Thêm một công trình cải tiến chữ quốc ngữ: Chữ Việt Nam song song 4.0

02/02/2020 08:31 GMT+7

Bắt đầu nghiên cứu về các chữ cái thay cho dấu của chữ quốc ngữ từ nhỏ, Kiều Trường Lâm (Hà Nội), 34 tuổi, đến nay đã hoàn thành công trình chữ viết hoàn toàn khác biệt so với chữ hiện tại để cải tiến chữ quốc ngữ.

Công trình này có tên Chữ Việt Nam song song 4.0, được Kiều Trường Lâm hoàn thiện sau khi phối hợp nghiên cứu của mình với công trình cải tiến chữ quốc ngữ có tên "Chữ Viết Nhanh" của tác giả Trần Tư Bình (hiện đang ở Úc).

Chữ tiếng Việt không dấu

Kiều Trường Lâm  hiện đang làm việc tại một công ty xuất nhập khẩu về gỗ tại Hà Nội. Dù học về kinh tế, nhưng anh đã có đam mê về ngôn ngữ và nghiên cứu về nó từ khi học tiểu học.
Lâm kể: “Năm học lớp 1 mình đã có một ước mơ một ngày nào đó mình sẽ sáng tạo thành công một bộ chữ viết dành cho tiếng Việt có thể đọc được. Trong quá trình học chữ quốc ngữ, mình thấy nó có sự phối hợp giữa nguyên âm và phụ âm rất hay. Trong khi đó, tiếng Anh là một ngôn ngữ không dấu. Mình nảy sinh ý tưởng sáng tạo chữ viết dành cho tiếng Việt sử dụng không dấu mà vẫn có thể đọc được.
Đến năm học lớp 2, mình bắt đầu nghiên cứu về các chữ cái thay cho dấu, một quá trình cho đến năm lớp 10 mình mới thành công với  đề tài ký hiệu dấu cho chữ quốc ngữ. Gần đây, năm 2012 mình phát hiện đề tài Chữ Việt nhanh, một kiểu chữ việt ngắn gọn của thầy Trần Tư Bình hiện đang sinh sống và làm việc ở Úc. Mình thử kết hợp nghiên cứu của mình với công trình của thầy thì thật tuyệt vời, đó là một chữ viết rất ưu việt, lại đẹp vô cùng. Mình đặt tên là: chữ Việt Nam song song 4.0”.
Vậy là trải qua quá trình 27 năm nghiên cứu, chữ Việt Nam song song 4.0 (CVNSS 4.0) của Kiều Trường Lâm chính thức được sáng tạo thành công vào tháng 10. 2019 khi phối hợp với Chữ Việt nhanh của tác giả Trần Tư Bình.

2 tác giả Kiều Trường Lâm (trái) và Trần Tư Bình

NVCC

Theo Lâm, CVNSS 4.0 là chữ viết không dấu chỉ sử dụng 26 chữ cái La-tinh và trong đó dùng 18 chữ cái La-tinh để thay thế dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ. Nó cho phép người sử dụng đọc được lưu loát trọn vẹn vì trong CVNSS 4.0 có sự biến đổi linh hoạt giữa các vần Chữ Việt nhanh của thầy Trần Tư Bình và có sự luân chuyển giữa các ký hiệu dấu, tạo ra chữ viết có độ chính xác cao giúp người sử dụng nhận biết được mặt chữ và đọc được.
Cụ thể, bỏ bớt dấu sắc ở mọi từ có chữ cái cuối là: C, P, T, CH, chữ I thay cho Y, Y thay cho UY. Ở phụ âm đầu, chữ F thay PH, Q thay QU, C thay K, K thay KH, Z thay D, D thay Đ, J thay GI, G thay GH, W thay NG, NGH. Ở phụ âm cuối, chữ thì G thay NG, H thay NH, K thay CH. Nguyên âm ghép được rút gọn thành một nguyên âm như UYE còn là Y, UÔ còn U, ƯƠ còn Ư, OE còn E, OA còn O... Và cùng lúc thay chữ cái cuối bằng chữ cái khác như T bằng D, P bằng F, C bằng S, N bằng L... Như vậy, ráp 10 nguyên âm rút gọn vào 8 chữ cái cuối khác, ghi gọn được 52 vần trên mỗi vần chỉ còn 2 chữ cái, như UYÊT, UYÊN = YD, YL. Ví dụ thuyết chuyện = thyd chỵl. Tuy cách viết khác với vần quốc ngữ nhưng cách đọc vẫn như nhau.

