Thêm hai webgame âm thầm đóng cửa, dự báo một năm 2016 u ám ?

28/01/2016 17:00 GMT+7

Với việc các nhà phát hành đã "bỏ bê" game đến 2-3 tháng, thì việc những trò chơi này đưa ra thông báo đóng cửa chính thức chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhìn rộng hơn, phải chăng webgame đang bắt đầu bước vào chu kỳ trượt dốc tại Việt Nam?

Bảo trì, mở máy chủ mới và... biến mất!

Công đoạn bảo trì máy chủ luôn diễn ra ở tất cả các game online và có thể diễn ra trong thời gian ngắn hay dài tùy vào mức độ quan trọng của nó: bảo trì định kỳ chỉ rơi vào khoảng 30 phút, bảo trì sửa lỗi - cập nhật mới có thể sẽ mất từ vài tiếng tới một ngày; tuy nhiên, một game online bảo trì tới tận... 2 tháng thì chỉ có thể là "ra đi trong im lặng". Đây cũng chính là trường hợp của Chà Bá Lửa Tây Du Ký - webgame vừa được ra mắt vào hồi tháng 11.2015 vừa qua.

Thêm hai webgame chuẩn bị 'biến mất' khỏi làng game Việt ?

Webgame Chà Bá Lửa Tây Du Ký này khai mở phiên bản Open Beta vào đầu tháng 11.2015 với vô số sự kiện nhằm lôi kéo người chơi bằng hiện vật. Thế nhưng điều đáng buồn là dù đây là một tựa game tương đối dễ thương và vui nhộn, cùng việc nhà phát hành đã dùng nhiều phương cách "hút" người chơi, nhưng tình trạng "vắng như chùa bà Đanh" vẫn diễn ra. Chính vì vậy, chỉ sau ít ngày ra mắt, Chà Bá Lửa Tây Du Ký đã phải bảo trì vô thời hạn. Cho đến thời điểm hiện tại, sau hơn 2 tháng thông báo bảo trì, webgame này vẫn chưa có dấu hiệu quay trở lại, và dường như cộng đồng game thủ cũng chẳng mấy quan tâm tới sự tồn tại của Chà Bá Lửa Tây Du Ký...

Thêm hai webgame chuẩn bị 'biến mất' khỏi làng game Việt ?

Trường hợp thứ hai chính là webgame của "nhà phát hành triệu đô" VGG: Võ Lâm Chí Tôn. Sản phẩm này mặc dù không được đánh giá cao bởi cộng đồng game thủ do nền tảng đồ họa cũ kỹ thiếu chân thực cùng lối chơi thuần chất auto, tuy nhiên cũng đã đủ sức để "sống" tại thị trường game online Việt gần nửa năm, tính từ ngày ra mắt vào tháng 5.2015. Thế nhưng từ thời điểm webgame này khai mở máy chủ S25, cũng là lúc Võ Lâm Chí Tôn chính thức tham gia vào bộ phim "mất tích".

Thêm hai webgame chuẩn bị 'biến mất' khỏi làng game Việt ?

Theo ghi nhận của Thanh Niên Game, các kênh thông tin tương tác với người chơi của Võ Lâm Chí Tôn như trang chủ hay fanpage đã cập nhật thông tin mới nhất từ... 3 tháng trước, cùng với đó, hàng trăm comment thắc mắc của người chơi trên fanpage đều không được bộ phận quản lý trả lời. Và mặc dù fanpage Võ Lâm Chí Tôn đã bị "bụi phủ" gần 3 tháng nay, nhưng mới đây lại cho đăng một bài viết mang tính "quảng cáo" cho một tựa game khác: Tử Thần 3D - cũng là một sản phẩm mới của VGG. Rõ ràng, với những thông tin như vậy, có lẽ ngày mà Võ Lâm Chí Tôn bị xóa sổ khỏi bản đồ làng game Việt không còn xa nữa...

Mảnh đất webgame đã không còn màu mỡ?

Năm 2015 vừa qua đánh dấu sự phát triển vượt bậc của webgame và game di động trên con đường chinh phục cộng đồng game thủ tại Việt Nam, thế nhưng nếu chỉ xét riêng về mảng webgame, hẳn nhiều người sẽ nhận ra những mảng tối hay những "đợt sóng ngầm" trước khi cơn bão thực sự kéo tới đối với phân mảng trò chơi này.

Thêm hai webgame chuẩn bị 'biến mất' khỏi làng game Việt ?

Thêm hai webgame chuẩn bị 'biến mất' khỏi làng game Việt ?

Thời điểm Quý III - IV 2015 có thể coi là khoảng thời gian "đen tối" của webgame khi mà hàng loạt những webgame bị khai tử chỉ trong một thời gian ngắn vì vô vàn các lý do khác nhau mà Thanh Niên Game từng đề cập tới trong nhiều bài viết. Đa phần những webgame thường phải chịu cảnh đìu hiu "tang tóc" khi quá ít người chơi trước khi phải thông báo ngưng vận hành. Tuy nhiên, có những webgame vẫn "nổi như cồn", vẫn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng game thủ, nhưng vẫn phải đóng cửa vì... phía nhà phát triển Trung Quốc không chịu hỗ trợ, điều này dẫn đến việc game không thể update, không thể sửa lỗi, và như thế, nắm chắc cái chết trong tay. Số ít còn lại là những webgame phải đóng cửa vì lý do... khó nói!

Thêm hai webgame chuẩn bị 'biến mất' khỏi làng game Việt ?

Rõ ràng, việc game client thoái trào đã mở đường cho webgame phát triển trong năm vừa qua, thế nhưng với việc phụ thuộc quá nhiều vào các đối tác Trung Quốc, cùng việc "khẩu vị" của game thủ Việt là một điều tương đối mơ hồ và khó đoán biết đã khiến cho việc phát hành webgame tuy dễ nhưng lại trở thành canh bạc 5 ăn 5 thua, do vậy cũng đã chẳng còn mấy "màu mỡ" đối với các nhà phát hành. Cùng với đó là sự bùng nổ được dự đoán trước của dòng game di động trên thị trường khiến cho webgame đã phần nào mất đi đất diễn. Phải chăng, trong năm 2016, phân khúc game này đã thật sự bước qua phía bên kia sườn dốc?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.