|
Thế nhưng vấn đề là những hệ thống bài thi này có thật sự cần thiết cho phần đông học sinh?
Thi TOEFL để làm gì ?
Khác với suy nghĩ thông thường, kỳ thi TOEFL thật ra không chỉ dành riêng cho các học sinh chuẩn bị đi du học. Ở mức độ ít phổ biến hơn, Viện Khảo thí giáo dục Mỹ (ETS) còn biên soạn loại bài thi TOEFL Junior dành cho học sinh từ 11 tuổi trở lên và sắp giới thiệu loại bài thi TOEFL Primary dành cho học sinh từ 8 tuổi trở lên vào cuối năm 2013 (đến nay chưa tổ chức thi chính thức ở nước nào cả, chỉ mới là thi thử).
Tuy nhiên câu hỏi cần đặt ra ở đây là nghe thì hay nhưng thi để làm gì?
Thứ nhất, các kỳ thi TOEFL chủ yếu dùng để đánh giá trình độ tiếng Anh của học sinh, xem có đủ năng lực ngoại ngữ để theo học những khóa học mà ngôn ngữ giảng dạy chính là tiếng Anh. Vì thế, thi TOEFL chủ yếu dành cho học sinh sẽ học đại học, trung học hay tiểu học, nơi tiếng Anh được làm ngôn ngữ giảng dạy, kể cả các môn toán, khoa học, lịch sử, địa lý... Cái này ít có áp dụng ở Việt Nam ngoại trừ dùng để đi du học hay vào học ở các trường quốc tế thật sự.
Thứ hai, để cạnh tranh, Viện ETS cũng cố gắng sắp xếp sao cho điểm của các kỳ thi TOEFL được dùng để đối chiếu với Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung châu u (CEFR) như A1, B2, C1. Trước đây học sinh chỉ có các kỳ thi của Cambridge, nay có thể thi của TOEFL vì cả hai đều đã có khung điểm đối chiếu thi cái gì, được bao nhiêu điểm thì đạt các chuẩn này… Đây có lẽ là lý do chính vì sao kỳ thi TOEFL được giới thiệu vào trường học Việt Nam.
Trước hết phải đổi mới cách học, cách dạy
Sẽ có nhiều lập luận cho rằng phải khảo sát xem học sinh đạt chuẩn châu u chưa như là một bước triển khai đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" ban hành từ năm 2008. Nhưng nếu chịu khó đọc lại đề án này thì điều được nhấn mạnh là làm sao đổi mới toàn diện việc học và dạy ngoại ngữ chứ hoàn toàn không phải chuyện khảo sát trình độ ngoại ngữ của học sinh. Nếu cứ chăm chăm vào chuyện tổ chức các kỳ thi hết MOVERS, FLYERS nay đến TOEFL Primary cho học sinh tiểu học thì phải nói thẳng, đó là biểu hiện của "thương mại hóa" một chủ trương giáo dục chứ không phải là đổi mới gì cả.
Lẽ ra nhiệm vụ của ngành giáo dục là làm sao đổi mới cách học, cách dạy, cách kiểm tra bộ môn tiếng Anh ở nhà trường; làm sao tập huấn cho giáo viên biết dạy cho học sinh cả 4 kỹ năng thay vì chăm chăm dạy ngữ pháp và dịch như ngày xưa. Làm sao ra bài thi học kỳ, bài thi cuối cấp đúng với các chuẩn mực mà các hệ thống thi cử Cambridge hay TOEFL đã minh chứng thì từ đó việc thi sẽ quay lại tác động lên cách học cách dạy. Cứ chăm chăm chuyện đưa các kỳ thi khảo sát tiếng Anh, kể cả mới nhất là TOEFL (mà kết quả chỉ có giá trị trong 2 năm) vào nhà trường là gây sức ép lên túi tiền của phụ huynh, tạo gánh nặng tâm lý cho học sinh, làm lệch mục đích học tập và làm méo mó môi trường giáo dục khi cùng một trường, lớp lại có đủ loại lớp học tiếng Anh, tạo cảm giác bất bình đẳng, phân biệt đối xử.
Việc khảo sát trình độ tiếng Anh của thầy cô giáo bằng các kỳ thi quốc tế, dù là bước đi cần thiết cũng đã gây biết bao bức xúc trong cộng đồng giáo viên. Nay cứ giới thiệu hết loại hệ thống bài thi này đến hệ thống bài thi khác vào nhà trường trong khi mục đích không rõ thì đó là việc làm trái ngược: thay vì nâng cao trình độ tiếng Anh của học sinh thì cứ chăm chăm khảo sát cái trình độ đó, có phải là chuyện ngược đời không?
Đưa các kỳ thi này vào nhà trường cũng là gián tiếp phủ nhận khả năng đánh giá của các loại bài kiểm tra hiện nay, trái với tinh thần của bản đề án nói trên là “Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá trong đào tạo ngoại ngữ; xây dựng các dữ liệu ngân hàng câu hỏi, phục vụ cho việc kiểm tra, đánh giá trình độ ngoại ngữ của người học”.
Yêu cầu đổi mới dạy và học ngoại ngữ Đổi mới dạy và học ngoại ngữ phải bao gồm các giải pháp chất lượng và số lượng. Các giải pháp chất lượng gồm những đổi mới về các khía cạnh như hoàn thiện chương trình, sách giáo khoa, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, tăng cường trang thiết bị, đổi mới kiểm tra đánh giá... Trong khi đó, các giải pháp số lượng bao gồm việc tăng thêm số tiết dạy và học ngoại ngữ ở từng cấp học, trình độ đào tạo, xem xét việc triển khai dạy và học ngoại ngữ ở lứa tuổi và cấp học thấp hơn. (Trích đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”) |
Nguyễn Vạn Phú
Bình luận (0)