Thêm một ứng dụng gọi xe Việt gia nhập thị trường

29/06/2020 20:35 GMT+7

Sau Be, thị trường gọi xe công nghệ Việt vừa tiếp tục có thêm một ứng dụng gọi xe do người Việt phát triển.

Công ty cổ phần GV ASIA chiều nay, 29.6, tổ chức họp báo công bố ra mắt ứng dụng gọi xe công nghệ GV Taxi - ứng dụng gọi xe của người Việt.
GV Taxi là một ứng dụng gọi xe công nghệ với các tính năng tương tự như các ứng dụng khác đang hoạt động tại Việt Nam (Grab, be, GoViet, MyGo, FastGo, MyGo, Vato...). Với chức năng chính là gọi xe gồm cả xe máy, xe ô tô, taxi tải, vé xe khác. Ứng dụng này cũng đặt mục tiêu sẽ tích hợp nhiều dịch vụ trong thời gian tới như giao hàng, đồ ăn, du lịch.
GV Taxi được Công ty taxi tải GV ASIA đầu tư trực tiếp xây dựng và vận hành bởi đội ngũ kỹ sư người Việt Nam. Ông Hoàng Quang Mạnh, Giám đốc GV ASIA, cho biết lợi thế của hãng so với các ứng dụng khác là công nghệ nhận biết với khoảng cách định vị chính xác vị trí trong bán kính dưới 10 m, qua đó nhanh chóng xác định và kết nối người sử dụng tới tài xế gần nhất.
Đại diện công ty này chưa tiết lộ nguồn vốn kêu gọi đầu tư, nhưng cho biết cam kết tạo thu nhập ổn định cho đối tác tham gia mạng lưới với việc nghiên cứu tối ưu thu nhập tốt nhất cho tài xế trên từng chuyến đi; đồng thời, mang lại dịch vụ chất lượng, chi phí hợp lý cho mỗi chuyến đi.
Về cước phí, hãng này đưa ra mức cước khá cạnh tranh, từ 5.000 đồng/km với xe máy, từ 11.000 đồng/km với xe riêng và cũng chỉ từ 11.000 đồng/km với xe taxi.
Hiện ứng dụng GV Taxi đã có trên các hệ điều hành iOS và Google Play. Mục tiêu trước mắt của GV Taxi trong vòng 6 tháng tới sẽ thu hút 8.000 tài xế đối tác, phục vụ 60.000 chuyến đi an toàn mỗi ngày.
Theo một chuyên gia, việc các ứng dụng gọi xe mới ra mắt tại thời điểm này khi thị trường gọi xe trong nước đã tương đối bão hoà là bài toán khó cho các nhà đầu tư.
Để cạnh tranh được với Grab, Be hay Goviet - vốn đã phân chia tương đối rõ các phân khúc thị trường, các tân binh ra đời sau sẽ phải chạy đua về giá khuyến mại để thu hút người dùng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ phải trường vốn đầu tư. Nếu vốn mỏng, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng "chết yểu" hoặc hoạt động lay lắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.