Ngày 14.9, Bộ Y tế mới lần đầu tiên chủ trì cuộc họp chính thức với nhóm chuyên gia công nghệ của đơn vị cung cấp phần mềm Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 và Sổ sức khỏe điện tử, bàn về việc sửa lỗi cũng như những trục trặc dữ liệu của hệ thống. Rắc rối lớn nhất liên quan việc chưa được cập nhật thông tin, chủ yếu xảy ra tại Hà Nội và TP.HCM, là mất dữ liệu tiêm chủng, không tìm thấy dữ liệu đã tiêm hoặc không tìm thấy địa điểm tiêm chủng để gửi phản hồi.
Nguyên nhân có thể do các cơ sở tiêm chủng, do tập trung tiêm nhanh, lại trong điều kiện hạn chế của giãn cách nên chủ yếu lưu hồ sơ giấy, không cập nhật lên hệ thống. Nhưng, ngay việc cập nhật dữ liệu nền cũng còn thiếu và hạn chế, chẳng hạn, theo Bộ Y tế, cả nước hiện có 18.000 điểm tiêm chủng, nhưng hệ thống chỉ ghi nhận có 9.000 điểm; các địa phương không có tài khoản để truy cập kiểm tra hồ sơ đăng ký tiêm chủng của người dân (nên mới có tình trạng, người dân vào Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 đăng ký mà không nhận được phản hồi, không có lịch tiêm…).
Thực ra, với trình độ của các tập đoàn công nghệ của Việt Nam hiện nay, việc viết một phần mềm, một ứng dụng đáp ứng nhu cầu trên là không khó. Bằng chứng là chỉ trong một thời gian ngắn, hiện chúng ta đã có cả chục website, app liên quan đến phòng, chống Covid-19. Nhưng để vận hành nó một cách thông suốt, thuận tiện cho người sử dụng và có tính ứng dụng cao thì lại không phải là công việc của người làm công nghệ. Mọi phần mềm viết ra phải trên cơ sở đầu bài, yêu cầu, mục đích và tính pháp lý rõ ràng từ các cơ quan chuyên môn.
Bộ Y tế yêu cầu đến 20.9, dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 phải được cập nhật đầy đủ trên Cổng thông tin tiêm chủng, nhưng đây là một yêu cầu không có chế tài, và không biết làm cách nào có thể hoàn thành.
Cũng giống như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải nhanh chóng tích hợp dữ liệu để sử dụng chung các thông tin liên quan đến phòng, chống Covid-19, đây không chỉ đơn giản là việc tạo thuận lợi cho người dân mà chính là giúp cho công việc điều hành, lên kế hoạch, quản lý công tác phòng, chống dịch của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, việc tích hợp hẳn cũng không dễ.
Cho đến hôm qua 15.9, Bộ Y tế cho biết Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 hiện mới đang hoạt động như một kho dữ liệu, để đưa nó vào ứng dụng, dùng để cấp chứng nhận thẻ xanh, thẻ vàng; xa hơn nữa là phải kết nối liên thông với hệ thống chứng nhận tiêm theo tiêu chuẩn EU và WHO (phục vụ hộ chiếu vắc xin) thì cần phải có quy định mang tính pháp lý.
Muốn như vậy, phần mềm dữ liệu này sẽ phải được các cấp thẩm quyền thẩm định và phê duyệt chính thức (công nhận hợp pháp). Ngoài dữ liệu cần cập nhật đầy đủ như nói ở trên, nó cần phải bảo đảm được tính xác thực thông tin, có công cụ chống gian lận, giả mạo, có tính năng truy xuất nguồn gốc… Và việc này thì lại không chỉ một mình Bộ Y tế làm được.
Bình luận (0)