Chính phủ vừa ban hành Nghị định 84 năm 2024 về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP.HCM.
Phân cấp thêm cho TP.HCM
Theo đó, riêng lĩnh vực y tế, Chính phủ phân cấp cho TP.HCM 2 lĩnh vực: nhập khẩu thuốc, quảng cáo khám chữa bệnh (KCB) cho bệnh viện (BV) tư.
Cụ thể, Chính phủ cho phép UBND TP.HCM có thẩm quyền giao cơ quan chuyên môn về y tế cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với dịch vụ KCB của BV tư trên địa bàn.
Việc thẩm định và cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với dịch vụ KCB của BV tư trước đây thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, cụ thể là Cục Quản lý KCB. Tuy nhiên, nhiều BV trên địa bàn TP.HCM than phiền họ phải đợi quá lâu, quá phiền hà.
"Mỗi lần chúng tôi xin các thủ tục hành chính nói chung là phải ra Bộ Y tế, về khoảng cách địa lý là quá xa, không đáp ứng được cho sự cấp bách và mong mỏi của BV. Ngược lại, mỗi lần Bộ Y tế vào thẩm định hoặc kiểm tra, giám sát thì cũng xa", giám đốc một BV tư ở TP.HCM chia sẻ và nói thêm: "Trước đây, để có giấy phép quảng cáo thì mất thời gian không dưới 3 tháng. Thậm chí là bị trả hồ sơ, đi tới đi lui rất nhiều lần, nên một năm cũng chưa có phép, rất nhiêu khê. BV có cả 100 dịch vụ kỹ thuật nhưng bắt đi ra Bộ Y tế xin từng loại dịch vụ kỹ thuật đó thì không ai có thể chịu nổi".
Vị giám đốc BV tư này cũng cho rằng BV không quảng cáo được thì không phát triển được, khó khăn thêm. Còn quảng cáo khi chưa có giấy phép quảng cáo thì bị thanh kiểm tra, xử phạt. Ngoài ra, nội dung cấp phép của Bộ Y tế và cách hiểu của y tế địa phương khi đi kiểm tra đôi khi cũng chênh nhau, khiến BV lúng túng. Nay, được Chính phủ phân cấp về TP.HCM thì BV rất mừng, vì Sở Y tế địa phương cấp phép quảng cáo và quản lý thống nhất, gần gũi với BV hơn.
Liên quan đến BV tư, theo luật KCB năm 2023, cơ quan chuyên môn về y tế thuộc UBND cấp tỉnh thực hiện việc cấp mới, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động đối với BV tư từ ngày 1.1.2027. Như vậy, từ đây đến hết năm 2026, Bộ Y tế vẫn phụ trách các thủ tục hành chính trên.
TP.HCM chủ động mua thuốc cho người bệnh
Thứ đến, TP.HCM được phân cấp quyết định cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình KCB đối với một số nhóm thuốc theo quy định cho các cơ sở KCB thuộc phạm vi quản lý của TP. Theo Sở Y tế TP.HCM, với sự phân cấp này, TP.HCM sẽ chủ động hơn trong việc nhập khẩu thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của các cơ sở y tế trên địa bàn, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng chống dịch bệnh và nhu cầu khẩn cấp khác, đặc biệt đối với các thuốc hiếm, thuốc chuyên khoa đặc trị.
Liên quan vấn đề cung ứng thuốc, ngày 16.7, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã tổng hợp danh mục thuốc từ các trung tâm y tế đối với gói thầu thuốc generic với hơn 400 danh mục thuốc và gói thầu dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền với gần 60 danh mục thuốc. Sở Y tế cũng đã giao BV Hùng Vương và BV Y học cổ truyền là những BV đảm bảo năng lực, kinh nghiệm để làm bên mời thầu cho 2 gói thầu trên và huy động nhân lực của ngành y tế tham gia hỗ trợ trong công tác lựa chọn nhà thầu. Các BV đang khẩn trương thực hiện và dự kiến đến tháng 9.2024, TP.HCM sẽ có kết quả lựa chọn nhà thầu để bắt đầu cung ứng thuốc cho các trung tâm y tế, trạm y tế.
Ngoài nỗ lực cung ứng thuốc cho tuyến y tế cơ sở, công tác cung ứng thuốc cho hệ thống KCB trên địa bàn cũng được Sở Y tế đặc biệt quan tâm. Để nắm bắt tình hình cung ứng thuốc, Sở Y tế đã thành lập tổ công tác hỗ trợ trong mua sắm, điều phối thuốc. Hằng tuần, tổ công tác sẽ tiếp nhận thông tin về cung ứng thuốc của các cơ sở y tế để kịp thời hỗ trợ.
Đối với các thuốc hiếm, trước đây và hiện nay, Sở Y tế đã thường xuyên liên hệ với Bộ Y tế để có nhiều biện pháp hỗ trợ BV. Trong thời gian qua, Sở Y tế đã báo cáo Cục Quản lý dược và kịp thời nhập khẩu về VN một số thuốc hiếm để đáp ứng nhu cầu điều trị như thuốc globulin, huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, methotrexat... Một số thuốc cũng đã hoàn tất thủ tục cấp phép và đang được tiếp tục nhập khẩu về VN trong thời gian tới.
Bình luận (0)