Người đồng nghiệp, mới 29 tuổi và mới được ký hợp đồng chính thức ở Thông tấn xã Việt Nam ngày 1.8.2016. Anh tốt nghiệp lớp báo in K27, Khoa báo chí, Học viện Báo chí - Tuyên truyền, trên tôi đúng 2 khoá. Nghe anh em, thầy cô trường Báo kể về anh, tôi rưng rưng: “Dư đã là Đảng viên, học xong thạc sĩ báo chí. Từ ngày là sinh viên, lúc nào cũng thấy Dư tất bật, lăn lộn với nghề...”.
Sáng nay, 14.10, lễ viếng Đinh Hữu Dư đã bắt đầu từ 7 giờ tại thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Tôi gọi điện cho anh Lê Trung Nguyên, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Quảng Ninh, lớp trưởng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của cơ quan mà Dư tham dự sau khi được ký hợp đồng chính thức, nghe anh kể về người em, người đồng nghiệp mà không thể cầm lòng.
tin liên quan
Một phóng viên bị lũ cuốn ở Yên Bái
Theo thông tin của Thanh Niên, trưa nay (11.10) lũ cuốn trôi mố cầu Thia ở Yên Bái đã khiến 1 phóng viên thường trú của Thông tấn xã tại tỉnh này bị cuốn trôi.
Gia đình Đinh Hữu Dư rất khó khăn. Cha mẹ chỉ làm nông nghiệp, dưới Dư còn một em gái. Trước khi về Thông tấn xã Việt Nam, Dư cộng tác ở nhiều tờ báo, miệt mài, chăm chỉ, đầy nhiệt huyết. Anh gom góp những đồng nhuận bút ít ỏi của mình để phụ giúp bố mẹ, nuôi em. Vậy mà, khi ước mơ được là phóng viên chính thức chưa được bao lâu, dòng nước lũ Yên Bái đã cuốn trôi anh đi mất cùng bao nhiêu khát vọng, hoài bão đang dang dở.
Nghề báo là nghề nguy hiểm, tôi đã nghe câu đó hàng trăm, hàng ngàn lần trước khi bước theo con đường này. Nhưng nguy hiểm như thế nào, chỉ khi dấn thân, những người làm nghề mới hiểu.
Tôi không bao giờ quên những mùa mưa bão năm 2012, 2013, 2014 khi tôi tác nghiệp giữa những cơn bão càn quét qua Quảng Ninh. Trên cảng Cái Rồng, thị trấn Vân Đồn, gió dữ dội, sóng biển cao hàng chục mét, mưa trắng trời đất, chiếc áo mưa trên người tôi bị quật nát, cây cối, cột điện đổ ngổn ngang, mất điện toàn thị trấn, tôi cố giữ cho đôi chân của mình không bị nhấc khỏi mặt đất để những tấm ảnh, đoạn clip mình quay được nét nhất có thể. Sau đó, khi người còn đang ướt sũng, lạnh run cầm cập, tôi vẫn cố gắng chạy thật nhanh đến một bệnh viện của huyện để dùng nhờ điện, mở máy tính, gửi ảnh về cơ quan.
Năm 2015, tôi đi công tác ở huyện Mèo Vạc, Hà Giang giữa những ngày nơi này buốt lạnh vì băng tuyết. Sự sống và cái chết cũng mong manh như con đường xiên xiên trong núi trong mây. Tôi ngồi trên xe máy, một bên vực thẳm, một bên vách đá tai mèo, cái lạnh đã đông cứng cả nỗi sợ hãi.
|
Khi tôi đang ngồi trong phòng làm việc viết những dòng chữ này, thì ngoài kia, đồng nghiệp của tôi vẫn đang khoác áo mưa, mang ủng, vác máy ảnh, máy quay phim để cập nhật tình hình mưa lũ ở ngoại thành Hà Nội, ở Hoà Bình, Yên Bái, Thanh Hóa..., tử thần rình rập bất cứ lúc nào.
Tôi vừa đọc trên tờ Thể thao & văn hoá của Thông tấn xã Việt Nam số ra ngày hôm nay bài viết về phóng viên tử nạn Đinh Hữu Dư: “Trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ đã có hàng trăm nhà báo hi sinh khi đang làm nhiệm vụ, trong đó Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan báo chí chịu tổn thất nặng nề nhất về con người, với hơn 260 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên hi sinh. Theo một con số thống kê tuyệt đối thì là 262 người. Tổn thất đó đã nói lên rất nhiều điều: đó là sự cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ nhân viên Thông tấn xã Việt Nam trong chiến tranh, khi đằng sau những trang tin, bức ảnh, thước phim gửi về còn có xương thịt của họ rải khắp chiến trường cho đến ngày toàn thắng”.
Còn trên thế giới, theo số liệu thống kê của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) tổng cộng có 110 nhà báo bị sát hại ở nhiều quốc gia trong năm 2015. Cũng trong năm này, 54 nhà báo bị bắt làm con tin, trong đó 26 trường hợp ở Syria. Iraq và Syria đã được các phóng viên, nhà báo gọi tên “tử địa”.
Đưa tiễn Dư hôm nay, trời Ninh Bình lất phất mưa bay.
Trước Dư và sau Dư, tôi hiểu rằng, sẽ còn nhiều, rất nhiều những người sẵn sàng mất cả tuổi thanh xuân và cuộc đời của mình vì sứ mệnh đưa tin, đi đến tận cùng sự thật của nghề báo. Hôm nay, tôi càng thêm thấm thía, tự hào vì điều đó.
Bình luận (0)