Thêm đại gia bán lẻ ngoại rời Việt Nam

18/05/2019 06:42 GMT+7

Từng tuyên bố sẽ rót 500 triệu USD vào VN, thế nhưng Tập đoàn bán lẻ Auchan (Pháp) đã phải tìm ông chủ mới cho 18 siêu thị đã gầy dựng tại VN sau gần 5 năm.

“Hụt hơi”

Lý giải việc rời khỏi thị trường VN, trên một số kênh truyền thông Pháp, tập đoàn này cho rằng do chưa tìm thấy mô hình phù hợp với thị trường VN. Vào VN từ năm 2014, Auchan chọn cách bắt tay với các doanh nghiệp (DN), tập đoàn bất động sản để hợp tác xây dựng siêu thị ngay dưới chung cư. Việc mua sắm đông người sẽ giúp chủ đầu tư có cơ hội bán căn hộ. Ngược lại, người dân trong chung cư và vùng lân cận sẽ là nguồn khách hàng tiềm năng cho siêu thị. Tuy nhiên, hệ thống này mới chỉ xây dựng được 21 cửa hàng và đã đóng cửa 3 cửa hàng, cộng thêm nhiều lần thay đổi nhận diện thương hiệu để duy trì hoạt động kinh doanh.
Việc rút lui là cơ hội sàng lọc thị trường bán lẻ để tạo “cảm hứng” mới cho người tiêu dùng
Ông Vũ Quốc Chinh
Sau gần 5 năm hoạt động, doanh thu mảng bán lẻ của Auchan chỉ đạt 45 triệu EUR (50,4 triệu USD). Đến năm 2018, năm thứ 4 hoạt động tại VN, Auchan vẫn xác định đang thua lỗ.
Thực tế, thông tin Auchan sẽ rời VN được đồn râm ran từ trước Tết Nguyên đán, khi đúng ngày 30 tết (4.2.2019), siêu thị Auchan đặt tại tầng trệt tòa nhà Useful trên đường Lạc Long Quân (Q.Tân Bình, TP.HCM) đột ngột ra thông báo đóng cửa sau khi hoạt động chưa tới 2 năm.
Thông tin từ Auchan tại VN cho biết, tập đoàn này đang đàm phán với đơn vị bán lẻ tại VN để tìm đối tác tiếp quản hệ thống trong thời gian tới. Không chỉ tại VN, 1.600 điểm bán lẻ của Auchan tại thị trường Ý cũng đã được tuyên bố sẽ đóng cửa trong nay mai. Tính hết quý 1/2019, Auchan Holding công khai khoản lỗ ròng 1,145 tỉ EUR trong năm 2018. Tổng doanh thu của hãng giảm 3,2% xuống còn 50,99 tỉ EUR.
Như vậy, sau khi Casino (Pháp) bán lại hệ thống bán lẻ BigC cho người Thái, đến lượt Auchan - cũng là hệ thống bán lẻ cuối cùng của Pháp tại VN, tiếp tục sang tay đổi chủ. Có thể nói, sự rút lui của Auchan đã nối dài thêm danh sách các đại gia bán lẻ thế giới “hụt hơi” tại thị trường VN. Lotte (Hàn Quốc) sau khi báo lỗ 800 tỉ đồng vào năm 2018 đã tiếp tục đưa ra dự báo đến 2020 mới có lãi dù hệ thống bán lẻ này có 13 trung tâm thương mại lớn đang hoạt động tại VN. Aeon (Nhật) sau thời gian bắt tay với 3 DN trong nước là Trung Nguyên, Fivimart và Citimart, cuối cùng cũng “đường ai nấy đi”. Thậm chí với Fivimart và Citimart, Aeon còn nhận quả lỗ khá lớn.

Thiếu hiểu biết văn hóa tiêu dùng bản địa?

