Thêm phiên đấu thầu vàng, cho mua tối thiểu chỉ 400 lượng mới hết ế?

24/04/2024 11:34 GMT+7

Theo nhiều chuyên gia, muốn kéo giảm chênh lệch giá vàng sẽ cần thêm nhiều phiên đấu thầu vàng. Quan trọng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh giảm mạnh lượng vàng yêu cầu mua tối thiểu.

"Không doanh nghiệp nào mua vàng đầu cơ"

Tại phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC sáng 23.4, chỉ 2 thành viên trúng thầu 3.400 lượng vàng, tương ứng 34 lô. Mức giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng, cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng.

Tại phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC sáng 23.4, chỉ 2 thành viên trúng thầu 3.400 lượng vàng

Tại phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC sáng 23.4, chỉ 2 thành viên trúng thầu 3.400 lượng vàng

NGỌC THẮNG

Đáng chú ý, ngay sau phiên đấu thầu, giá vàng SJC trong nước thậm chí còn bật tăng dù giá vàng thế giới ngày 23.4 không tăng, trước hay sau phiên đấu thầu, giá vàng thế giới chủ yếu đi ngang.

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích, các doanh nghiệp tham gia đấu thầu là mua vào số vàng họ đang bị âm.

"Doanh nghiệp đã cung ra thị trường lượng vàng trước đó, tham gia đấu thầu để mua bù vào chứ không phải doanh nghiệp trúng thầu vàng xong, cung ngay ra thị trường. Thực chất, kết thúc đấu thầu hôm qua, các doanh nghiệp cũng chưa nhận được vàng luôn.

Biến động vàng ngày 24.4: Giá vàng miếng SJC đắt ‘bỏng tay' sau đấu thầu, tăng cả triệu trong buổi sáng

Chắc chắn không có doanh nghiệp nào tham gia đấu thầu, mua vàng mang tính đầu cơ vì thị trường vàng hiện khá rủi ro. Giá vàng thế giới có thể suy giảm. Khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp cũng có thể khiến giá vàng SJC trong nước giảm…", ông Phương nhấn mạnh.

Hiện có 15 doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đủ điều kiện tham gia đấu thầu vàng. Tại phiên đấu thầu ngày 23.4, chỉ 11 đơn vị tham gia, cuối cùng chỉ 2 đơn vị trúng thầu.

Bình luận về tình trạng ế ẩm 13.400 lượng vàng đấu thầu, ông Phương cho rằng, yếu tố mấu chốt nhất khiến doanh nghiệp không mặn mà tham gia bỏ thầu xuất phát từ yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

"Yêu cầu là doanh nghiệp phải đặt tối thiểu 14 lô (tương đương 1.400 lượng vàng), trong khi đó, có doanh nghiệp chỉ đang âm khoảng 400 - 500 lượng vàng. Ban đầu, doanh nghiệp có thể vẫn đăng ký tham gia đấu thầu nhưng sau đó không tiến hành bỏ thầu. Lượng tối thiểu họ phải mua vào quá nhiều, mua dư thì không khác gì đầu cơ, ôm lượng lớn quá rủi ro", ông Phương nói.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cũng nhìn nhận việc Ngân hàng Nhà yêu cầu số lượng mua tối thiểu 1.400 lượng vàng khiến các đơn vị tham gia đấu thầu cân nhắc.

"1.400 lượng vàng miếng SJC ở thời điểm hiện tại tương đương hơn 113 tỉ đồng. Doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra số tiền khổng lồ nhưng không biết có tiêu thụ kịp không nếu trúng thầu, vì sức mua của thị trường đang rất yếu", ông Khánh nói.

Cần thêm nhiều phiên đấu thầu vàng

Ngay sau phiên đấu thầu sáng qua 23.4, chênh lệch giá vàng SJC với giá vàng thế giới vẫn khoảng hơn 11 triệu đồng. Cho rằng rút ngắn khoảng cách này còn 6 -7 triệu đồng/lượng đã là thành công, theo ông Phương, muốn đạt được điều này, Ngân hàng Nhà nước cần tiến hành thêm ít nhất 3 - 4 phiên đấu thầu vàng nữa, lượng cung ra thị trường thêm khoảng 10.000 - 15.000 lượng vàng.

Để kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần tiến hành thêm nhiều phiên đấu thầu vàng

Để kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần tiến hành thêm nhiều phiên đấu thầu vàng

NGỌC THẮNG

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu khi trao đổi với Thanh Niên cũng cho rằng, muốn kéo gần khoảng cách giữa giá vàng Việt Nam và giá vàng thế giới, cần thêm nhiều phiên đấu thầu. Về con số cụ thể, theo ông Hiếu, có thể cần thêm tới 7 - 10 phiên.

Ông Khánh chia sẻ quan điểm, để "hạ nhiệt" thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tiến hành đấu thầu thêm 4 - 5 phiên, song mấu chốt là giá cọc sẽ phải thấp hơn nữa mới hấp dẫn các đơn vị bỏ thầu.

"Quan trọng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400 - 500 lượng vàng thì sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn, chứ yêu cầu đặt mua tối thiểu 1.400 lượng vàng quá khó.

Trong 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu vàng, chỉ 2 doanh nghiệp trúng thầu không gây ra tác động nhiều tới thị trường. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đấu thầu, mỗi đơn vị chỉ cần mua 400 - 500 lượng vàng thôi, số vàng cung ra thị trường cũng hàng nghìn lượng, sẽ có tác động tốt tới thị trường", ông Phương phân tích.

Về lâu dài, nhiều chuyên gia kinh tế đều đồng quan điểm, cần sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Những thay đổi tập trung vào các khía cạnh như xóa độc quyền vàng miếng SJC, giao lại việc nhập khẩu cho các nhà kinh doanh vàng, thay vì Ngân hàng Nhà nước thực hiện.

Trưa 23.4, Ngân hàng Nhà nước công bố kết quả đấu thầu 16.800 lượng vàng, theo đó 2 thành viên đã trúng thầu 34 lô (3.400 lượng vàng).

Mức giá trúng thầu thấp nhất 81,32 triệu đồng/lượng, giá cao nhất 81,33 triệu đồng/lượng. Mức giá phát đấu thầu 16.800 lượng vàng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra sáng 23.4 là 81,32 triệu đồng/lượng.

Trước đó, ngày 22.4, Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng vào sáng 23.4, giá tham chiếu tính đặt cọc là 80,7 triệu đồng/lượng (giảm 1,1 triệu đồng/lượng so với mức giá công bố ngày 19.4). Khối lượng đặt thầu tối thiểu 14 lô (tương đương 1.400 lượng), tối đa 20 lô (2.000 lượng).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.