'Thêm lực lượng an ninh cơ sở thì địa phương phình cả động mạch lẫn tĩnh mạch'

17/11/2020 13:18 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng việc thành lập lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, an ninh cơ sở sẽ làm phình biên chế, tăng gánh nặng ngân sách cho các địa phương.

Hôm nay, 17.11, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp 10 Quốc hội 14, Quốc hội dành thời gian thảo luận luật Lực lượng tham gia bảo vệ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Nội dung chính của dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là thống nhất hơn 700.000 biên chế hiện có của 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách dôi dư hiện có thành một lực lượng; làm nhiệm vụ tham gia hỗ trợ công an chính quy tham gia bảo vệ an ninh, trật tự tại các cơ sở.

"E rằng ngân sách địa phương không còn cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội"

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng, theo hồ sơ dự án luật thì lực lượng mới sẽ có khoảng 1,5 triệu người, giảm được 500.000 biên chế. Tuy nhiên, hiện nay, tổng số biên chế hiện có chỉ chưa tới 700.000 người.
Do đó, nếu thông qua luật này, số lượng người hưởng ngân sách tăng thêm là 804.000 người chứ không phải giảm đi 500.000 người như báo cáo.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Bộ, theo dự thảo luật thì ngân sách địa phương phải bố trí để chi trả cả trụ sở lẫn phụ cấp, bảo hiểm... cho lực lượng mới. “Tôi e rằng ngân sách địa phương không còn để chi đầu tư phát triển, không còn để bố trí cho an sinh xã hội”, đại biểu Bộ nêu.
Ông Bộ cũng "nhờ" Bộ Nội vụ đánh giá, có ý kiến về số biên chế tăng thêm và Bộ Tài chính ước tính chi phí trụ sở, chi phí để lực lượng này hoạt động sẽ chiếm tỉ trọng bao nhiêu trong ngân sách hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã.
“Chúng ta thấy là dân ta không đến mức độ là ăn rồi chỉ vi phạm pháp luật mà chúng ta bố trí lực lượng lớn thế này. Trong khi đó, chúng ta phải đầu tư cho đầu tư phát triển, giáo dục đào tạo, an sinh xã hội rất lớn”, ông Bộ nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) thì băn khoăn, lực lượng mới thành lập được dự thảo quy định là lực lượng quần chúng tự nguyện, đóng vai trò tham gia bảo vệ trật tự, an ninh cơ sở. Tuy nhiên, trong tất cả quy định về tổ chức, chế độ, chính sách thì “không còn là lực lượng quần chúng tự nguyện nữa”.
"Khi chúng ta không thực hiện chế độ phụ cấp mà chuyển sang bồi dưỡng thì không lấy từ ngân sách được vậy thì lấy từ đóng góp của quần chúng thì sẽ như thế nào? Tất cả vấn đề này tôi cũng muốn phải làm tường minh", đại biểu Hoa nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện nay, đang tồn tại nhiều mô hình tự quản trong bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở như câu lạc bộ phòng chống tội phạm, hiệp sĩ đường phố, tổ tự quản an ninh trật tự... “Vậy các mô hình này có nằm trong đối tượng điều chỉnh dự án luật hay không”, bà Hoa đặt câu hỏi.

“Xin lỗi đồng chí bộ trưởng chứ lực lượng công an quá đông" 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng bày tỏ nhiều băn khoăn về việc lập lực lượng mới. “Việc cơ cấu 1,5 triệu người tham gia lực lượng này có vẻ như đang áp dụng trong tình trạng khẩn cấp thời chiến, gấp nhiều lần quân thường trực, có cần thiết hay không?”, ông Nhưỡng nêu.
Theo đại biểu tỉnh Bến Tre, theo dự thảo luật thì thấy lực lượng này chỉ là phối hợp, song hầu hết thực hiện nhiệm vụ của công an xã. “Lực lượng này nếu ra đời thì lực lượng công an xã sẽ lười biếng, công việc dồn hết cho lực lượng này”, ông Nhưỡng băn khoăn.
“Hiện nay đưa công an chính quy về xã đã phình ở cơ sở rồi, nay lập thêm lực lượng mới lại tiếp tục phình nữa. Như vậy phình cả động mạch lẫn tĩnh mạch. Rất khó thuyết phục”, Phó trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang

Ảnh Gia Hân

Đại biểu Nhưỡng cũng cho rằng, lực lượng này mới nghe thì là lực lượng quần chúng nhưng các quy định thì là lực lượng chính quy về tổ chức, hoạt động, chế độ chính sách.
“Đọc các điều luật thật nao núng về chính sách và ngân sách”, đại biểu Nhưỡng nói và cho biết, hiện nay, 50 tỉnh không thể giải quyết được vấn đề này vì chưa tự cân đối được ngân sách.
Từ đó, ông Nhưỡng đề nghị Chính phủ nghiên cứu toàn diện, cân nhắc đầy đủ các khía cạnh để nghiên cứu lại các quy định này.
“Luật mà không phúc đáp được yêu cầu của nhân dân thì dứt khoát chúng ta không thể ban hành. Đưa luật ra ngoài đời cuối cùng không đi vào thực tiễn được, bật quay trở lại có nghĩa là Quốc hội có lỗi với nhân dân”, ông Nhưỡng khẳng định.
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang), nguyên Phó tư lệnh Quân khu 2, đề nghị phải tính xem có cần có thêm một lực lượng hay không?
“Xin lỗi đồng chí bộ trưởng chứ lực lượng công an quá đông các đồng chí ạ. Bây giờ 1 tỉnh ít nhất có 3.000, tỉnh to thì 4.000, hơn 4.000 công an chính quy. Đông như thế các đồng chí. Mà bây giờ thêm nhiều lực lượng nữa, chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình”, thiếu tướng Cò thẳng thắn.
Ông Cò dẫn chứng, tại Trung Quốc, công an chỉ là lực lượng bán vũ trang cho nên chỉ có giám đốc, ban giám đốc công an huyện thì mới là chính quy, chuyên trách, còn lại là bán chuyên trách theo hợp đồng, cần bao nhiêu công an thì có bấy nhiêu chứ không phải như chúng ta.
"Nếu xác định lực lượng này là lực lượng rất quan trọng thì tại sao không sử dụng ngay từ đầu để lực lượng này đủ sức làm nhiệm vụ mà chúng ta lại đưa lực lượng chính quy xuống, rồi lại thêm lực lượng”, ông Cò nói và đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần phải cân nhắc trước khi bấm nút thay cử tri, thay mặt dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.