|
Bệnh nhân là chị Trần Thị Thu (48 tuổi, trú tại P.Kim Long, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) nhập viện ngày 11.12.2013 với triệu chứng bụng căng to, mệt, khó thở. Sau khi tiến hành các xét nghiệm, bệnh nhân được phát hiện ung thư buồng trứng giai đoạn muộn, tiên lượng khó phẫu thuật.
Ban chủ nhiệm đề tài nhà nước về “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng” của Bệnh viện T.Ư Huế đã quyết định thực hiện phương pháp điều trị hóa chất liều cao kết hợp với cấy ghép tế bào gốc.
Bệnh nhân được thu thập tế bào gốc tại Trung tâm huyết học truyền máu Bệnh viện T.Ư Huế, sau đó điều trị hóa chất liều cao bằng phương pháp nhắm trúng đích. Sau khi bệnh trạng diễn tiến đến giai đoạn suy tủy nặng sẽ được tiến hành cấy ghép tế bào gốc trở lại.
Kết quả, sau hơn một năm điều trị, đến nay chị Thu đã hoàn toàn lui bệnh, các chỉ số sức khỏe đều diễn tiến tốt.
PGS.TS Nguyễn Duy Thăng, Phó giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, chủ nhiệm đề tài, cho biết có được kết quả thành công này là nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều khoa chuyên môn của bệnh viện, bên cạnh đó còn nhờ vào điều kiện kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại của Bệnh viện T.Ư Huế mới có thể thực hiện được phương pháp điều trị này.
“Trước đó, nhiều thế hệ giáo sư, bác sĩ bậc thầy của chúng tôi cũng rất trăn trở nhưng chưa làm được vì điều kiện không cho phép” - PGS Thăng nói.
Trước đó, vào tháng 3.2014, ca điều trị ung thư bằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc đầu tiên cũng đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện T.Ư Huế cho bệnh nhân Lê Thị S., ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Hiện tại, sức khỏe của chị S. tốt.
Bùi Ngọc Long
>> Ngừa ung thư buồng trứng
>> Nước cam, trà giảm ung thư buồng trứng
>> 32 đơn vị nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc
>> Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc vào điều trị
>> TP.HCM khởi động nhiều chương trình về tế bào gốc
Bình luận (0)