Ông Trần Tư Bình trong hội chợ tết Việt năm 2020 tại Úc

NVCC

Đồng thời, có 18 ký hiệu dấu dùng để thay thế các dấu thanh và dấu phụ cho chữ quốc ngữ. J = Dấu sắc, L = Dấu huyền, Z = Dấu hỏi, S = Dấu ngã, R = Dấu nặng. Nhóm X, K, V, W, H thay thế 5 dấu: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng + dấu trăng ᨆ hay dấu móc ˀ cho các chữ ắ ằ ẳ ẵ ặ, ớ ờ ở ỡ ợ, ứ ừ ử ữ ự. Nhóm B, D, Q, G, F thay thế 5 dấu: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng + dấu nón ^ cho chữ ấ ầ ẩ ẫ ậ, ế ề ể ễ ệ, ố ồ ổ ỗ ộ. Nhóm O, Y, P, trong đó chữ O thay thế dấu trăng ᨆ hoặc dấu móc ˀ cho chữ có thanh ngang như ă, ơ, ư; chữ P là ký hiệu chữ bỏ dấu thanh & dấu phụ, chỉ đặt P sau chữ không có dấu thanh và dấu phụ nào trong chữ có vần để không bị hiểu lầm qua chữ khác; chữ Y thay thế dấu nón ^ cho chữ có thanh ngang như â, ê, ô. (Xem thêm về quy tắc viết tại đây).
Một ví dụ về chữ Việt Nam song song 4.0
“Chúng tôi đã cùng nhau sáng tạo thành công công trình này, cho phép đọc chữ Việt không dấu lưu loát một cách trọn vẹn, cũng như tính thẩm mỹ của chữ Việt Nam không dấu có thể tương đương tính thẩm mỹ của chữ quốc ngữ. Tôi tin nó sẽ có nhiều ứng dụng trong đời sống thực tiễn giúp người sử dụng vận dụng hiệu quả như một công cụ song song với chữ quốc ngữ. Và đây là một dạng chữ viết có tính linh hoạt cao giúp cho người học có cái nhìn sâu sắc hơn về cấu tạo chữ và âm vần qua đó giúp người học cảm nhận được sự thú vị, sự hấp dẫn trong chữ viết có tính thẩm mỹ một trong những chữ viết đẹp của thế giới.”, Lâm chia sẻ.

Ứng dụng cao trong công nghệ thông tin

Lâm cho rằng CVNSS 4.0 ra đời khi mà chữ quốc ngữ đã rất phát triển và đã là chữ viết của dân tộc, nên sẽ không có ý định thay thế, mà chỉ sử dụng song song, không ảnh hưởng đến việc sử dụng chữ viết hiện tại.
“Trong thời đại công nghệ 4.0, với sự phát triển của internet và trí thông minh nhân tạo nhanh như vũ bão, chữ Việt Nam không dấu có tính ứng dụng cao, rất cần thiết để dùng trên internet cũng như trong công nghệ thông tin cho những ai thích sử dụng nó như là một công cụ song song với chữ quốc ngữ. Khi viết chữ trên máy tính, các phím bấm CVNSS 4.0 rất đều tay. Nếu sử dụng 10 ngón tay để bấm trên bàn phím máy tính sẽ rất trôi chảy.  Khi nhắn tin nhắn SMS qua điện thoại di động, vì là chữ không dấu nên chúng ta có thể nhắn được 160 ký tự (chữ quốc ngữ chỉ có thể nhắn được 70 ký tự). Và vì CVNSS 4.0 sử dụng 26 chữ cái La-tinh để ghép sẽ không xuất hiện tượng bị lỗi phông chữ ở bất kỳ máy tính hay trên bất kỳ điện thoại di động nào trên thế giới. Tôi hy vọng rằng công trình khoa học về thể loại chữ viết ở dạng không dấu này có thể được ứng dụng rộng rãi trong thời đại công nghệ 4.0”, Lâm chia sẻ.
Với chữ do Lâm sáng tạo, người sử dụng có thể viết theo sở thích, không đụng chạm đến bất kỳ bộ gõ nào hay những người sáng tạo ra chữ quốc ngữ. Nó cho phép người sử dụng đọc được chữ không dấu vì sự biến đổi linh hoạt giữa các vần chữ Việt nhanh và sự luân chuyển giữa các ký hiệu dấu, cho phép não của chúng ta chuyển đổi một lần duy nhất, vì vậy nhận biết được mặt chữ một cách trọn vẹn.

