Thêm giá trị cho di sản

26/08/2022 06:42 GMT+7

Thêm các giá trị mới cho di sản sẽ giúp di sản gần gũi đời sống hơn, nhưng cũng phải có nguyên tắc cho việc đó.

Kiến trúc sư Nguyễn Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, bắt đầu bài nói chuyện về Giá trị di sản (tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, ngày 25.8) bằng hình ảnh núi Phú Sĩ.

“Núi Phú Sĩ là một phong cảnh ấn tượng. Nhưng nó được vào danh sách di sản thế giới của UNESCO không phải vì thiên nhiên hùng vĩ tuyết phủ quanh năm. Di sản này được xác định có ảnh hưởng tới hầu hết đời sống văn hóa tinh thần với người dân Nhật qua nhiều thế kỷ. Với thế giới, đó cũng là biểu tượng cho Nhật Bản, là dấu hiệu nhận biết được cả thế giới công nhận”, ông Vinh nói.

Vẻ đẹp đậm giá trị văn hóa của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Ngọc Thắng

Ông Vinh cũng nhắc tới đô thị cổ Hội An. Đô thị này có những biểu hiện văn hóa qua các thời kỳ của một thương cảng quốc tế. “Người ta buôn bán giao lưu ở đây. Nó là biểu hiện tiêu biểu của cảng thị châu Á truyền thống, được bảo tồn một cách hoàn hảo. Một bến thuyền, bên trên là những dãy nhà phục vụ cho đời sống buôn bán. Giá trị của di sản văn hóa là thứ trầm tích và có thể nhìn xuyên qua nó, chứ không phải chỉ là thứ chúng ta nhìn thấy”, ông Vinh giải thích.

Theo ông Lê Thành Vinh, ý nghĩa văn hóa của di sản là các giá trị thẩm mỹ khoa học lịch sử tinh thần với các thế hệ từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Muốn nâng cao giá trị di sản, giá trị gốc đó phải được giữ gìn, bên cạnh việc bổ sung giá trị mới. Ông Vinh đưa ra ví dụ về trường hợp tháp Eiffel (Pháp). Công trình thoạt tiên được xây dựng trong một hội chợ với ý định tôn vinh công nghệ luyện thép, nhưng nó đã trở thành một biểu tượng của Paris.

Với di sản trong nước, ông Vinh nhắc đến di tích nhà tù Hỏa Lò. Trước đây, đó là một nhà tù của Pháp, sau đó nó cũng là nhà tù. Khi không còn nhà tù thì nó lại tham gia đời sống văn hóa theo cách khác. Di sản này thoạt tiên có diện tích 12.000 m2, rồi do xây tháp Hà Nội, diện tích chỉ còn 2.000 m2. Giờ đây, Hỏa Lò được chuyển hóa thành một dạng bảo tàng, trong đó có chứng tích chiến tranh, cả những đường cống vượt ngục cũng được trưng bày. “Hỏa Lò được thêm vào những giá trị mới”, ông Vinh nhìn nhận.

Với Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều hạng mục đã được “cấy” vào để tôn vinh di tích. Nhà bia được xây thêm để bảo vệ các di sản bia tiến sĩ. Khu nhà Thái học cũng được bổ sung khi Quốc Tử Giám không còn. “Tôi rất thích cách suy nghĩ về sự thay đổi, thêm nghĩa cho di sản. Quản lý Văn Miếu là Trung tâm khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chứ không phải Ban quản lý di tích. Ở đây có nhiều hoạt động gần với ý nghĩa cốt lõi về văn chương học tập như Ngày thơ, trao giải thưởng cho sinh viên kiến trúc…”, ông Vinh phân tích.

Mặc dù vậy, theo ông Vinh, các công trình xây thêm, các hoạt động bổ trợ phải trên nền tảng gần với giá trị cốt lõi của di sản. “Nếu các bạn diễn thời trang, thì các trang phục truyền thống có thể được trình diễn tại Văn Miếu; còn nếu không mời bạn đi chỗ khác”, ông Vinh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.