Trong khi bán lẻ ngoại “hụt hơi” thì bán lẻ nội có vẻ ăn nên làm ra. Với các thương hiệu VinMart và VinMart+, VinCommerce (thuộc Tập đoàn Vingroup) đang sở hữu khoảng 2.000 điểm bán lẻ và chuỗi siêu thị có quy mô lớn nhất thị trường bán lẻ VN. Ngoài ra, cuối tháng 4 vừa qua, thông tin tại kỳ đại hội cổ đông, Petrolimex cho biết đang nghiên cứu thành lập chuỗi cửa hàng tiện lợi với số lượng mặt hàng có thể lên tới 2.000 sản phẩm. Tập đoàn này cũng cho biết đã nghiên cứu kế hoạch này trong 5 năm qua và đang triển khai thực hiện. Một số phân tích cho rằng, lợi thế của Petrolimex là đang có mạng lưới 5.200 cửa hàng xăng dầu, sẽ không phải lo mặt bằng khi mở cửa hàng tiện lợi.
Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh (Đại học Kinh tế TP.HCM) phân tích, việc DN ngoại lỗ lã phải rút khỏi thị trường, DN nội lại bành trướng có thể liên quan đến mức độ hiểu biết văn hóa tiêu dùng địa phương của DN. Ông nói: “Có thể nhà đầu tư Pháp đến VN mang theo văn hóa tiêu dùng của người Pháp, nơi chỉ có kênh mua sắm tối ưu nhất là đại siêu thị, không chợ truyền thống, không mấy cửa hàng tiện lợi, không có nhiều lựa chọn như tại thị trường VN nên phương thức kinh doanh hiện đại khá giống nhau, mua sắm đến đồng tiền cuối cùng, giao dịch với số lượng lớn... Trong khi ở VN lại không có vậy, người tiêu dùng Việt có nhiều kênh mua sắm để lựa chọn hơn. Theo tôi được biết, Auchan vào Trung Quốc, một thị trường tỉ dân cũng không mấy thành công có thể từ việc chưa am tường văn hóa tiêu dùng của các nước châu Á”.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, việc xung đột hoặc không thích ứng với nhà cung cấp bản địa cũng khiến nhà phân phối ngoại thất bại. Còn nhớ, gần 20 năm trước, khi Metro Cash & Carry của Đức vào VN đã tạo ra không khí làm ăn cực lớn, ép nhà cung cấp với những bản hợp đồng dày 100 trang.
Các DN Việt lúc đó muốn trở thành nhà cung cấp cho hệ thống bán sỉ này phải chạy đua theo sức ép này. “DN muốn trở thành nhà cung cấp cho hệ thống phải chấp nhận ký những hợp đồng lớn ngoài sức, chấp nhận chiết khấu cao, bán cho nợ gối đầu cả năm... Tuy nhiên, sau một thời gian, thực tế lại không cho thấy nhà đầu tư đúng. Các nhà cung cấp nội địa rơi rụng dần theo lượng người mua sắm trong hệ thống siêu thị cũng sụt giảm. Từ đây, bức tranh bán lẻ Việt mới được vẽ lại một cách công tâm và bớt hào nhoáng hơn”, ông Chinh chia sẻ và nhận định: “Thị trường bán lẻ Việt vài năm gần đây có phần chững lại do thị trường đang thiếu “cảm hứng tiêu dùng” đến từ người dân. Việc rút lui là cơ hội sàng lọc thị trường bán lẻ để tạo “cảm hứng” mới cho người tiêu dùng”.
Cùng với Maximark và Shop&Go, Fivimart sau đó được bán lại cho nhà bán lẻ lớn trong nước Vingroup. Trước đó, Metro Cash & Carry cũng hoàn toàn rút khỏi VN vào năm 2015 sau 12 năm báo lỗ liên tiếp, bán lại toàn bộ hệ thống cho TCC Group (Thái Lan). Casino Group (Pháp) bán lại chuỗi BigC VN cho Central Group (Thái Lan) và Jardine Matheson Group (Hồng Kông) cũng đóng cửa siêu thị Giant.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.