Phim The Zone of Interest chuyển thể từ quyển tiểu thuyết cùng tên của nhà văn quá cố Martin Amis, xuất bản năm 2014. Câu chuyện xoay quanh gia đình viên chỉ huy quản trại Auschwitz - biểu tượng tội ác Thế chiến thứ hai của Đức Quốc xã - là Rudolf Höss (Christian Friedel đóng) và bà vợ Hedwig (Sandra Hüller) đang cùng con cái họ tận hưởng những ngày viên mãn sát bên trại tập trung.
Tác phẩm thách thức về đạo đức
Phim The Zone of Interest ra đời sau tác phẩm về nạn diệt chủng Do Thái là Son of Saul (2015) và tròn 2 thập niên kể từ Schindler's List (1993). Hai phim trước đây từng đưa lên màn ảnh những chi tiết gây ám ảnh diễn ra bên trong trại Auschwitz, nhưng đến The Zone of Interest, các nhà làm phim di chuyển điểm nhìn sang ngôi nhà tinh tươm sang trọng của vợ chồng viên chỉ huy Rudolf Höss.
Ngôi nhà này nằm cạnh trại tập trung, được phân cách bằng một bức tường, nơi hằng ngày các lò thiêu xác đỏ lửa liên tục và các cuộc tra tấn, hành hình diễn ra xuyên suốt, từ người lớn đến trẻ em. Thế nhưng, gia đình Rudolf Höss vẫn rất hạnh phúc. Họ sinh hoạt, vui chơi, mở tiệc picnic cạnh trại như không có bất kỳ chuyện gì diễn ra, trừ một việc - âm thanh tù nhân la hét, âm thanh các lò thiêu, tiếng xe lửa xình xịch chở người Do Thái vào trại để chết… - tràn vào gia đình này, len lỏi trong từng âm thanh mà các thành viên nhà này phát ra.
Có nhiều chi tiết đắt giá trong phim, đó là cảnh các viên tướng ngồi bàn về cách thức hoạt động của lò thiêu, đồ đạc của tù nhân được đặt trên một xe cút kít chuyển về nhà này và đám đàn bà tranh nhau lấy, hay đứa con của họ nằm rọi đèn pin để xem răng người… Mặc dù phim không có bất kỳ cảnh tra tấn và hành quyết nào trực tiếp, nhưng sự đối lập về bối cảnh, về đạo đức này đã khiến The Zone of Interest trở thành tác phẩm "thách thức" khán giả vì vô cùng chân thực.
Bản chuyển thể xuất sắc
Điều mà Jonathan Glazer hấp thụ và chuyển thể The Zone of Interest của Martin Amis đó là tính chân xác lịch sử và sự kinh dị thoáng ẩn hiện trong suốt các khung hình. Đạo diễn kiêm biên kịch này đã phá vỡ cấu trúc truyện kể, thay tên nhân vật của Martin Amis và chọn điều mình quan tâm để đưa lên phim - cái ác được nhìn nhận theo chiều kích khác, tức không phải ngay nơi cái ác diễn ra mà ở cạnh bên nó, và đó là vì sao mà gia đình viên chỉ huy Rudolf Höss sống cạnh trại đã được chọn để kể.
Jonathan Glazer đã kể câu chuyện một cách điềm tĩnh, lạnh nhưng sắc, về một trong những thảm họa diệt chủng tồi tệ nhất của nhân loại. Tác phẩm của Jonathan Glazer, như giới phê bình phương Tây nhận xét, là ngoài nhắc nhớ về một giai đoạn lịch sử tồi tệ, về một nơi đạo đức bị bỏ quên, tác phẩm chuyển thể này còn nhắc nhở rằng cái ác vẫn luôn diễn ra, điều quan trọng là ta nhìn nhận, đối mặt với nó như thế nào.
Bình luận (0)