Từ đầu năm, hạn mặn xâm nhập sớm và sâu ở vùng ĐBSCL khiến hàng trăm ngàn hộ dân và ruộng vườn thiếu nước ngọt. Câu chuyện thiếu nước sinh hoạt đã bắt đầu. Tại các tỉnh ĐBSCL, cao trào là Bến Tre, nước sạch đã trở thành đề tài thời sự. Nguyên nhân của tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại Bến Tre là do nước nhiễm mặn cao, các nhà máy nước không thể có nguồn nước để phục vụ nhu cầu của người dân.
Tỉnh Bến Tre đã chi khoảng 100 tỉ đồng thực hiện nhiều giải pháp cấp bách phòng chống hạn mặn. Trong đó, đắp đập tạm để trữ nước cục bộ, như đập sông Mã, kênh Xáng, Cây Da, Ba Lai. Đồng thời, nạo vét các tuyến rạch, nâng cấp sửa chữa các cống. Bơm nước từ nơi dộ mặn thấp về cấp bổ sung cho các nhà máy nước.
|
Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh, trước hết là trong các tháng mùa khô năm 2020-2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn, chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2020-2021 với các kịch bản khả năng ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời, chủ động thực hiện sớm việc nạo vét kênh, rạch, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn...; tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là các công trình giữ ngọt, kiểm soát mặn, hệ thống kênh mương, đường ống dẫn nước ở các vùng có nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Mới đây, tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bến Tre tổ chức lễ khởi công xây dựng 200 giếng nước tại hai huyện của tỉnh Bến Tre đang đối mặt với việc nguồn nước bị nhiễm phèn mặn là huyện Ba Tri và huyện Mỏ Cày Nam. Chương trình do nhóm “Chia sẻ - Sharing” của bà Mai Thị Hạnh - phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động các tổ chức, doanh nghiệp chung tay thực hiện. Và chương trình lần này được thực hiện từ ngân sách tài trợ 1 tỉ đồng của Tập đoàn Novaland nhằm mang đến và đảm bảo nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt cho bà con tại đây. Trước đó, tai Bến Tre, Tập đoàn Novaland cũng đã thực hiện chương trình “Nước sạch học đường” nhằm mang nguồn nước sạch uống được theo tiêu chuẩn nước uống quốc gia đến hàng chục ngàn học sinh và giáo viên của các trường học tại huyện Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại.
Khi 200 giếng nước được đưa vào sử dụng sẽ giải quyết được bài toán khó cho bà con tại chỗ cũng như các vùng lân cận, người dân không còn cảnh phải ngồi chờ có ai đến tặng nước, hay phải tất tả ngược xuôi cả ngày đi tìm nước hoặc buộc phải mua nước ngọt.
|
Với đặc thù là huyện giáp biển nên người dân huyện Ba Tri gặp khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt do thiếu nước sạch vào những tháng cao điểm mùa khô. Thời gian qua, do hạn mặn kéo dài, độ mặn ở mức rất cao đã gây nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất và các mặt đời sống xã hội. Qua thống kê, toàn huyện có trên 11 ngàn hộ thiếu nước sinh hoạt; trong đó có nhiều hộ nghèo, cận nghèo thiếu dụng cụ trữ nước ngọt. 4.058 ha lúa, 218ha hoa mùa, nhiều diện tích thủy sản bị thiệt hại, giảm năng suất do hạn mặn. Tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 151 tỉ đồng.
Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri Trần Văn Hoàng cho rằng: Trước tình hình hạn mặn ngày càng khốc liệt, hoạt động hỗ trợ của Tập đoàn Novaland có ý nghĩa thiết thực, góp sức cùng chính quyền địa phương hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do hạn mặn. Đây là biểu tượng đẹp của lòng hảo tâm, thể hiện tình cảm của nhà tài trợ đối với người dân Ba Tri.
Ông Trần Văn Hoàng cũng đề nghị: Các hộ dân được hỗ trợ giếng nước chú ý cách bảo quản để sử dụng được lâu dài, mang lại hiệu quả tối ưu các giếng được xây dựng; tích cực phối hợp thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống hạn mặn, ý thức sử dụng nước ngọt tiết kiệm. Các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về diễn biến hạn mặn để người dân chủ động phương án ứng phó; hướng dẫn người dân có kế hoạch sản xuất phù hợp, ổn định đời sống sau hạn mặn.
Bình luận (0)