Thèm chút gió qua ngã tư bốn quận

22/02/2020 08:23 GMT+7

Ngã tư Phú Nhuận, một giao lộ khó quên mỗi khi đến Sài Gòn, bởi nơi này là chỗ tỏa về 4 quận, cả trung tâm lẫn ven đô. Mỗi ngày nắng qua đây tôi lại thèm một chút gió, có lẽ là điều... không lạ!

Những con đường hoa

Là bởi, cái nút giao thông này nhiều xe lắm. Rất nhiều lần tôi bị mắc mưa, khi từ hướng Q.1 chạy về. Trời âm âm nhưng không gió, chợt thấy mây đùn lên ở phía xa xa Gò Vấp, trong thanh âm náo nhiệt hối hả người xe. Vừa trờ đến ngã tư đông đặc người tứ phía dồn về, chờ lâu mới có đèn xanh, vậy là đứng chịu trận mỗi khi mưa ào xuống không trở tay kịp. Dừng xe lại mà chẳng lấy được áo mưa bởi không có chỗ len chân để bước xuống. Những ngày mưa bất chợt cứ thế đi về...
Nhưng ngày nắng rát, vào tầm mấy tháng đầu năm như bây giờ, mỗi khi qua đây lại cứ thèm chút gió để xua đi mùi khói xe và mùi nhựa đường như nung chảy. Nói thiệt, nhiều lần cứ muốn rẽ đại vô mấy con đường hoa bên hông ngã tư, phía đường Phan Xích Long đi vô, kiếm một quán ngồi làm chai bia lạnh, chờ tan bớt xe rồi về. Ở đó, trên con đường Hoa Lan nho nhỏ, có ngôi nhà anh bạn luống tuổi hơn, có mái tóc dài với khẩu khí văn chương và giọng cười... đáng nể, í ới “nối mạng” với nhau được thì rổn rảng rất vui. Đó là lương y Đinh Công Bảy!
Rẽ vào đoạn này, là có nhiều con đường mang tên hoa: Hoa Hồng, Hoa Sứ, Hoa Lan... mà ngay từ lúc thành phố mới có quyết định đặt tên, tôi đã kịp lui tới khu vực này để viết bài, khi những dự án mọc lên để cải tạo một khu vực trước đó khá “lộn xộn”, là “điểm giao” giữa các quận 1, Bình Thạnh và Phú Nhuận. Lúc nhận quyết định đặt tên đường như vậy, cứ hình dung chắc hẳn nhiều cư dân khu vực này rất vui, vì có tên đẹp. Và hình như cũng chỉ Phú Nhuận mới có một “quần thể” các đường mang tên hoa co cụm lại như thế.
Cũng nhớ một chuyện, vào dịp hơn 10 năm trước, qua một chuyên gia về bất động sản, biết được một người là kỹ sư, bây giờ đã định cư ở nước ngoài, rất táo bạo khi bán luôn căn nhà của mình ở đường Huỳnh Văn Bánh cùng quận, đi thuê nhà ở, lấy vốn để qua mua đất dự án trên đường Phan Xích Long. Anh này cứ đi thuê nhà ở, mua đất như vậy, đảo đi đảo lại mấy bận, vất vả thế để rồi có 3 miếng đất trên con đường này xây nhà cho thuê. Lúc ấy, gặp để hỏi chuyện, anh nói như “nổ”: “Phải liều vậy mới thắng. Cơ bản là mình dự đoán đúng tình hình”!
Thèm chút gió qua ngã tư bốn quận1

Đường Hoa Hồng, một trong 9 con đường hoa ở Phú Nhuận

Ảnh: Ngọc Dương

Chuyện trung tâm tiệc cưới

Gần ngã tư Phú Nhuận, đi theo đường Hoàng Văn Thụ về hướng sân bay Tân Sơn Nhất, một dạo xảy ra chuyện lùm xùm về một trung tâm tiệc cưới hoành tráng bậc nhất Sài Gòn được xây dựng, đó là White Palace. Trung tâm này lúc ấy vừa xây dựng hoàn thành, thì xảy ra chuyện, bởi có nhiều người cho rằng được xây dựng không phép, đó là thời điểm tháng 12.2007. Khu đất này trước đó đã được cấp thẩm quyền duyệt cho một công ty quân đội chuyển sang dạng đất làm kinh tế. Dư luận ngó lui ngó tới, với rất nhiều lời đồn đãi nhưng rồi rốt cuộc cũng êm, vì tại một cuộc họp đầy đủ ban bệ, chủ đầu tư công trình đã trưng ra các văn bản khẳng định mình làm đúng, kết luận cuộc họp có cả đại diện Sở Xây dựng thành phố. Vị đại diện sở này đã “phán” một câu chắc nịch: “Sau khi kiểm tra tính pháp lý của các văn bản, thanh tra Sở Xây dựng xác nhận chủ đầu tư làm tốt chặt chẽ quy trình về đầu tư xây dựng theo quy định hiện hành”!
Bài viết hôm sau đó đăng trên Thanh Niên do tôi và một đồng nghiệp thực hiện đã kết thúc với một câu: “Đây cũng là một vấn đề khá “nhạy cảm” đối với việc xây dựng các cơ sở kinh doanh do các đơn vị quân đội làm kinh tế phục vụ cho mục đích quốc phòng, do vậy cần có một hành lang pháp lý rõ ràng hơn để tránh sự “ngộ nhận” của dư luận trong nhiều trường hợp tương tự”. Đoạn kết ấy cũng xem như kết thúc một cuộc bàn cãi. Để rồi mới đây, tình cờ xem được một thước phim muốn giới thiệu về ngã tư Phú Nhuận do ai đó đưa lên mạng vào năm 2017, cái trung tâm tiệc cưới này đã hiển nhiên thành một câu chuyện hay về sự tồn tại các công trình xây dựng ghi dấu ấn cho quận này.
Thèm chút gió qua ngã tư bốn quận2

