Thêm một ‘mùa đông không lạnh’ ở châu Âu?

09/03/2023 16:16 GMT+7

Mặc dù một mùa đông ấm áp vào thời điểm này mang lại một số lợi ích ngắn hạn, nó sẽ tạo ra nhiều hệ lụy cho châu Âu và toàn cầu.

Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà khoa học ở Liên minh châu Âu (EU) ngày 8.3 cho biết châu lục này đang trải qua mùa đông ấm áp thứ hai từng được ghi nhận.

Cụ thể, theo dữ liệu do Cơ quan Theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của EU công bố, nhiệt độ trung bình ở châu Âu từ tháng 12.2022 đến tháng 2.2023 cao hơn 1,4 độ C so với mức trung bình của mùa đông phương Bắc giai đoạn 1991-2020.

Thêm một ‘mùa đông không lạnh’ ở châu Âu? - Ảnh 1.

Một trung tâm trượt tuyết ở Bjelasnica (Bosnia và Herzegovina) phải đóng cửa vì thiếu tuyết.

REUTERS

C3S cho biết nhiệt độ đặc biệt cao ở Đông Âu và phía bắc các nước Bắc Âu. Trong khi nhiệt độ chung ở châu Âu cao hơn mức bình thường, một số khu vực lại dưới mức trung bình, bao gồm một số vùng của Nga và Greenland.

Với mức nhiệt này, mùa đông 2022-2023 được xếp hạng là mùa đông ấm thứ hai được ghi nhận ở châu Âu.

Theo Reuters, châu Âu đã trải qua một đợt nắng nóng khắc nghiệt trong mùa đông vào cuối tháng 12.2022 và đầu tháng 1.2023. Nhiệt độ cao kỷ lục đã ảnh hưởng từ Pháp đến Hungary, buộc các khu trượt tuyết phải đóng cửa vì không đủ tuyết.

Mùa đông ôn hòa bất thường đã mang lại một số lợi ích ngắn hạn cho các chính phủ trước tình trạng giá năng lượng tăng mạnh sau khi Nga cắt nguồn cung. Nhiệt độ cao hơn đã hạn chế nhu cầu dùng khí đốt để sưởi ấm ở nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, nhiệt độ cao gây rủi ro cho động vật hoang dã và nông nghiệp. Nhiệt độ mùa đông tăng đột biến có thể khiến thực vật bắt đầu sinh trưởng hoặc khiến động vật kết thúc kỳ ngủ đông sớm hơn dự kiến. Điều này sẽ khiến các loài sinh vật này dễ bị tổn thương hơn trong những đợt lạnh sau đó.

Thực khách châu Âu có thể phải nhịn bớt khoai tây chiên vì thời tiết nóng

Bà Tilly Collins, phó giám đốc Trung tâm Chính sách Môi trường của Đại học Hoàng gia London (Anh) cho biết khí hậu thay đổi có nghĩa là thực vật và động vật đang phải vật lộn để di chuyển đến các địa điểm mới để duy trì nhiệt độ lý tưởng.

"Đối với các loài có quần thể nhỏ hoặc phạm vi hạn chế, điều này có thể dễ dàng đưa chúng đến con đường tuyệt chủng", bà Collins nói.

Theo C3S, vào tháng 2, mật độ băng ở Nam Cực đã giảm xuống mức thấp nhất trong 45 năm qua. Phó Giám đốc C3S, bà Samantha Burgess cho biết: "Mức băng thấp có thể tác động đến sự ổn định của thềm băng Nam Cực và dẫn đến tình trạng nước biển dâng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.