Nhớ cái hôm về ngôi làng cổ nằm giữa vùng Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, lúc xe đang vào đường làng chợt khói trùm lên chẳng thấy đường. Chết rồi, làng cháy. Nhưng không. Người làng vẫn bình thản đấy thôi, không có dấu hiệu gì hoảng hốt chạy lửa. Thì ra người ta đốt rơm rạ ngay giữa đường làng. Khói nghi ngút trùm lên hết thảy, cả trụ sở ủy ban, đình chùa, chợ quê...
Nghĩ lại, hóa ra mình lạc hậu. Mấy năm thôi mà khác nhiều quá. Chứ như hồi trước, hễ thấy lửa thấy khói có mà cả làng cả xã tập trung múc hết nước giếng thơi, ao làng xông vào dập lửa. Mình xa lạ mất rồi. “Nhà bây giờ bê tông hết, lửa có đốt trong nhà cũng chả sao”, một cụ ông bảo vậy.
Hôm về Nam Định chơi, tôi kể sống mãi ở thành phố, đôi khi thèm nồi cơm gạo mới đun bằng rơm rồi vùi kỹ ăn với cá rô đồng kho trấu... liền bị ông anh mắng cho một trận. “Chú lạc hậu rồi. Bây giờ ai đun bằng rơm, ai còn kho cá bằng trấu mà vùi. Hết rồi nhé! Bây giờ là thời đại bếp gas, nghèo lắm thì dùng bếp than tổ ong. Chú chỉ làm khó các cháu”.
Tôi thừ ra như người biết lỗi.
Chao ôi! Nhớ cái hồi còn bé, đi học về trời rét mà ngồi bên bếp lửa nhìn chị gái thổi cơm, ngọn lửa từ mồi rơm bập bùng mà thấy ấm áp lạ thường. Nồi cơm đun vừa cạn thì đặt xuống đống tro còn nóng rồi đốt rơm lên trên vung, đến khi tro phủ kín mới thôi. Nồi cơm chín, khi mở vung tỏa mùi gạo mới thơm lừng, gây cảm giác đói đến cồn cào... Hôm nào sang một chút thì được ăn với cá rô, cá mè kho vùi trấu, xương cá rục nhừ có cảm giác ngon hơn tất tần tật mọi cao lương mỹ vị trên đời... Cái mùi lá thèn đen lót nồi cá kho ấy còn phảng phất chút thơm khét hấp dẫn đến tận bây giờ.
Rơm rạ bây giờ không còn là nguồn nhiên liệu quý giá như xưa. Nó trở thành thứ dư thừa, khó chịu, vương khắp đồ̀ng làng, trùm lên khắp ngõ, thế là đốt. Mùi khói rơm cũng chả như xưa.
Tôi rời làng, xa làng mà lòng thèm hương quê quá đỗi. Cây gạo đầu làng đã chết trơ cành... Người làng lạ và quen đều vồi vội. Mình như lạc lõng cô đơn trong cái không gian đầy ắp kỷ niệm thời thơ dại.
Chỉ mùi rơm rạ đốt đồng là còn phảng phất chút gì quen thuộc.
Tân Linh
Bình luận (0)