Thêm 1 trường của ĐH Quốc gia TP.HCM tự chủ, học phí tăng gấp đôi

29/05/2022 17:03 GMT+7

Thêm một trường ĐH thành viên thuộc hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM chuyển qua loại hình tự chủ, học phí tăng gấp đôi vào năm học 2022-2023.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM là một trong các điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay

HÀ ÁNH

Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM vừa công bố thông tin về đề án đổi mới cơ chế hoạt động được ĐH Quốc gia TP.HCM phê duyệt, trong đó có thông tin học phí.

Theo đề án này, hoạt động của trường sẽ thay đổi về nhiều mặt từ tổ chức bộ máy, đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính… Trong đó, riêng về tài chính, trường tự đề xuất mô hình tự chủ tài chính đảm bảo chi thường xuyên.

Từ năm học 2022-2023, học phí các ngành của trường sẽ tăng mạnh so với trước đó. Theo thông tin được công bố, học phí được chia thành nhiều mức theo ngành, chương trình đào tạo khác nhau.

Mức học phí thấp nhất là 21,5 triệu đồng/năm áp dụng cho chương trình đại trà gồm các ngành: quản lý tài nguyên và môi trường, kỹ thuật địa chất, kỹ thuật hạt nhân, công nghệ kỹ thuật môi trường, khoa học môi trường, hải dương học, địa chất học, vật lý học.

Trường đại học nào có học phí cao nhất Việt Nam?

Kế đến, nhiều ngành có mức thu 27 triệu đồng/năm gồm: sinh học, công nghệ sinh học, hoá học, khoa học vật liệu, nhóm ngành toán học - toán tin - toán ứng dụng, khoa học dữ liệu, nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, kỹ thuật điện tử - viễn thông, vật lý y khoa.

Các ngành thuộc chương trình chất lượng cao và chương trình tiên tiến có mức thu cao hơn. Trong đó, cao nhất là công nghệ kỹ thuật hoá học (chất lượng cao) với 47,3 triệu đồng/năm. Tiếp theo ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) 47 triệu đồng/năm; công nghệ thông tin (chất lượng cao) 34,8 triệu đồng/ năm; kỹ thuật điện tử - viễn thông (chất lượng cao) 32 triệu đồng/năm.

Các ngành chất lượng cao cùng có mức thu 40 triệu đồng/năm gồm: sinh học, công nghệ sinh học, hoá học, khoa học môi trường.

Như vậy, chỉ riêng chương trình đại trà, học phí các ngành của trường này trong năm học tới sẽ tăng gấp đôi so với trước đó (năm học 2021-2022 học phí 11,7 triệu đồng/năm).

Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin-Truyền thông trường này, cho biết học phí này chỉ áp dụng cho sinh viên trúng tuyển năm học 2022-2023. Cùng với điều chỉnh học phí, trường có quỹ học bổng khuyến khích học tập khoảng 26 tỉ đồng và các chương trình học bổng, tài trợ bên ngoài hỗ trợ sinh viên. Riêng với các ngành khoa học cơ bản, trường có chính sách khen thưởng sinh viên đầu vào từ khoá tuyển sinh 2022.

“Ngoài chương trình vay tín dụng lãi suất 0% từ Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM, trường đang làm việc với các ngân hàng để mở rộng phạm vi vay tín dụng cho sinh viên”, thạc sĩ Vũ thông tin thêm.

Đến thời điểm này, ngoại trừ Trường ĐH An Giang, các đơn vị thành viên khác trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM đã chính thức chuyển sang tự chủ.

Trước đó, tháng 7.2020, Hội đồng ĐH Quốc gia TP.HCM chính thức thông qua đề án đổi mới cơ chế hoạt động của 3 trường ĐH thành viên gồm: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Trường ĐH Kinh tế - luật. Từ năm 2007, Trường ĐH Quốc tế đã xây dựng thành công cơ chế tự chủ tài chính. Đầu năm nay, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cũng chính thức chuyển đổi cơ chế hoạt động sang loại hình tự chủ.

Như vậy, tính cả Trường ĐH Khoa học tự nhiên thì đến thời điểm này ĐH Quốc gia TP.HCM đã có 6 trong số 7 trường ĐH thành viên thực hiện tự chủ (ngoại trừ Trường ĐH An Giang).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.