cứu bồ" khi có đội đã đủ điều kiện đạt mục tiêu đặt ra gặp đội chưa đạt yêu cầu. Có thể do thấy được "kẻ hở" này, sau khi kết thúc vòng 2, thay vì xếp thứ hạng trong từng bảng gồm 5 đội/ bảng (nam bảng C, nam D, nữ C, nữ D) dựa theo tổng kết quả kỹ thuật 2 vòng (so kè từng trận thắng, hiệp thắng, điểm thắng…), điều lệ tổ chức giải VĐQG năm 2021 quy định mở rộng xếp hạng luôn cho 10 đội nam và 10 đội nữ. Vòng bán kết năm 2020 quy định diễn ra giữa hai cặp đấu chéo (nhất C gặp nhì D, nhất D gặp nhì C) thì điều lệ năm 2021 lại ghi rõ: "Các đội xếp hạng từ 1 – 4 vào vòng chung kết theo 2 cặp đấu: hạng nhất gặp hạng 4 (bán kết 1) và hạng nhì gặp hạng 3 (bán kết 2)".
|
Đó chính là mấu chốt của sự thay đổi buộc mỗi đội đều phải thi đấu tích cực hơn nữa trong tất cả các trận đấu; bởi vì nếu mùa giải 2020 chắc chắn có 2 đội bảng C và 2 đội bảng D vào bán kết thì vào bán kết năm 2021 tỷ lệ đó có thể thay đổi thành 3/1 hoặc 1/3, thậm chí còn có thể 4/0 hoặc 0/4 tùy theo thực tế thi đấu của hai bảng. Tương tự, việc chọn ra đúng đội phải bị xuống hạng A cũng công bằng hơn khi cả 4 đội tranh trụ hạng từ hạng 7 đến hạng10 (hạng 5 và hạng 6 được giữ nguyên và cùng trụ hạng sớm) sẽ đấu xếp hạng theo 2 cặp đấu: hạng 7 gặp hạng 10, hạng 8 gặp hạng 9 (hai đội thua của hai trận đấu trên sẽ thi đấu tiếp và đội thua ở trận cuối cùng này là đội duy nhất xuống hạng A)
Cũng theo điều lệ giải VĐQG 2021 vừa được VFV công bố, vòng 1 năm nay sẽ tranh từ ngày 17 – 21.3 tại nhà thi đấu Đại Yên (Quảng Ninh) và Gia Lâm (Hà Nội - thay cho tỉnh Yên Bái như dự kiến ban đầu). Có 20 đội thi đấu vòng 1 gồm 10 đội nam là Sanest Khánh Hòa, TP.HCM, Tràng An Ninh Bình, Biên Phòng, Thể Công, Hà Tĩnh, Long An, VLXD Bình Dương, Hà Nội và Bến Tre cùng 10 đội nữ là Thông tin LienVietPostBank, Hóa Chất Đức Giang Hà Nội, Kinh Bắc Bắc Ninh, Ngân hàng Công Thương, VTV Bình Điền Long An, Than Quảng Ninh, Đắk Lắk, Truyền hình Vĩnh Long, Hải Tiến Thanh Hóa và Thái Bình. Các đội sẽ bốc thăm vào bảng A thi đấu tại Quảng Ninh và bảng B thi đấu tại Hà Nội. Kết thúc vòng 1, các đội nhất và nhì (nam và nữ) của 2 bảng được dự tranh Cúp Hùng Vương tại Phú Thọ từ ngày 25 - 28.3.
|
Vòng 2 thi đấu từ 14 – 18.12. Căn cứ kết quả vòng 1, sẽ có hai bảng mới là bảng C thi đấu tại Quảng Nam và bảng D gồm các đội còn lại thi đấu tại Đắk Nông. Vòng chung kết và xếp hạng tranh từ 22 – 25.12 dành cho các đội nữ tại Quảng Nam và các đội nam tại Đắk Nông.
Bình luận (0)