Xuất khẩu rau quả vượt 1,1 tỉ USD
H.Trảng Bom (Đồng Nai) là một trong những vùng trồng chuối lớn ở miền Đông Nam bộ. Từ đầu năm đến nay, bà con nơi đây sống khỏe nhờ hoạt động xuất khẩu thuận lợi. Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (xã Thanh Bình, H.Trảng Bom), cho biết hiện nay, mỗi tháng HTX của ông xuất khẩu từ 12 - 13 container chuối đi các nước (ngoài Trung Quốc), so với trung bình những năm trước chỉ 7 - 8 container. Giá chuối bình quân năm nay khá tốt, đạt 8 USD/thùng (13 kg). Hoạt động xuất khẩu thuận lợi nhờ HTX thường xuyên tham gia đoàn xúc tiến thương mại do các bộ ngành tổ chức, được khách hàng biết đến và tin tưởng nên đặt quan hệ làm ăn và liên tục mở rộng thị trường.
"Nhu cầu tiêu thụ chuối ở các thị trường cao vì đây là sản phẩm tốt cho sức khỏe. Thời tiết sắp bước vào giai đoạn mùa đông, nhiều vùng trồng chuối bị thu hẹp diện tích nên trong 6 tháng tới việc xuất khẩu chuối dự báo thuận lợi. Các bộ ngành cần tiếp tục tổ chức và hỗ trợ HTX, doanh nghiệp (DN) xúc tiến thương mại để tăng cường xuất khẩu", ông Hùng nói.
Một số DN xuất khẩu chuối có tiếng của VN phân tích hoạt động xuất khẩu chuối năm nay thuận lợi do nguồn cung từ Philippines gặp khó khăn vì dịch bệnh cũng như thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao. VN hiện đã vượt qua Philippines để trở thành nguồn cung chuối lớn nhất ở thị trường Trung Quốc. Tính đến hết tháng 7, xuất khẩu chuối của VN đạt kim ngạch 234 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023. Chuối trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng thứ ba của ngành rau quả VN sau sầu riêng và thanh long.
Trong nhóm 10 mặt hàng rau quả xuất khẩu chủ lực, tăng mạnh nhất là dừa tươi với 78%, tương đương kim ngạch 89 triệu USD trong 7 tháng năm 2024. Hiện dừa tươi chiếm vị trí số 6 và dự báo còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới khi VN và Trung Quốc vừa ký nghị định thư. Đứng ngay sau dừa tươi là dưa hấu - mặt hàng cũng đã được ký nghị định thư với Trung Quốc vào cuối năm 2023. Năm nay tăng 57% đạt kim ngạch tới 72 triệu USD.
Tiếp đến là mít và xoài lần lượt đứng ở vị trí thứ 4 và 5 cũng tăng trưởng tốt. Cụ thể trong 7 tháng, xuất khẩu mít đạt kim ngạch 178 triệu USD, tăng 29% còn xoài đạt 169 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Tổng cục Hải quan, kết quả sơ bộ trong tháng 8, xuất khẩu rau quả mang về thêm 700 triệu USD, tăng đến 51% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả tăng trưởng mạnh này phải kể đến sự đóng góp chủ lực của mặt hàng sầu riêng. Hiện tại, vùng trồng sầu riêng lớn nhất của VN là Tây nguyên đang vào vụ thu hoạch rộ và sẽ kéo dài đến cuối tháng 10. Nhờ vậy, lũy kế 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 4,6 tỉ USD, tăng 29% tương đương con số tuyệt đối tới 1,1 tỉ USD so với năm 2023.