Đường Hoàng Văn Thụ, xưa kia là đường Võ Tánh

Tên đường, tích cũ

Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, thì Q.Phú Nhuận vào thuở xa xưa, khoảng cuối thế kỷ 17, được gọi là thôn Phú Nhuận, thuộc tổng Bình Trị, phủ Tân Bình. Cái tên Phú Nhuận có hàm ý là mong muốn giàu có trù phú. Vào trước 1975, ở Phú Nhuận có 3 tên đường được đặt tên 3 vị vua triều Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và đồng thời có cả sự hiện diện của Hoàng đế Quang Trung với tên đường Nguyễn Huệ, sau đó được đặt là đường Thích Quảng Đức.
Nhưng con đường lớn và khá dài, ngày trước gọi là đại lộ có tên Võ Tánh, thuộc Gia Định (nay là đường Hoàng Văn Thụ), là tên một vị công thần triều Nguyễn. Dù trước năm 1975 có học bài sử về vụ tuẫn tiết của 2 danh tướng là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu khi tử thủ thành Quy Nhơn vào năm 1801, trang sách có in minh họa cả bản vẽ về trận chiến công thành với ngọn lửa trùm tứ phía, song tôi cũng không quên lần giở lại quyển Việt Nam sử lược của học giả nổi tiếng Trần Trọng Kim để biết thêm về vị danh thần này.
Thèm chút gió qua ngã tư bốn quận3

Trung tâm hội nghị tiệc cưới White Palace (Q.Phú Nhuận) thời điểm khánh thành cuối năm 2007

Ảnh: Tấn Tú

Ở trang 394, bản đặc biệt vào quý 3 năm 2019 do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành của cuốn danh sử này có đoạn nói về Võ Tánh (trong sách ghi là Võ Tính) rằng: “Quân Tây Sơn bị đánh phá nhiều lần, thường nói rằng “trong bọn tam hùng đất Gia Định, Võ Tính là anh hùng bậc nhất, không nên phạm đến”. Nhưng rồi anh hùng thời tao loạn cũng có lúc gặp phải bước đường cùng. Võ Tánh và Ngô Tùng Châu (sách Việt Nam sử lược ghi là Ngô Tòng Chu) lúc bị quân của Trần Quang Diệu, một tướng Tây Sơn vây thành, liệu bề khó chống đỡ, lúc đã cạn hết lương thực, “bèn viết thư sai người đưa ra thành cho Trần Quang Diệu nói rằng: “Phận sự ta làm chủ tướng, thì đành liều chết ở dưới cờ. Còn các tướng sĩ không có tội gì, không nên giết hại”. Đoạn rồi sai người lấy rơm cỏ chất ở dưới lầu Bát giác, đổ thuốc súng vào tự đốt mà chết. Quan hiệp trấn là Ngô Tòng Chu cũng uống thuốc độc tự tử” (Việt Nam sử lược, trang 407).
Bây giờ, như đã nói trên, con đường Hoàng Văn Thụ đã được mở rộng hơn nhiều, và đường Ngô Tùng Châu (thuộc tỉnh Gia Định, nay là đường Nguyễn Văn Đậu) cũng là một tuyến lộ huyết mạch nối với Q.Gò Vấp. Những dư vang của trận chiến thành Quy Nhơn năm ấy sử sách cũng đều ghi rõ. Lại nữa, lăng của vị danh tướng Võ Tánh vẫn còn hiện diện ở đường Hồ Văn Huê, thuộc P.9, Q.Phú Nhuận, và được nhà nước liệt vào hạng di tích.
Lịch sử hàng trăm năm của Sài Gòn - Gia Định vẫn lưu dấu nhiều câu chuyện của một giai đoạn biến động thăng trầm, song mỗi khi lần giở lại những trang sử viết về tên đất, tên người và tên đường tự xưa đến nay, hồi ức ấy vẫn là một niềm trân trọng với các bậc tiền nhân, bởi những “xung động lịch sử” của hơn 300 năm về trước, vẫn luôn là một “chỉ dấu” cho thế hệ mai sau nhìn và ngẫm...
Ngã tư Phú Nhuận là nơi tỏa đi các hướng, với đường Phan Đăng Lưu về Q.Bình Thạnh, Phan Đình Phùng về Q.1, Hoàng Văn Thụ về Q.Tân Bình và Nguyễn Kiệm về Q.Gò Vấp. Q.Phú Nhuận được xem là quận nội thành TP.HCM hiện có 15 phường, được đánh số từ 1 đến 17. Điều đặc biệt quận này không có 2 phường đánh số 6 và 16 (?). Có 61 đường có tên, trong đó có 9 con đường mang tên các loài hoa. Phú Nhuận có 163.000 người với mật độ dân số 33.700 người/km2, đứng thứ 7 trong số 24 quận huyện của TP.HCM (theo thống kê tháng 4.2019).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.