Một đoạn trong Truyện Kiều được viết bằng Chữ Việt Nam song song 4.0

Lâm phân tích thêm: “Hiện nay, giới trẻ thường viết chữ quốc ngữ không dấu để nói chuyện với nhau trên tin nhắn điện thoại, internet, messenger, zalo chat... nhưng nhiều lúc đọc không dấu sẽ gây hiểu nhầm. CVNSS 4.0 sẽ khắc phục được nhược điểm gây hiểu lầm trong chữ quốc ngữ viết không dấu này. Nó còn là một công cụ viết rất nhanh, có thể tiết kiệm 25-30% so với kiểu gõ telex hay các kiểu gõ khác bung ra chữ quốc ngữ. Chúng ta cũng có thể cài đặt CVNSS 4.0 trong bộ gõ để bung ra chữ quốc ngữ”.

Chữ cải tiến  “đẹp giống như một bức tranh”!

Ngoài ra, Lâm chỉ ra những ưu điểm khác như mặt chữ của CVNSS 4.0 có tính thẩm mỹ, đẹp như Anh ngữ vì hầu hết các chữ ở dạng 3-4 chữ cái, nhiều nhất là 5 chữ cái, chữ rất đều nhau và bắt mắt nên.
“Vì có tính thẩm mỹ cao nên sẽ có giá trị thu hút quảng cáo. Hiện nay ở Việt Nam mình hay thể hiện chữ viết ở các biển hiệu nhà hàng, shop, … thường viết bằng các từ nước ngoài hoặc nghĩ ra các chữ tiếng Việt làm sao viết cho giống tiếng Anh để thu hút khách hàng vào mua hàng. Và vì mặt chữ đẹp mắt giống Anh ngữ, CVNSS 4.0 có giá trị quảng cáo hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, thu hút khách du lịch đến thăm Việt Nam nhiều hơn.
Cải tiến chữ quốc ngữ kiểu VNSS 4.0 còn giúp học sinh, sinh viên có thể học một cách dễ dàng, giúp trí tuệ trẻ em thông minh hơn và động não hơn trong phân tích ngôn ngữ vì chữ này có công thức cấu tạo như một công thức toán học hoàn chỉnh”, Lâm nhận định.
Có thể thay thế chữ quốc ngữ
Ông Trần Tư Bình, tác giả của công trình Chữ Việt nhanh, sinh năm 1954, tốt nghiệp khoa Ngữ văn năm 1977, Trường ĐH Tổng Hợp, TP.HCM . Ông là hiệu trưởng trường Văn hóa Việt Nam Marrickville, Úc từ năm 2010 đến 2016 và đang là chủ nhiệm trang web Chữ Việt Nhanh.
 Ông Trần Tư Bình cho rằng chữ VNSS 4.0 có thể thay thế chữ quốc ngữ nếu vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ được nhà nước đặt lại và nếu sau này có vài triệu người thích dùng nó. "Sẽ có người quan ngại nếu thực hiện cải tiến chữ quốc ngữ thì di sản văn hóa khổng lồ và thói quen của toàn dân từ nhỏ đến lớn, làm sao có thể thay đổi được mà không gây ra sự phiền toái. Hoặc cho rằng cải tiến sẽ kéo theo chi phí tốn kém trong việc học lại chữ cải tiến, và còn động chạm đến giấy tờ giao dịch, con dấu, thậm chí tiền tệ... Những ai quan ngại, xin hãy xem người Trung Quốc đã thực hiện thành công cải tiến chữ Hán, từ phồn thể qua giản thể vào giữa thế kỷ 20, dù di sản văn hóa của họ còn khổng lồ hơn nhiều lần và thói quen của toàn dân Trung Quốc là cả vài ngàn năm qua, chứ không phải chỉ hơn trăm năm như ở chữ quốc ngữ", ông Bình nhận định.
Hiện nay, ông Trần Tư Bình và Kiều Trường Lâm đã làm hồ sơ đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ cho công trình cải tiến chữ quốc ngữ Chữ Việt Nam song song 4.0.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.