Những cơ hội mới từ dừa tươi, bưởi, chanh leo…
Xuất khẩu bưởi đứng ở vị trí thứ 9 trong nhóm mặt hàng chủ lực của ngành rau quả, kim ngạch 7 tháng qua đạt 35,5 triệu USD, tăng tới 36% so với cùng kỳ năm 2023. Từ vùng bưởi năm roi có tiếng ở miền Tây là H.Bình Minh (Vĩnh Long), ông Nguyễn Ngọc Hiển, Giám đốc Công ty Vinagreenco, thông tin: Từ đầu năm đến nay hoạt động xuất khẩu đi các nước đều thuận lợi và giá tương đối tốt. Nhờ vậy diện tích bưởi năm roi của đơn vị hợp tác được bà con giữ ổn định. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, công ty đang tìm kiếm mở rộng vùng nguyên liệu bưởi da xanh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
"Thời điểm này, Trung Quốc cũng bắt đầu có hàng nên hoạt động xuất khẩu giảm nhịp. Tuy nhiên, việc chúng ta ký nghị định thư với Hàn Quốc vào cuối tháng 7 vừa qua đã mở ra cơ hội lớn cho mặt hàng này. Hiện tại chúng tôi cũng đã chuẩn bị các thủ tục cần thiết để sẵn sàng đưa hàng vào thị trường này. Chúng tôi xác định đây là thị trường cao cấp và khó tính nên cần chuẩn bị thật kỹ, chất lượng tốt để sẵn sàng đáp ứng tốt nhất yêu cầu thị trường", ông Hiển nói.
Một thông tin vui khác là chanh leo của VN sắp được vào Mỹ. Ngày 28.8 vừa qua, Bộ NN-PTNT cho biết trong chuyến làm việc của Thứ trưởng Hoàng Trung tại Mỹ, hai bên đã đạt được đồng thuận cho phép xuất khẩu chanh leo VN vào Mỹ. Sau đó, hai bên sẽ thực hiện các thủ tục lấy ý kiến cơ quan chức năng trong 60 ngày trước khi công bố chính thức. VN cũng đề nghị phía Mỹ khởi động quy trình xem xét đối với một số loại trái cây mới của VN như: chanh không hạt, ổi, mít; thống nhất danh sách dịch hại và các bước tiếp theo trong quy trình xem xét đối với quả quýt, mận, chanh vàng, lựu và một số sản phẩm khác để làm giống cây trồng của phía Mỹ. Theo số liệu hải quan VN, trong 7 tháng qua xuất khẩu chanh leo tươi đạt 28 triệu USD tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023 và đứng thứ 10 trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (VINAFRUIT), nhận định: Hàn Quốc là thị trường rất đáng chú ý với VN trong năm 2024. Tính đến tháng 7.2024, kim ngạch xuất khẩu sang nước này đạt tới 189 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương với thị trường Mỹ. Với sự bổ sung mặt hàng bưởi, đà tăng có thể tiếp tục duy trì mức cao. Thị trường này có nhu cầu với mặt hàng bưởi nhưng họ cũng nhập từ nhiều nguồn khác nhau nên chúng ta cần đảm bảo chất lượng tốt và giá cả phù hợp để tăng tính cạnh tranh. Ước tính, từ Hàn Quốc có thể mang về nguồn thu thêm khoảng 20 triệu USD cho quả bưởi.
"Hàn Quốc là thị trường có sức tiêu thụ rau quả lớn trên thế giới. Xuất khẩu rau quả của VN vào Hàn Quốc tăng mạnh trong năm nay nhờ những nguồn cung khác gặp khó khăn ở khâu vận chuyển. Chính vì vậy, đây là cơ hội tốt để VN tăng cường sự hiện diện của mình, qua đó từng bước xâm nhập sâu và chiếm lĩnh thị trường để duy trì đà phát triển bền vững", ông Nguyên nói.
Mặt khác, theo các chuyên gia, xuất khẩu chanh leo vào thị trường Mỹ có thể bị cạnh tranh nhiều từ các nước Nam Mỹ, do đó VN có thể tăng cường đầu tư vào lĩnh vực chế biến. Chanh leo là mặt hàng rất tiềm năng và được nhiều thị trường ưa chuộng, có thể mang về nguồn thu từ 50 - 100 triệu USD với cả sản phẩm tươi và chế biến. Đối với mặt hàng dừa tươi vừa ký nghị định thư với Trung Quốc, đây cũng được xem là mặt hàng nhiều tiềm năng và kim ngạch xuất khẩu có thể tăng vọt trong năm 2025.
Bình luận (0)