Trong bối cảnh căng thẳng bao trùm Trung Đông, Lầu Năm Góc đã bổ sung khoảng 4.500 quân đến Iraq và Kuwait, tăng viện cho lực lượng đông đảo tại đây.
Tổng cộng có khoảng 4.000 quân, tương đương một lữ đoàn, của Sư đoàn dù số 82 đóng tại căn cứ Fort Bragg, bang Bắc Carolina, đã lên đường đến Kuwait, theo báo The New York Times. Đây là bộ phận trực thuộc lực lượng phản ứng toàn cầu, luôn sẵn sàng trực chiến trong trường hợp khẩn cấp. Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ không nêu tên nhận định việc điều động thành viên của Sư đoàn dù số 82 và các lực lượng bộ binh khác nhằm mục đích phòng vệ, cho phép nhanh chóng điều quân bảo vệ các cơ sở ngoại giao và căn cứ quân sự của Mỹ tại Trung Đông.
Khoảng 100 lính nhảy dù của Đội chiến đấu Lữ đoàn dù số 173, đồn trú tại căn cứ Vicenza (Ý), cũng tiếp nhận mệnh lệnh đến Trung Đông, theo báo Stars and Stripes dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ.
Quan chức này lưu ý trong trường hợp bùng nổ xung đột với Iran, phương án hiện tại loại trừ khả năng đổ bộ rầm rộ như cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 hoặc cuộc đưa quân tấn công Iraq năm 2003. Thay vào đó, Mỹ chủ yếu dựa vào không quân và hải quân, cũng như chiến lược tấn công mạng, nhằm vào các mục tiêu của Iran hoặc lực lượng ủy nhiệm của Iran. Những đơn vị khác bao gồm khoảng 100 lính thủy đánh bộ của Tiểu đoàn số 2 thuộc Trung đoàn thủy quân lục chiến số 7; một đại đội biệt kích tinh nhuệ của Bộ Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt hỗn hợp.
Bên cạnh đó, lực lượng viễn chinh lính thủy đánh bộ số 26 đang có mặt trên nhóm tàu đổ bộ Bataan hướng về Trung Đông và sẽ sớm đến Hồng Hải, theo trang USNI News.
Theo Đài CNN, hiện có từ 45.000 đến 65.000 lính Mỹ (dao động tùy theo ngày) được triển khai đến Ả Rập Xê Út và các quốc gia khác ở vịnh Ba Tư, bao gồm khoảng 5.000 quân ở Iraq và từ 500 - 1.000 lính ở Syria. Kể từ tháng 5.2019, Lầu Năm Góc đã điều động thêm khoảng 14.000 lính đến vùng Vịnh, kể cả lực lượng 3.500 người tăng viện cho Ả Rập Xê Út.
Các khí tài được bổ sung bao gồm máy bay cảnh báo sớm, máy bay tuần tra trên biển, các khẩu đội phòng không và hệ thống tên lửa Patriot, các máy bay ném bom B-52, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S.Truman, máy bay chiến đấu không người lái Reaper và lực lượng công binh, hậu cần.
Bên cạnh đó, khoảng 1.700 lính Mỹ đang trú đóng tại Thổ Nhĩ Kỳ, đa số ở căn cứ không quân Incirlik. Còn Bahrain là nơi đặt tổng hành dinh của Hạm đội 5 thuộc hải quân Mỹ. Ở Qatar, khoảng 10.000 lính đang hiện diện tại căn cứ Al Udeid, đóng vai trò là đầu não cho các chiến dịch của không quân Mỹ tại khu vực. Đây cũng là nơi đặt phi đội máy bay tiếp liệu, cũng như máy bay trinh sát và các oanh tạc cơ được luân chuyển.
Theo Đài Fox News ngày 8.1, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S.Truman đã vào vị trí trên vịnh Oman, ngõ vào vịnh Ba Tư, cùng với các tàu khu trục mang theo tên lửa dẫn đường, tàu tuần duyên và ít nhất một tàu ngầm.
Các chiến hạm của hải quân Mỹ, cùng với tàu ngầm, tổng cộng mang theo hàng trăm tên lửa hành trình Tomahawk và đã nhắm vào các mục tiêu hoạch định sẵn trước đó. Nhóm tàu này sẵn sàng khai hỏa ngay khi nhận được mệnh lệnh, theo Fox News dẫn lời hai quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc.
Bình luận (0)